Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không?

Châu Anh
26/10/2022 - 09:58
Người bị tiểu đường có nguy cơ biến chứng cúm cao hơn người bình thường do đó mà tiêm phòng cúm ở người bị tiểu đường là bắt buộc. Tuy nhiên có một số tác dụng phụ mà bạn cần chú ý.

Mùa cúm 2022 - 2023 đang bắt đầu khi thời tiết thay đổi và tình trạng "nợ miễn dịch" do giãn cách xã hội giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 gây ra.

1. Cúm có thể ảnh hưởng như thế nào tới bệnh nhân tiểu đường?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ thì bệnh cúm là do một loại/nhiều loại virus đường hô hấp gây ra. Cúm có các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi và có thể tiến triển thành các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phổi và có thể tử vong.

Giáo sư bệnh truyền nhiễm William Schaffner cho biết: "Người bị bệnh tiểu đường gặp khó khăn trong việc chống lại các loại bệnh nhiễm trùng và tập hợp các phản ứng viêm thích hợp để chống lại viêm phổi sớm".

Virus cúm lây nhiễm tới các tế bào phía sau mũi và cổ họng từ đó gây nghẹt mũi hoặc đau họng. GS.Schaffner nói, viêm màng nhầy bên trong ống phế quản, nơi dẫn khí vào và ra khỏi phổi của bạn, có thể kích thích phản ứng ho.

Tình trạng viêm cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn, thường hiện diện trong cổ họng của chúng ta tự di chuyển sang phổi và gây ra viêm phổi. Khi bị viêm phổi, người bệnh có thể bị khó thở, ho, tức ngực và nếu không được điều trị có thể gây tử v.ong.

Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không? - Ảnh 2.

Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không? (Ảnh: Medical News Today)

Hơn nữa, nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc hơn có thể khiến bạn khó kiểm soát được lượng đường huyết trong máu. Chính điều này có thể làm tăng nguy cơ  nhiễm toan ceton ở bệnh nhân tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nhiều nguy cơ bị thừa cân khiến tăng nguy cơ với các bệnh hô hấp như viêm phổi.

Không chỉ vậy, điều này còn phổ biến hơn với người trên 65 tuổi khi sống chung với bệnh tiểu đường, theo một nghiên cứu năm 2022.

Tóm lại nguy cơ biến chứng nặng khi nhiễm cúm ở bệnh nhân tiểu đường bao gồm:

- Viêm phổi

- Viêm phế quản

- Nhiễm trùng xoang

- Nhiễm trùng tai.

2. Tất cả những người mắc tiểu đường có cần tiêm phòng cúm không?

CDC khuyến nghị rằng tất cả mọi người bị tiểu đường đều nên tiêm phòng cúm, bao gồm tiểu đường type 1, tiểu đường type 2, LADA và tiểu đường thai kì trong khi đang mang thai. Ngoài ra thì Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ còn khuyến cáo thêm cần tiêm phòng cho cả các thành viên gia đình khi trong nhà có người bị tiểu đường.

Tiêm phòng cúm có thể giúp giảm nguy cơ bị nhiễm virus cúm và các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng xoang, giảm kiểm soát đường huyết và phải nhập viện điều trị. Nhìn chung, hiệu quả của vaccine cúm có thể thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào loại virus cúm phổ biến theo mùa nên tiêm phòng hàng năm là điều vô cùng quan trọng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chủng ngừa cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh từ 40 - 60%.

Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không? - Ảnh 3.

Tất cả những người mắc tiểu đường có cần tiêm phòng cúm không? (Ảnh: Healthline)

Ngoài việc giảm nguy cơ mắc cúm nói riêng thì tiêm phòng cúm đã được phát hiện là có thể giảm nguy cơ mắc phải các biến cố tim mạch chẳng hạn như đau tim và đột quỵ.

3. Ai không nên tiêm phòng cúm?

- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi

- Người bị dị ứng nghiêm trọng, nguy cơ sốc phả.n vệ nghiêm trọng với các thành phần trong thuốc tiêm ngừa cúm

- Người từng có phản ứng nghiêm trọng với mũi tiêm cúm trước đó.

Nhìn chung bạn cần nói chuyện về tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm chủng trước đó với chuyên viên y tế trước khi tiêm chủng.

4. Người bị tiểu đường nên tiêm loại vaccine cúm nào?

Có một số loại vaccine cúm dạng tiêm. Đối với người trên 65 tuổi trở lên thì loại vaccine này có thể có kháng nguyên cao hơn và có chất bổ trợ (chất từ virus kích thích phản ứng miễn dịch và chất bổ sung không liên quan tới virus tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn).

Ngoài ra thì còn thuốc chủng ngừa cúm không chứa protein từ trứng đối với người dị ứng trứng.

Các nhà y tế cũng khuyên rằng người bị tiểu đường và phụ nữ mang thai không nên chủng ngừa cúm dạng xịt mũi, đây là loại vaccine sống giảm độc lực (chứa virus cúm sống thể suy yếu).

Nên tránh gì trước khi tiêm phòng cúm?

Không có khuyến cáo gì đặc biệt mà người bị tiểu đường cần tránh trước khi tiêm phòng cúm. Trước tiên, hãy kiểm tra lịch tiêm chủng và địa điểm tiêm phù hợp với bạn. Sau đó nói cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của mình, kể cả khi bạn đang cảm thấy không khỏe bởi đây có thể là lý do trì hoãn mũi tiêm tới khi bạn cảm thấy khỏe hơn.

Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không? - Ảnh 4.

Không có khuyến cáo gì đặc biệt mà người bị tiểu đường cần tránh trước khi tiêm phòng cúm (Ảnh: Internet)

Thời điểm tiêm cúm được cho là thích hợp vào cuối tháng 10 trước khi mùa cúm bắt đầu và phải mất 2 tuần để hệ miễn dịch sản sinh phản ứng đầy đủ với nhiễm trùng. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ mang tính khuyến nghị, bạn nên tiêm phòng cúm bất cứ khi nào bạn có đủ điều kiện sức khỏe và một lần nữa nhắc lại, đó là hãy tiêm nhắc lại hàng năm.

Điều gì xảy ra nếu bạn bị cúm trước khi tiêm phòng?

Các chuyên gia đều khuyên rằng, ngay cả khi bạn đã bị bệnh cúm một/vài lần trong năm nay thì bạn vẫn nên tiêm phòng cúm bởi vaccine bảo vệ chống lại một số chủng đang "lưu hành" và bảo vệ chống lại bất kì một chủng cúm nào khác mà bạn có thể gặp phải trong những tháng sắp tới.

Nếu bạn bị bệnh/ốm, hãy liên hệ với bác sĩ để nhận được chỉ dẫn phù hợp.

Với người đang sống chung với tiểu đường mà bị cúm, hãy đảm bảo:

- Cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều chất lỏng không đường

- Nếu bạn đang dùng insulin, bạn cần kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên hơn

- Hãy lưu ý tới các đợt hạ đường huyết nếu bạn đang dùng insulin và không ăn uống đầy đủ

- Nếu bạn sử dụng các loại siro giảm nhẹ triệu chứng, hãy lựa chọn các loại siro không đường.

Thường thì các triệu chứng của bệnh cúm sẽ đạt đỉnh điểm và ngày thứ 2 - thứ 3 và sẽ cải thiện dần từ ngày thứ 5 - thứ 7. Nếu bạn ho dải dẳng hơn, sốt kéo dài hơn thì có thể là dấu hiệu biến chứng cúm có thể là viêm phổi và cần phải thăm khám bác sĩ. Các triệu chứng khẩn cấp này bao gồm:

+ Ngất xỉu và bất tỉnh

+ Đau ngực dữ dội

+ Khó thở

+ Sốt dai dẳng và ngày càng nặng hơn từ 38,3 độ C

+ Ho nghiêm trọng sau 5 - 7 ngày không giảm

+ Đường huyết không kiểm soát được.

5. Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không?

Có thể. Cánh tay của bạn thường đau nhức sau khi tiêm phòng cúm do vaccine đi thẳng vào cơ của bạn. Cho tới khi được hấp thụ hoàn toàn thì bất kì một loại đau nào cũng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến.

Hệ miễn dịch của cơ thể có thể đang phản ứng với vaccine và "bùng nổ" này gây ra tình trạng viêm do phản ứng kháng nguyên từ đó có thể kích hoạt sự tăng lên của lượng đường trong máu như khi bạn bị bệnh khiến đường huyết tăng lên. Chẳng hạn như khi bạn bị cúm, cơ thể tiết ra hormone căng thẳng adrenalin hoặc cortisol làm giảm hiệu quả của insulin và có thể khiến đường huyết tăng lên.

Tiêm phòng cúm có khiến lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường tăng lên không? - Ảnh 5.

Hệ miễn dịch của cơ thể có thể phản ứng với vaccine và "bùng nổ" này gây ra tình trạng viêm do phản ứng kháng nguyên (Ảnh: Internet)

Có rất ít nghiên cứu thực tế về cách tiêm phòng cúm có thể dẫn tới tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên nếu lượng đường huyết của bạn tăng lên sau khi tiêm phòng cúm, các bác sĩ nội tiết khuyên rằng:

- Điều chỉnh bất kì lượng đường huyết cao bằng insulin tác dụng nhanh

- Tránh việc tăng bất kì loại thuốc kiểm soát đường huyết nào có tác dụng kéo dài vì không có cơ sở dự đoán lượng đường trong máu tăng lên sau tiêm phòng cúm kéo dài bao lâu.

Và nếu bạn cảm thấy không ổn, hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ nội tiết chủ trị của mình.

6. Mẹo phòng ngừa cúm và viêm phổi

Các mẹo này phù hợp với bất kì ai muốn phòng ngừa cúm và viêm phổi, đặc biệt là người đang bị tiểu đường:

- Tiêm vaccine cúm hàng năm

- Tiêm ngừa vaccine phế cầu, xem xét xem loại vaccine đó có giúp chống lại vi khuẩn gây viêm phổi không nếu đủ yêu cầu sức khỏe

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị ho, hắt hơi

- Rửa tay thường xuyên do virus cúm có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt vì vậy mà người bị tiểu đường cần đảm bảo rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch và chú ý khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc thường xuyên

- Đeo khẩu trang khi tới các sự kiện, khu vực đông người nhất là trong mùa cúm

- Nếu số ca bệnh cúm trong cộng đồng tăng cao, hãy cân nhắc tới việc ở trong nhà.

Nhìn chung thì trong hai năm đại dịch COVID-19 tỷ lệ mắc bệnh cúm đã giảm nhờ các biện pháp phòng ngừa, nhưng cúm đã trở lại với số ca mắc tăng lên từ tháng 7 tới nay với cúm A "trái mùa" hay mới đây là cúm A/H5, cúm B... các hoạt động bình thường trở lại nên nguy cơ cúm cũng cao hơn và người bệnh tiểu đường cần đảm bảo mình được tiêm phòng cúm đầy đủ, nhất là khi vào mùa thu và đông tới đây.

Nguồn: Healthline, Medical News Today
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm