pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thương Ngày Nắng Về và những phim Việt lấy nước mắt khán giả nhân ngày Vu Lan
Tình mẫu tử vốn dĩ là thứ tình cảm đặc biệt của con người. Nó mộc mạc, trong sáng nhưng cũng rất thiêng liêng và sâu đậm. Sự hiện diện của con cái cũng chính là cuộc sống của mẹ, không bằng ngôn từ hoa mỹ mà bằng hành động với tình thương vô bờ bến.
Đã từng có rất nhiều bộ phim khai thác về đề tài này và để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Nhân ngày Vu Lan, cùng điểm qua những bộ phim đã lấy đi nước mắt của người xem khi lấy tình mẫu tử thiêng liêng làm nội dung khai thác.
Tình Mẫu Tử
Chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu, bộ phim truyền hình Tình Mẫu Tử là câu chuyện về bà Sáu (NSƯT Kim Xuân), người phụ nữ Nam bộ tảo tần cả đời nuôi 4 đứa con là Mai (Đinh Quốc Cường), Điểu (Thanh Hiền), Tùng (Lương Thế Thành) và Lộc (Thanh Duy) nên người. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng ông bà Sáu rất thương con, đã không ngại bán đi ruộng vườn để giúp các con dựng vợ gả chồng, có vốn làm ăn.
Thế nhưng, khi trưởng thành, những người lại buộc bà Sáu phải bán đi ngôi nhà và chia tài sản. Cuộc sống của bà Sáu cũng từ đây trở nên đau khổ và chật vật, khi cứ phải lần lượt ôm mớ đồ cũ đến nương náu cùng những đứa con ruột thịt, nhưng bị đối xử chẳng khác người dưng. Đau khổ hơn khi bà liên tục phải chứng kiến cảnh trái ngang trong mỗi mái nhà, những nơi không có chỗ cho bà dừng chân, nương tựa.
Tình Mẫu Tử không chỉ là câu chuyện màn ảnh mà còn là câu chuyện đời về thái độ, trách nhiệm của con cái đối với bậc sinh thành khi già yếu. Nhìn cảnh bà Sáu âm thầm chịu đựng, hi sinh một đời vì chồng con, người xem sẽ phải rơi nước mắt vì xúc động. Phim giàu cảm xúc, đậm giá trị nhân văn nhưng không bị lụy u uất bởi sự ấm áp, hiếu thảo, hy sinh, hiểu đạo lý của một người con ngoan ngoãn như Tùng.
Thương Ngày Nắng Về
Là cái tên "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội thời gian qua, Thương Ngày Nắng Về do Bùi Tiến Huy đạo diễn, gồm hai phần, được làm lại từ bộ phim Hàn Quốc Mother of Mine, xoay quanh cuộc sống của bà Nga (Thanh Quý) và 3 con: Vân Khánh (Lan Phương), Vân Trang (Huyền Lizzie), Vân Vân (Ngọc Huyền). Bà Nga vất vả từ thời trẻ, chồng mất sớm, một mình bán bún riêu nuôi đàn con khôn lớn. Bà hay cằn nhằn, kể lể nhưng tảo tần, thương các con vô điều kiện.
Dù các con đã trưởng thành nhưng bà Nga vẫn không ngớt lo lắng vì với bà “là mẹ - bao giờ chết mới hết lo con ạ!”. Hằng ngày, bà dậy sớm lo gánh bún riêu rồi tất tả chạy đến nhà Khánh đưa cháu đi học, lo dọn dẹp, cơm nước sau đó lại vội vã quay về nhà chợ búa để chuẩn bị nguyên liệu cho nồi bún bán hôm sau và hàng loạt các việc không tên khác.
Bà Nga béo luôn chắt chiu, dành hết những điều tốt đẹp nhất cho con, cháu nhưng cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, bà tiết kiệm chi tiêu cho bản thân, hay cằn nhằn em trai và các con vì thói quen hoang phí hay nhắc mãi những chuyện mà bà còn băn khoăn như: Trang sao mãi chưa chịu lấy chồng, Khánh không biết thu xếp việc gia đình, Vân chưa tập trung học hành…
Xem Thương Ngày Nắng Về, ai cũng có thể thấy mình trong đó, đặc biệt là những cảm xúc về gia đình với mẹ và mối quan hệ giữa các chị em từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Nắng
Ra mắt năm 2016, Nắng được đánh giá là một trong những bộ phim điện ảnh thành công nhất của “Hoa hậu hài” Thu Trang trên màn ảnh rộng. Nội dung xoay quanh câu chuyện về cuộc sống của cô bé 7 tuổi tên Nắng (bé Kim Thư đóng) và Trang (Thu Trang đóng) – người mẹ bị thiểu năng thường được em âu yếm gọi tên là “mẹ Mưa”.
Hai mẹ con sống trong căn nhà nhỏ bỏ hoang và kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số. Khó khăn về vật chất, nhưng họ vẫn lạc quan, cuộc sống luôn tràn ngập tiếng cười. Cho đến một ngày, mẹ Mưa bất ngờ bị quy tội buôn bán, tàng trữ ma túy, phải đứng trước bản án tử hình. Cũng chính lúc này, mẹ con Nắng - Mưa nhận ra họ không hề cô độc, vì được sự giúp đỡ nhiệt thành từ những người mà họ không ngờ đến. Trong khó khăn, hoạn nạn, tình người lại càng lấp lánh.
Nắng là hành trình đầy cảm xúc, khiến người xem lắng đọng giữa bộn bề cuộc sống. Phim dễ dàng chạm đến trái tim của khán giả nhờ chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng. “Con là Nắng, mẹ là Mưa, mẹ con mình là màu hy vọng”, một người mẹ dù thua thiệt về nhiều mặt nhưng bên cạnh chị luôn có một điểm tựa vững chắc là cô con gái bé bỏng.
Hai Phượng
Hai Phượng – bộ phim hành động cuối cùng của "đả nữ" Ngô Thanh Vân" - cũng là một tác phẩm thành công khi khai thác về đề tài tình mẫu tử.
Ngay từ phần mở đầu của bộ phim, chân dung của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) hiện lên là một người mẹ không hoàn hảo. Cô từng có một quá khứ lỗi lầm với những bước đi đầy sai trái khi bỏ nhà theo trai và sống cuộc đời của một ả giang hồ. Thế nhưng, từ khi có Mai (Mai Cát Vy), Hai Phượng lại một bước từ bỏ tất cả, quyết định rời chốn Sài thành, trở về Cần Thơ để sinh con, chăm sóc và nuôi nấng giọt máu của mình.
Một người phụ nữ lỗi lầm với cuộc đời và chính bản thân nhưng với máu mủ của mình thì không. Sự mắng nhiếc của chủ nợ hay sự khinh bỉ, coi thường của dân làng khi phải kiếm sống bằng nghề đòi nợ mướn cũng không thể làm chùn chân Hai Phượng. Cô có thể chịu đựng, nhẫn nhịn tất cả chỉ cần đủ tiền cho bé Mai ăn học.
Trong cuộc đời tăm tối và đầy sai trái của Hai Phượng, bé Mai là lẽ sống duy nhất của cô. Vì thế, khi bé Mai bị bắt cóc, mọi thứ như sụp đổ trước mắt người phụ nữ vốn rất mạnh mẽ và gan lì này.
Một thân một mình trở lại Sài Gòn, Hai Phượng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi không còn ai bên cạnh, anh trai từ chối giúp đỡ, đàn em thì quay lưng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không để cho Hai Phượng chùn bước. Dù có khó khăn, dù phải hy sinh tính mạng, “mẹ… nhất định sẽ không bỏ cuộc” để cứu con. Trong suốt hành trình đầy gian nan ấy, ý chí và nỗ lực không ngừng nghỉ một phút giây nào của người phụ nữ miền Tây khiến khán giả không ít lần phải rơi lệ vì xúc động.