Thức uống nhiễm chì, đừng để 'chết' người mới dừng lưu thông

13/08/2016 - 13:00
Hàng triệu chai nước C2 và Rồng đỏ nhiễm chì đã được người dân sử dụng, sau đó mới được dưng lưu thông. Nhiều ý kiến cho rằng, dù Thanh tra Bộ Y tế có mạnh tay trong xử lý vi phạm nhưng vẫn theo kiểu ‘mất bò mới lo làm chuồng’.

Từ khi cơ quan chức năng phát hiện nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC có hàm lượng chì cao từ cuối tháng 5/2016, đến nay căn cứ vào số liệu 2 lần báo cáo của Công ty tới Thanh tra Bộ Y tế, tổng số hàng hóa buộc thu hồi đã được thu hồi là 1.240 thùng.

Trong khi, Quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Y tế vào ngày 31/5 ghi rõ: Có tới trên 3,8 tỷ đồng giá trị sản phẩm C2, Rồng đỏ trong 2 lô vi phạm không thu hồi được. Bên cạnh đó, Công ty TNHH URC công bố, tổng số C2, Rồng đỏ buộc thu hồi là 41.190 thùng. Như vậy, số lượng C2, Rồng đỏ nhiễm chì còn đang trôi nổi trên thị trường là gần 40.000 thùng, tương đương với hơn 1 triệu chai.

Ông Jai Gamboa, Tổng giám đốc Công ty TNHH URC Việt Nam cũng thừa nhận số sản phẩm đã được thu hồi đến nay chủ yếu thuộc lô C2 sản xuất vào tháng 2/2016, còn lô Rồng đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. Do từ thời điểm sản xuất đến lúc thu hồi cách nhau 2 đến 6 tháng. 

c2.jpg
Sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty URC từng được phát hiện nhiễm chì

Về việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, việc thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các doanh nghiệp được Bộ Y tế lên kế hoạch hàng năm.

Từ nay đến hết năm 2016, ngành Y tế tập trung kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng; chấn chỉnh việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm; kiểm soát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Còn công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã nêu rõ: Thực phẩm trước khi lưu thông trên thị trường phải được công bố hợp quy và đăng ký với cơ quan Nhà nước. Như vậy, doanh nghiệp phải làm thủ tục để được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP thì sản phẩm mới được phép lưu thông.  

Sau khi nộp đủ hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ đánh giá và cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho sản phẩm đó. Bao gồm số, tên sản phẩm, công ty sản xuất. 

Cũng theo ông Giang, sau khi được cấp giấy phép, công tác hậu kiểm được thực hiện theo quy định. Việc hậu kiểm được phân cấp cụ thể đến các Bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT…

Về phía Bộ Y tế, hằng năm, Thanh tra Bộ và Thanh tra Cục ATTP thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về ATTP. Tuy nhiên, do số đơn vị quá lớn, nên mỗi tháng Đoàn thanh tra thực hiện kiểm tra theo từng mảng sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, vấn đề hậu kiểm cũng giao cho các địa phương. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện quản lý Nhà nước về ATTP trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ATTP tại địa phương. 

Đối với doanh nghiệp, định kỳ 6 tháng/lần phải gửi mẫu về Cục ATTP để xét nghiệm. Với 1 số trường hợp nếu sản phẩm quản lý theo hệ thống ISO thì 1 năm/lần. 

c21.jpg
 Ông Nguyên Văn Nhiên (phải) trong lần kiểm tra nước giải khát C2 và Rồng đỏ

Như vậy, tất cả doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, kể cả Công ty TNHH URC Việt Nam, đều phải thực hiện theo quy định. Vì thế, Công ty URC Hà Nội đã tự lấy mẫu, gửi đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia phân tích. Từ đó đã phát hiện mốt số mẫu nước giải khát C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. “Không có bất cứ sản phẩm nào ngoại lệ. Sản phẩm nào cũng phải kiểm tra mẫu theo quy định”, ông Giang nói.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, việc thực hiện hậu kiểm theo quy định, kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, khi có thông tin sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hoặc thành phần không đúng với công bố, Cục sẽ lấy mẫu để kiểm tra lại. Nếu phát hiện sản phẩm đó vi phạm, tùy mức độ vi phạm, Cục sẽ xử phạt hành chính, yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng lưu thông và thu hồi sản phẩm. Thậm chí thu hồi Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Doanh nghiệp muốn được cấp lại giấy xác nhận, phải thực hiện các bước theo quy định.

Như vậy, việc phát hiện C2 và Rồng đỏ nhiễm chì là do Công ty TNHH URC Hà Nội lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm theo quy định. Bởi nếu, nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp không lấy mẫu vào thời điểm này hoặc mẫu đó lấy từ lô sản phẩm khác, có thể "quả bom" sản phẩm nhiễm chì C2 và Rồng đỏ sẽ không... phát nổ. Hơn nữa, dù có "nổ" nhưng quả bom này đã tác động xấu đến sức khỏe của hàng triệu người sử dụng, vì hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Từ vụ việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần có thêm những đợt thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm đột xuất, chưa không nên "thực hiện theo kế hoạch" hay "khi có thông tin về sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mới lấy mẫu kiểm tra". Vì nếu vậy, thì không khác nào "chết" người, mới thanh kiểm tra và dừng lưu thông sản phẩm. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm