Nguy cơ phải đoạn chi do biến chứng đái tháo đường
Đái tháo đường được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỉ XXI vì tính chất phổ biến và những biến chứng nguy hiểm của nó gây ra cho người bệnh như đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…
Tuy nhiên, một loại biến chứng đái tháo đường cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân như loét lỗ đáo, nứt da chân, chai chân, móng quặp, ngón chân hình búa, chân mất cảm giác. Nếu không được điều trị kịp thời những biến chứng này, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi.
BS CKI Nguyễn Thành Thuận, Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: Tại bệnh viện tiếp nhận nhiều phụ nữ bị đái tháo đường, trong đó có nhiều phụ nữ mắc bệnh trong quá trình mang thai.
“Phụ nữ bị đái tháo đường khi mang thai hầu hết được chuyển từ sản khoa qua, hoặc từ các bệnh viện khác phụ sản. Việc điều trị cho phụ nữ mang thai bị đái tháo thường thường tốn rất nhiều thời gian, vì phải tư vấn kĩ càng chế độ ăn uống, uống thuốc, kiểm tra đường huyết tại nhà… để thai nhi phát triển tốt, tránh các biến chứng thai kỳ”, bác sĩ Thuận cho hay.
TS.BS. Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, biến chứng loét chân do đái tháo đường là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị đái tháo đường. Ước tính hàng năm có khoảng 1 - 4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10 - 15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất một lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân và đây là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử thì các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.
Hiệu quả từ điều trị đa chuyên khoa
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, phương pháp điều trị loét chân, nhiễm trùng chân do đái tháo đường mới hiện nay có sự phối hợp nhiều liên chuyên khoa như nội tiết, chấn thương chỉnh hình, can thiệp mạch máu, phục hồi chức năng… sẽ giúp giảm thiểu đến mức tối đa tỉ lệ người bệnh phải đoạn chi do đái tháo đường.
Theo các bác sĩ, đây là phương thức điều trị đã được nghiên cứu trên thế giới cho thấy làm giảm tỉ lệ phải đoạn chi tới trên 50%. Cụ thể, xử trí vấn đề hẹp tắc mạch máu luôn cần phải xem xét đầu tiên trước khi thực hiện các phẫu thuật cắt lọc vết loét. Bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu giúp vết thương lành nhanh hơn, tiếp theo bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc tạo hình có vai trò quan trọng để cắt lọc mô hoại tử, ghép da và chỉnh hình biến dạng bàn chân. Chuyên khoa nội tiết đái tháo đường giúp người bệnh điều trị ổn định đường huyết, dùng kháng sinh, chăm sóc vết loét trong suốt quá trình điều trị.
Ngoài ra, điều dưỡng sẽ tích cực thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày, hướng dẫn người bệnh tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc. Sự phối hợp toàn diện, chặt chẽ và liên tục của các chuyên khoa trong phương pháp điều trị loét chân do đái tháo đường, cùng những tiến bộ y học cho ra đời nhiều loại kháng sinh thế hệ mới để kiểm soát nhiễm trùng đã giúp tỉ lệ cứu sống chi cao gấp 3 lần so với trước đây.
Theo bác sĩ Thuận, việc chăm sóc và điều trị đối với phụ nữ bị đái tháo đường cũng không khác so với nam giới; bác sĩ cần đánh giá tình trạng nhiễm trùng, có biến chứng khác hay không để phối hợp đa chuyên khoa để điều trị cho hiệu quả. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thì đòi hỏi cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội tiết, sản khoa, dinh dưỡng để đảm bảo đường huyết của bệnh nhân được kiểm soát tốt. Nếu không sẽ làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa như sinh con suy dinh dưỡng, phổi kém...
Bác sĩ Thuận cũng cho hay, qua theo dõi, đánh giá thì thấy rằng tỉ lệ điều trị thành công loét chân, nhiễm trùng chân ở phụ nữ cao hơn nam giới. Nguyên nhân là do đa phần nam giới đều hút thuốc lá, trong khi đó nữ giới thì không khiến cho tình trạng tắc mạch ở nam cao hơn nữ và việc điều trị vết thương ở nam lâu lành hơn so với nữ.
Các bác sĩ khuyến cáo các biến chứng của đái tháo đường nói chung và biến chứng bàn chân nói riêng tuy rất nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kì và không nên bỏ qua bất kì dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.