Tiêm chất làm đầy dễ như mua… rau

09/03/2017 - 07:02
Nắm bắt nhu cầu làm đẹp của chị em, nhiều cơ sở quảng cáo và thực hiện ngay tiêm chất làm đầy cho khách hàng, nếu có nhu cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, chị em nên cân nhắc, trước khi làm đẹp tại cơ sở không uy tín, vì dễ tiền mất tật mang.
Có nhu cầu là được tiêm

tiem-nang-mui-1.jpg
Chủ cơ sở đang thực hiện tiêm filler (Ảnh cắt từ clip)
Cơ sở làm đẹp A. beauty and spa trên phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội, từng bị tố tội lừa dối khách hàng khi sử dụng filler giả, chứa silicon lỏng hoặc filler (chất làm đầy) kém chất lượng để tiêm cho khách hàng. Sau vụ lùm xùm một thời gian, cơ sở làm đẹp này tiếp tục hoạt động và quảng cáo trên trang cá nhân rầm rộ.
Trong vai một khách hàng, phóng viên gọi điện đến cơ sở trên và hẹn lịch tiêm chất làm đầy vào mũi. Nhân viên nhận điện thoại của cơ sở, không những nhận lời ngay mà còn quảng cáo thêm: “Bạn muốn sử dụng dịch vụ nào? Nếu tiêm mũi nâng mũi cao đẹp thẳng tắp ngay lập tức với Filler Thuỵ Điển, thì không cần chờ đợi, không cần nghỉ dưỡng, không đau đớn, không mất máu và đang có giá ưu đãi đấy. Tiêm mũi 8,5 triệu đồng giảm còn 5 triệu đồng, bảo hành thêm một lần tiêm miễn phí. Bạn tự tay bóc thuốc nhé, thuốc nhập ngoại được Bộ Y tế cấp phép…”.

Sau khi nghe nhân viên giới thiệu, chúng tôi hỏi bác sĩ Việt Nam hay nước ngoài thực hiện tiêm. Ngay lập tức, người này trả lời: Người tiêm là bác sĩ, đồng thời là chủ beauty and spa.

Nghe nhân viên giới thiệu dịch vụ tiêm chất làm đầy:



Thực tế, chủ beauty and spa mà nhân viên khẳng định thực ra là 'hotgirl', còn khá trẻ, ngay trên trang thông tin cá nhân đầy thông tin và hình ảnh làm đẹp tung lên quảng cáo.

Trước đó, cơ sở A. beauty and spa quảng cáo là sử dụng công nghệ tiêm filler có thể giúp nâng mũi, độn cằm, bơm môi chỉ trong vòng vài phút nhưng chủ của spa này bị "tố" sử dụng filler giả, chứa silicon lỏng hoặc filler kém chất lượng để tiêm cho khách hàng dẫn tới hậu quả khuôn mặt bị vón cục, không tiêu, lệch cằm, lệch mũi.

Thời điểm này, khi mà vụ lùm xùm tạm lắng, trên trang cá nhân cũng như lời giới thiệu của A. beauty and spa hiện luôn khẳng định: Nguồn gốc thuốc rõ ràng; chất lượng thuốc an toàn bảo đảm 100% không có silicon và polime... Tuy nhiên, đã có khách hàng thông tin: Nguồn thuốc của chủ spa là không rõ ràng, không đúng như quảng cáo. 

Một ca tiêm chất làm đầy nâng mũi tại A. beauty and spa:



Đừng coi nhẹ tính mạng bản thân

Đây chỉ là một trong hàng trăm cơ sở thẩm mỹ đang thực hiện tiêm chất làm đầy để làm đẹp. Tiêm filler có thể giúp nâng mũi, độn cằm, bơm môi chỉ trong vòng vài phút mà không đau đớn, giá thành khá mềm là ưu điểm khiến nhiều chị em đang có nhu cầu làm đẹp lựa chọn. Đánh vào tâm lý này, nhiều cơ sở làm đẹp, thậm chí cửa hàng làm tóc rỉ tai "câu" chị em nâng mũi.

Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ nên không ít chị em lĩnh hậu quả sau tiêm chất làm đầy. Gần đây nhất, các bác sĩ BV Xanh Pôn (Hà Nội), tiếp nhận nữ nạn nhân mới 17 tuổi, ở Móng Cái, Quảng Ninh. Thiếu nữ này làm đẹp tại một thẩm mỹ viện tại phố Trung Kính, Hà Nội. Tại đây, cô gái được nhân viên hướng dẫn tiêm chất làm đầy với lời được quảng cáo là có nguồn gốc từ Hàn Quốc để nâng cao mũi. Sau 3 mũi tiêm, mũi cô gái có dấu hiệu hoại tử, phải đi điều trị.
nang-mui.jpg
  Mũi lệch, cằm vẹo vì tiêm chất làm đầy ở cơ sở không đảm bảo 
GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn, khẳng định: Các sản phẩm làm đầy chứa Acid Hyalurounic hữu cơ được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, sử dụng phổ biến là Restylane, Juvederun, Radiess, Filler do các sản phẩm này có thành phần chính là Acid Hyalurounic hữu cơ thích ứng được với cơ thể của con người. Tuy nhiên, thực chất các chất được gọi là chất làm đầy không dừng lại ở những chất trên. Bên cạnh silicone lỏng, một loạt chất làm đầy từ Trung Quốc, Hàn Quốc… chưa được phép sử dụng cũng được nhiều cơ sở dùng "chui" cho bệnh nhân, do giá thành rẻ hơn gấp 3-4 lần so với các chất làm đầy hợp pháp. Nguy hiểm nhất là silicone lỏng được sử dụng trá hình dưới các tên là chất làm đầy hay mỡ nhân tạo, chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho khách hàng. 

Vì thế, những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện; không nên thực hiện ở những nơi không đảm bảo.

Cận cảnh ca hoại tử mũi vì tiêm filler, phải đến BV Xanh Pôn, điều trị:
Chất làm đầy đã được cảnh báo gây mù mắt nếu tiêm không đúng. Theo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), filler không được phép sử dụng quanh vùng mắt. Nguyên nhân là bởi filler có thể chặn các mạch máu quanh mắt dẫn tới mù lòa. Mặc dù trường hợp này hiếm nhưng từng xảy ra trên thế giới.
Thống kê năm 2015 của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Canada cho thấy, có tới 98 trường hợp thị lực bị ảnh hưởng sau khi tiêm filler. 65 trường hợp bị mù một bên mắt. Và chỉ có 2 trường hợp mất thị lực vì tiêm filler mà có thể khắc phục được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm