Thuê xe ôm, nhờ ông bà chở con đi học, nếu gặp tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?

16/08/2019 - 10:09
Cuộc sống khá bận rộn, mà lại một mình nuôi hai cháu nhỏ nên tôi hay nhờ ông bà, người thân hoặc các phương tiện dịch vụ đưa con đi học. Vậy không may có tai nạn xảy ra thì sẽ xử lý như thế nào?

Hỏi: "Gần đây sau vụ việc một học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường Gateway, tôi băn khoăn lo lắng về sự an toàn của con ình. Do công việc khá bận lại nuôi con một mình nên đôi khi tôi phải nhờ đến ông bà, người thân hoặc xe ôm, xe công nghệ đưa đón con. Vậy cho tôi hỏi làm cách nào để an toàn cho con và không may gặp tai nạn trên đường thì trách nhiệm pháp luật sẽ bị xử lý ra sao?

Quang Anh (TP.HCM)

Trả lời: Luật sư Trần Quốc Dũ, Văn phòng luật sư Thịnh Quốc – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Để bảo đảm lợi ích và tính khả thi cho người bị thiệt hại và cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người gây ra thiệt hại trong việc bồi thường, Pháp luật cũng đưa những nguyên tắc bồi thường thiệt hại và các hình phạt xử lý với từng đối tượng. Cụ thể như sau:

Trách nhiệm của ông bà chở cháu đi học nếu không may gặp tai nạn trên đường

Trong trường hợp ông bà chở cháu đi trên đường không may gặp tai nạn giao thông trước tiên phải xét yếu tố lỗi của người chở hay là đối tượng thứ ba (người thứ ba tham gia giao thông khác, tài xế lái xe trên đường...) để xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đó có thể là trách nhiệm Dân sự hoặc là Hình sự. Bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc chịu trách nhiệm Hình sự về hành vi gây tai nạn của mình theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017).

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 104 luật Hôn nhân Gia đình 2014 có quy định: “Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”. Việc quy định tại điều luật này có nghĩa ông bà cũng có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, trông nom cháu trong trường hợp cháu không còn sống chung cùng bố mẹ hoặc người được giao làm giám hộ trực tiếp theo pháp luật.

Dựa vào các căn cứ trên thì việc ông bà chở cháu đi học mà gặp tai nạn nếu do lỗi của ông bà thì ông bà vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như những người khác nếu có đầy đủ các chứng cứ và đơn yêu cầu của bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định.

Thuê xe ôm, xe công nghệ, các phương tiện đưa đón khác… 

Trong những năm gần đây ngành dịch vụ vận tải ngày càng phát triển đa dạng về loại hình dịch vụ và khá phức tạp, rất khó kiểm soát hết. Tại các khu đô thị lớn, dịch vụ đưa đón học sinh cũng khá phát triển, có thể là phương tiện của nhà trường và cũng có thể được nhà trường thuê từ doanh nghiệp khác. Phổ biến gần đây nhất là những ứng dụng gọi xe như Go – Việt, Grab, Be… được người dân sử dụng rất nhiều, ngay cả việc thuê để chở các bé đi học mỗi ngày.     

cho-hs-di-hoc1.png
Dịch vụ chở học sinh đi học ngày càng phổ biến      

Với các phương tiện phổ biến kể đến như xe ôm, taxi, xe công nghê (gọi qua ứng dụng), đây là những loại hình dịch vụ vận tải được cha mẹ, ông bà thuê rất nhiều để đưa đón con em. Nhưng các bậc phụ huynh cần nhớ nếu các bé nhà mình chưa đủ 16 tuổi vẫn chưa trưởng thành, chưa có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự. Vì vậy giao kết các giao dịch thông thường đều do cha mẹ thực hiện thay và cha mẹ, người giám hộ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của con.

Trường hợp các bé được cha mẹ, người giám hộ trực tiếp thuê các phương tiện chở đi học, không may trên đường gặp tai nạn nếu phát sinh hậu quả trong chuyến đi thì phải xem xét yếu tố lỗi do người vận chuyển hay do bên thứ ba nào khác có hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả thiệt hại xảy ra. Sau đó sẽ xem xét trách nhiệm thuộc về ai.

Hiện nay, khi thực hiện các giao dịch qua mạng thì thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác… vẫn được coi là chứng cứ và có gía trị pháp lý (Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử). Dó đó, đây được xem là giao dịch dân sự và được pháp luật bảo đảm khi có tranh chấp, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn việc áp dụng và xem xét giao dịch điện tử là chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. 

Vì vậy trong những trường hợp do cha mẹ quá bận rộn không có thời gian đưa đón con em thì cần cân nhắc thật kỹ và nên chọn những phương pháp nào an toàn nhất. Đồng thời cần trang bị các kiến thức thực tế giúp các em có những kỹ năng để tự bảo vệ và sống sót trong những tình huống nguy hiểm để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra như trường hợp một học sinh trường Gateway vừa qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm