Thy Phạm - Bay cho thỏa khát khao và thêm yêu thương từng ngày

13/12/2018 - 15:01
Vẻ ngoài đằm thắm và phong thái lịch lãm, tự tin của nghề tiếp viên hàng không thấm đẫm trong Thy Phạm suốt 21 năm gắn bó, Cô kể về công việc của mình thật nhẹ nhàng, chân tình mà ẩn chứa đầy khát khao, mơ ước muốn được góp phần đào tạo thế hệ trẻ tiếp bước công việc đặc biệt này, nghề tiếp viên hàng không.

Trong ký ức của Thy Phạm, giấc  mơ bay như đã được thắp lên từ khi Thy Phạm mới chỉ là một em bé 4 tuổi, được may mắn cùng gia đình lần đầu bước lên máy bay trong một chuyến đi xa.

Trên nét mặt điềm đạm, thoáng chút sôi nổi hơn, Thy Phạm kể lại cảm xúc thời thơ ấu:

“… Lần đầu tiên được đi máy bay thì điều ấn tượng mãi trong đầu tôi lúc ấy là hình ảnh những cô tiếp viên hàng không xinh ơi là xinh, tôi cứ tròn xoe mắt nhìn đôi bàn tay nuột nà của các cô với  móng tay bóng mượt được sơn cùng màu với đôi môi tươi trên gương mặt rạng rỡ…nói chung trong cảm nhận của một bé gái mới 4 tuổi thì đó là điều tuyệt vời nhất. Trong khoảnh khắc ấy tôi mơ ước lớn lên cũng được như các cô, dù chưa ý thức được công việc của các cô là gì… Rồi đi học, vô lớp cứ chờ giờ chơi lại lấy giấy bút ra mê mẩn vẽ một loạt hình các cô xong cho bạn bè chọn màu mắt, màu môi, móng tay để tôi tô một cách thích thú…”.

Những hình ảnh ấy cứ in đậm trong tâm trí và lớn dần theo thời gian cho đến khi Thy Phạm hiểu đó là các cô tiếp viên hàng không cũng là  lúc giấc mơ ước được sống với nghề này ngày càng cháy bỏng trong cô… Năm 18 tuổi Thy Phạm đã thi và được tuyển thẳng vào để được đào tạo trở thành tiếp viên cho Vietnam Airlines. Thy Phạm đã chạm được tới giấc mơ bay và gắn bó với lĩnh vực tiếp viên hàng không đến tận bây giờ.

hh.jpg
 

Bằng sự say mê, yêu nghề cùng với  kinh nghiệm dạn dày mà Thy Phạm vinh dự là một trong những nữ tiếp viên đầu tiên được Vietnam Airlines chọn ra để thành lập đội ngũ giáo viên đào tạo, xây dựng hình ảnh cho lực lượng tiếp viên hàng không của hãng. Những hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp của đội ngũ tiếp viên Vietnam Airlines như diện mạo hiện nay có một phần đóng góp của Thy Phạm.

Kể cả vào năm 2014, lúc Vietnam Airlines kết hợp xây dựng hình ảnh tiếp viên hàng không cho Angkor Air (Campuchia) thì Thy Phạm cũng là thành viên được lựa chọn cho công việc này, suốt 2 năm bay, đào tạo (biệt phái) và sống tại đất bạn. Thy Phạm chia sẻ đây còn là là một quãng thời gian tuyệt đẹp của cô nơi đất nước Chùa Tháp, được sống bên những con người hướng Phật hiền hòa và bao dung, một phong cách sống mà  chính Thy Phạm cũng luôn hướng về.

viber-image.jpg
Thy Phạm trong vai trò đào tạo đội ngũ tiếp viên trẻ

 

Hiện nay, cũng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết với nghề như thuở ban đầu, Thy Phạm lại dấn thân trong sứ mệnh xây dựng hình ảnh và quản lý đội ngũ tiếp viên cho Bamboo Airways, một hãng hàng không đang trong giai đoạn chuẩn bị ra mắt và hướng đến chất lượng 5 sao trong phục vụ.

Thy Phạm cho biết, cô lựa chọn  Bamboo Airways như một bước tìm đến những cảm hứng mới, thách thức mới để sống và cháy hết mình với nghề nghiệp trong giấc mơ thời thơ ấu. Lĩnh vực mà sau bao nhiêu năm tích lũy kinh nghiệm, vui buồn nhưng vẫn đầy khát khao, mơ ước tinh khôi như hình ảnh đôi mắt tròn xoe mà cô bé 4 tuổi thuở xưa ngắm nhìn cô tiếp viên hàng không xinh đẹp đến nay vẫn chưa phai trong ký ức của Thy Phạm.

as.jpg
Thy Phạm trong tà áo dài tại Paris - Pháp

 

3.jpg
Bên cạnh công việc, Thy Phạm cũng rất sôi nổi trong các hoạt động văn nghệ của Vietnam Airlines

 

Nghề tiếp viên hàng không được xem là một nghề hào nhoáng, dễ thu hút các bạn trẻ nhưng không phải ai cũng gắn bó được lâu bởi những yêu cầu khá khắc nghiệt. Về thời gian, lịch làm việc khắt khe chẳng khác quân đội, thường xuyên thức khuya dậy sớm, mệt mỏi vì lệch múi giờ khi bay quốc tế, thường xa nhà vào những dịp lễ, Tết… Và một trong những điều khó nhất khiến nhiều tiếp viên không thể đi tiếp với nghề chính là sự kiên nhẫn, khéo léo và tận tâm để phục vụ, chiều chuộng, ứng phó với biết bao nhiêu tính cách con người, cũng như muôn vàn tình huống phát sinh trong những chuyến bay.

Nhưng điều khó nhất lại là điều mà Thy Phạm làm tốt nhất, cô thật lòng chia sẻ:

“Đối với nghề nghiệp, tôi tâm niệm phục vụ hành khách bằng chính cái tâm mình, bằng tình cảm thật sự của mình, không khiên cưỡng hay chỉ hình thức, tất cả những điều đó như một “dịch vụ thật” chứ không phải một qui trình thiếu cảm xúc. Đó là những điều mình cho đi, là niềm vui riêng của bản thân tôi…”

Đã nghe những tâm niệm ấy thì mới có thể hiểu vì sao trong mỗi chuyến bay, Thy Phạm để tâm nhớ từng sở thích đặc biệt của những vị khách quen thuộc như một tách trà có đường, một suất ăn chay … chỉ để đón nhận một nụ cười hay một ánh mắt trìu mến, hài lòng của hành khách… Bấy nhiêu đó cũng đủ khỏa lấp, san sẻ những khoảnh khắc nhớ con, gia đình trong những chuyến bay dài… Có cả tâm trạng buồn rười rượi khi con thơ dỗi mẹ, buột miệng khi mẹ kéo vali bước ra khỏi nhà vào đêm giao thừa cho chuyến bay: Đây không phải mẹ của con…”.

f.jpg
Thy Phạm trong một lần về quê chồng nơi sông nước miền Tây

 

Vốn là con gái của Lương Y nổi tiếng Phạm Xuân Nội, một gia đình có truyền thống làm thuốc, chữa bệnh cứu người nên dường như cái gene sẻ chia, hướng đến tình người luôn ắp đầy trong Thy Phạm.

Cô cũng thường xuyên đối phó với những tình huống đặc biệt trên chuyến bay bằng cách riêng đầy tình người. Thy Phạm kể về một chuyến bay đầy cảm xúc:

“Một chuyến bay mà trên đó có cậu bé vị thành niên khoảng 15 tuổi phạm tội giết người đang bị dẫn độ. Ai cũng nhìn cậu bé bằng ánh mắt e dè, nhiều người còn lộ vẻ ghê sợ, né tránh. Tôi quan sát thấy cậu ấy không ăn không uống gì, ngồi vô hồn. Tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi, ăn năn thậm chí đau khổ trong nội tâm cậu bé. Khi tôi đưa nước cho thì cậu ấy nhìn tôi và thốt ra: “Con sắp chết rồi cô” khiến tôi cũng nhói lòng. Sau đó tôi nói với người cán bộ công an dẫn độ câu ấy rằng dù biết nguyên tắc là tôn giáo và chính trị thì không được chia sẻ trên chuyến bay nhưng với trường hợp cậu bé này thì xin phép các anh tôi được cho cậu ấy đọc quyển kinh Phật nhỏ mà tôi vẫn hay mang theo bên mình, bởi vì tôi cảm nhận được tâm trạng sợ hãi của cậu bé. Được sự đồng ý, tôi đến bên và nói với cậu bé: Cô biết con đang rất muốn tìm sự chia sẻ, không phải là mọi thứ điều kết thúc như con nói đâu, cô tặng con quyển kinh này mong con đọc sẽ tìm được bình yên và có sự thay đổi trong suy nghĩ để nói những điều bố mẹ con nghe không buồn như những điều con vừa nói với cô. Dù không phải là người sinh con nhưng nghe con nói cô cũng buồn…Thế rồi ngay từ lúc ấy, cậu bé đọc như chăm chú cho đến chuyến bay kết thúc. Tôi vui trong lòng vì tôi đã cho người ta thứ người ta đang cần…”. 

1.jpg
 

Ngoài ra còn một số tình huống đặc biệt khác mà Thy Phạm luôn dành sự sẻ chia thật sự giữa con người với con người chứ không chỉ dừng lại ở những bước mang tính chất qui trình, rập khuôn. Ngay cả có lúc quên mình, không trang bị khẩu trang hay găng tay bảo vệ cho mình như trường hợp hỗ trợ kịp thời cho cháu gái bị ho lao, ho ra đầy máu trên một chuyến bay. Rồi chủ động an ủi, động viên khi biết cháu sang Úc giúp việc nhưng bị chủ phát hiện bệnh bệnh tình mà trả về trong trình trạng suy sụp tinh thần.

Tất cả những điều mà Thy Phạm ứng xử trên mỗi chuyến bay như một cái gì đó mang tính bản năng của trái tim nhân hậu, nó vượt lên mọi lý thuyết, kỹ năng của nghề nghiệp và những điều đó luôn được nuôi dưỡng, cộng hưởng từ niềm say mê yêu quí công việc của mình.

Với cô, mỗi chuyến bay luôn là những trải nghiệm đầy cảm xúc, như chất xúc tác để cô thêm yêu cuộc sống, yêu thương gia đình bé nhỏ của mình. Ông xã của Thy Phạm chính là người thấu hiểu nhất công việc cũng như tình cảm trong cô. Câu nói tuyệt vời nhất mà anh luôn dành cho vợ là: “Em là người rất vất vả, anh cảm ơn em, em luôn là người nhân hậu và lúc nào điều đó cũng có trong em.”

dd.jpg

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm