Thuở sơ khai, bao cao su được làm bằng vải lanh, ruột động vật

01/12/2016 - 08:26
Chiếc ‘áo mưa’ dành cho nam giới này có lịch sử lâu đời, thậm chí còn suýt bị diệt vong nhưng ngày nay, nó trở thành ‘người hùng’ trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS.

Các nhà nghiên cho rằng, bao cao su đã được con người sử dụng từ 3.000 năm trước đây. Những chiếc bao cao su thuở sơ khai được làm bằng vải lanh, ruột động vật hoặc bằng da.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những bức vẽ cổ cho thấy, người Ai Cập là những công dân đầu tiên của trái đất sử dụng bao cao su. Những chiếc bao được làm bằng da được họ dùng để chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Tại châu Âu, bằng chứng sớm nhất cho thấy con người biết sử dụng bao cao su là trên những bức vẽ cổ ở trong hang động thuộc vùng Combarelles (Pháp) cách đây khoảng 1.800 năm. Ngoài ra, có những thông tin cho rằng, một số loại bao đã được sử dụng ở thời Đế chế La Mã.

chic-bao-cao-su-lu-i-nht-th-gii-c-tm-thy-ti-vng-lund-thu-in-v-ang-c-trng-by-ti-bo-tng-nc-o-chic-bao-cao-su-ny-c-lm-t-nm-1640-v-hin-nay-n-vn-cn-nguyn-vn.jpg
 Chiếc bao cao su lâu đời nhất thế giới được tìm thấy tại vùng Lund, Thụy Điển, đang được trưng bày tại Bảo tàng nước Áo. Chiếc bao cao su này được làm từ năm 1640 và hiện vẫn còn nguyên vẹn.

Đến đầu những năm 1500, căn bệnh giang mai lan rộng tại châu Âu khiến người dân đổ xô đi mua bao cao su để phòng tránh bệnh. Bác sĩ Gabriello Fallopius người Italia là người đầu tiên sáng tạo ra bao cao su bằng vải lanh để phục vụ nhu cầu này. Ông cũng là là người đầu tiên in thành sách những mô tả và hướng dẫn sử dụng chi tiết bao cao su. Trong cuốn sách của mình, Fallopius cho biết 1.100 người đã dùng loại bao bằng vải lanh do ông sản xuất. Nhờ ‘tấm áo’ này, khách hàng của Fallopius đã tránh được bệnh giang mai.

Những năm 1600, một loại bao cao su làm từ ruột động vật được phát hiện ở Anh. Bằng chứng sớm nhất về bao cao su được tìm thấy tại lâu đài Dudley, nước Anh với những mẫu làm bằng ruột cá và ruột thú vào năm 1640. Mặc dù những chiếc bao này chưa thật sự hoàn hảo nhưng đóng một vai trò quan trọng trong phòng các bệnh lây qua đường tình dục và tránh thai. Những thứ này có thể đã được các chiến binh sử dụng để ngừa bị lây bệnh trong cuộc chiến giữa lực lượng Oliver Cromwell và những người trung thành với vua Charles I.

Có giả thiết cho rằng, từ ‘comdom’ (bao cao su trong tiếng Anh) là tên một bác sĩ làm việc trong thời gian vua Charles II trị vì. Ông Condom đã phát minh ra một vật dụng để giúp nhà vua ngừa bệnh và tránh thai. Một số chuyên gia khác cho rằng ‘condom’ xuất phát từ ‘condus’ trong tiếng Latin, có nghĩa là... ‘chai lọ’.

Sang thế kỷ XVIII, tại thành phố London, nước Anh xuất hiện 2 cửa hiệu sản xuất và bán sản phẩm này, nguyên liệu chính vẫn là ruột cừu được làm sạch, phơi khô sau đó được làm mềm dẻo bằng dầu hạt hạnh nhân và cám.

mt-bao-cao-su-lm-t-da-sc-vt-vo-khong-nm-1900.jpg
 Một bao cao su làm từ da súc vật vào khoảng năm 1900.

Năm 1839, Charles Goodyear phát minh ra phương pháp lưu hóa khiến cao su tự nhiên trở nên mềm dẻo. Ngay lập tức, người ta đã nghĩ tới việc làm bao cao su từ chất liệu mới. Song, các sản phẩm mới lại dày, hôi nên không được ưa chuộng lắm.

Năm 1844, phiên bản đầu tiên của bao cao su thực thụ được sản xuất hàng loạt trong khi các loại làm từ ruột cừu vẫn tồn tại trên thị trường. Các loại bao dùng một lần cũng ra đời từ đây.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất, bao cao su được phân phát cho binh lính để kiểm soát tình trạng lây lan bệnh tình dục trong quân đội, riêng quân đội Anh và Mỹ thì không dùng đến chúng. Kết quả, binh lính Mỹ là những người có tỷ lệ nhiễm bệnh hoa liễu cao nhất do bị cấm sử dụng bao cao su. Năm 1930, cuộc cách mạng thứ hai của bao cao su diễn ra khi người ta phát minh ra chất latex. Với đặc tính dẻo dai, ít mùi, chất này nhanh chóng chiếm lĩnh, là nguyên liệu của phần lớn bao cao su hiện nay. Từ đây bao cao su đồng chất hơn, chắc chắn và an toàn hơn nhiều so với các vật liệu khác. Ngay sau đó, xưởng Mac-Intosh thành công ngay tức khắc với những đầu tư sản xuất bao cao su.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, chính sách của Đức quốc xã cấm dùng bất cứ phương pháp tránh thai nào nhưng rút bài học từ quân đội Mỹ trong Thế chiến I, để bảo vệ cho binh lính khỏi bị bệnh hoa liễu, phát xít Đức dành cho quân đội một ngoại lệ. Trong thời gian này, các doanh trại quân đội đã tiêu thụ một số lượng lớn bao cao su.

31.jpg
 Ngày nay, bao cao su là một trong những công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS.

Sau 3.000 năm phát triển, bao cao su suýt bị diệt vong vào những năm 60 của thế kỷ XX khi thuốc chữa các bệnh hoa liễu vốn là nan y trước đây được bào chế thành công, mọi người không còn phải lo sợ các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nên xu hướng vứt bỏ bao cao su đi để thoải mái hơn trở nên rầm rộ. Số phận của bao cao su càng bấp bênh hơn sau sự ra đời của thuốc tránh thai an toàn. Phải đến khi đại dịch HIV/AIDS xuất hiện vào những năm 1980 thì bao cao su bỗng nhiên được hồi sinh một cách mãnh liệt, trở thành một công cụ đắc lực giúp loài người chống lại căn bệnh thế kỷ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm