Nguyễn Thị Thành và sự cố vô tiền khoáng hậu
Mặc dù biết án phạt dành cho mình nhưng không ít người đẹp Việt vẫn quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”. Nguyễn Thị Thành là trường hợp khá điển hình. Sau khi thi chui với top 3 của “Miss Eco International 2017” trở về nước, người đẹp này đang đối diện với mức án cao nhất từ sở VHTT TPHCM.
Hai năm trở lại đây, Nguyễn Thị Thành có lẽ là cái tên gây nhiều tranh cãi nhất trong làng người đẹp Việt thi thố nhan sắc. Là nhân tố đầy tiềm năng tại Hoa hậu Việt Nam 2016 nhưng sự cố bọc răng sứ khiến người đẹp đã phải tạm dừng ước mơ của mình ở sân chơi này.
Đến với Hoa khôi du lịch Việt Nam 2017, bỏ lại sau lưng những lùm xùm, cô đăng quang ngôi vị Á hậu 1 và lập tức vướng phải sự việc vô tiền khoáng hậu - bị Cục NTBD tước danh hiệu đồng thời có thể bị cấm diễn trên toàn quốc.
Dù đồng ý trả lại vị trí mà mình phấn đấu, người đẹp vẫn quyết tâm tham dự Miss Eco International 2017 (Hoa hậu du lịch sinh thái quốc tế) được tổ chức tại Âi Cập.
Với hành trang và vị trí là một thí sinh tự do đến từ Việt Nam, cô đã gặt được không ít thành tích: Top 4 Miss Sport, Top 10 Miss Talent, Top 15 Best Resort Wear, Top 3 Eco Costume trước khi giành ngôi vị Á hậu 3.
Miss Eco International là cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên năm 2015 do một doanh nhân Âi Cập Amaal Rezk sáng lập. Trên trang wikipedia, với thông tin không quá dày đặc, cuộc thi “tập trung vào các mục tiêu nhân đạo, xã hội và đặc biệt là môi trường, trong đó với mỗi quốc gia tham dự cố gắng đóng góp những nỗ lực cần thiết để thế giới biến đổi theo chiều hướng tốt hơn”.
Cuộc thi có quy mô trung bình với khoảng 50 thí sinh tham gia mỗi năm và không hề có mối liên hệ nào với Hoa hậu Trái Đất (Miss Earth) – cũng tập trung vào vấn đề môi trường.
Cô gái đầu tiên đăng quang cuộc thi là Patricia Peklar đến từ Slovenian, sau đó vương miện được trao cho Natalia Carvajal (Costar Rica). Sau tên gọi đầu tiên là Miss Eco, cuộc thi đã đổi tên thành Miss Eco International để đáp ứng nhu cầu của các cuộc thi quốc tế. Năm 2017, Amber Bernachi của Canada đã đăng quang.
Điểm 5 trong điều 14 “Vi phạm quy định về thi người đẹp và người mẫu” đã quy định: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thí sinh ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép”. Nguyễn Thị Thành có thể sẽ phải đóng mức án phạt cao nhất lên tới 30.000.000 đồng. Thậm chí, người đẹp này còn có khả năng bị “đình chỉ hoạt động biểu diễn” |
Cho đến trào lưu bất chấp thi chui
Cao Thùy Linh chưa được cấp phép vẫn dự thi Miss Grand International. Giải thưởng Trang phục Dân tộc đẹp nhất không cứu nổi hành vi trái pháp luật của người đẹp. |
Không phải đến Nguyễn Thị Thành mà trước đó nhiều người đẹp Việt ôm mộng “nữ hoàng”cũng ra sức tìm cơ hội đến với các đấu trước sắc đẹp nước ngoài. Dĩ nhiên, các cuộc thi họ tham gia hầu hết đều không thuộc hệ thống Grand Slam sắc đẹp là Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu quốc tế, Hoa hậu siêu quốc gia hay Hoa hậu hòa bình quốc tế. Nhiều cuộc thi thậm chí được xếp vào diện “ao làng” bởi khi nhắc đến tên gọi nó cứ na ná nhau.
Danh hiệu “hoa hậu ao làng” được đề cập lần đầu tiên khi Ngọc Trinh đăng quang cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quốc tế năm 2011. Thời điểm đó, người đẹp vướng vào rất nhiềm lùm xùm và tin đồn mua giải nhưng cô chấp nhận gạch đá từ dư luận.
Một thực tế cho thấy, nhiều cuộc thi mà các người đẹp Việt thi chui đều được gắn với tên gọi Việt Nam mà nhiều khi khán giả giống như bị rơi vào ma trận: Ngoài Hoa hậu Việt Nam quốc tế còn có Hoa hậu người Việt thế giới, Hoa hậu Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt...
Miss Vietnam World (Hoa hậu người Việt thế giới - không phải Hoa hậu thế giới người Việt mà Ngô Phương Lan từng đăng quang) được tổ chức tại Mỹ từng chứng kiến hai thí sinh Việt Nam thi chui và đều có giải. Đầu tiên là Quế Vân với giải Á hậu 1 năm 2013 và sau đó là Tường Vy với ngôi vị Hoa hậu 2014.
Năm 2013, Kim Duyên tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu và giành ngôi Á hậu 1. Năm 2015, người mẫu Oanh Yến tham gia Miss PanContinental International (Hoa hậu Thế giới toàn cầu) tại Philippines và cũng giành ngôi cao nhất. Huỳnh Tiên sau khi tham gia Hoa hậu châu Á 2016 tại Úc cũng lên ngôi Hoa hậu. Một đại diện thi chui khác cũng có thể kể đến là Lâm Thùy Anh tại Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu ở Hàn Quốc nơi cô giành danh hiệu Á hậu 4.
Trong số những người đẹp thi chui, nếu xét về quy mô cuộc thi đáng chú ý nhất là Cao Thùy Linh và Diệu Linh. Cao Thùy Linh thi Hoa hậu hòa bình quốc tế (Miss Grand International) và giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất trong khi Diệu Linh tham gia Hoa hậu Du lịch Quốc tế (Miss Tourism International) và giành 2 giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất" và giải phụ Hoa hậu của khối Đông Nam Á (Miss Southeast Asia).
Có một thực tế, hầu hết các người đẹp thi chui đều biết trước án phạt dành cho mình và sẵn sàng đóng phạt về hành chính, chấp nhận bị tạm đình chỉ biểu diễn sau khi có danh hiệu. Cá biệt là trường hợp của Oanh Yến với lý do cô không đủ tiền, phá sản và chấp nhận giải nghệ.
Câu hỏi đặt ra là vậy quy chế xin cấp phép đi thi hoa hậu đang còn nhiều tồn tại hay các người đẹp không còn sợ mang danh “thi chui” mà vẫn ngang nhiên, bất chấp để phạm luật?
Một số ý kiến lập luận cho rằng trong khi các người đẹp được cấp phép đi thi, được tung hô hết mình nhưng đều trắng tay thì các người đẹp thi chui đều có giải, thậm chí là giải cao. Tuy nhiên, nên nhớ rằng không phải cứ đoạt giải đồng nghĩa với việc các thí sinh đó là xuất sắc bởi có nhiều yếu tố chi phối đặc biệt vị trí, quy mô cuộc thi. Rất nhiều thí sinh đoạt giải rồi vướng tin đồn mua giải là điều không thể không nhắc đến.
Xét cho cùng, việc được đại diện Việt Nam thi thố nhan sắc là quyền của tất cả các cô gái đẹp. Từ sự việc của Nguyễn Thị Thành cho đến nhiều người đẹp khác cũng đặt ra nhiều câu hỏi đối với cả cơ quan quản lý về chuyện cấp phép cũng như với các thí sinh dự thi. Khi các cuộc thi hoa hậu trong nước, khu vực và quốc tế ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc cơ hội dành cho các thí sinh Việt Nam càng lớn. Bài toán “thi chui” có lẽ sẽ vẫn cần thời gian để được giải đáp một cách trọn vẹn.