pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh có cần thiết không, nên tiêm khi nào?
Tiêm vắc xin ngừa lao là một trong hai loại vắc xin quan trọng, rất cần thiết với trẻ. Loại vắc xin này có khả năng chống lại các virus gây bệnh, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm lao phổi.
Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh rất cần thiết
Bệnh lao phát triển do vi khuẩn lao Mycobacterium (MTM) gây ra. Loại vi khuẩn này có thể lây bệnh qua không khí. Nếu trẻ bình thường hít chung bầu không khí và dùng chung đồ như: Khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo… rất dễ có nguy cơ lây bệnh lao cao.
Khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn lao sẽ có các triệu chứng như: Mệt mỏi, ho, khó thở, sốt hoặc nặng hơn có thể gây biến chứng về phổi, lây sang tim, hệ thần kinh, hạch bạch huyết, xương và các cơ quan khác. Ở trường hợp trẻ chưa được tiêm phòng thì rất khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.
Chính vì vậy, việc tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết, tốt cho trẻ. Mẹ nên theo dõi lịch tiêm chủng phòng lao và đưa bé đi tiêm đúng thời gian.
Trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng ngừa bệnh lao trong 28 ngày sau sinh (Ảnh minh họa)
Nên tiêm phòng lao cho trẻ khi nào?
Hiện nay, loại vắc xin phòng lao được sử dụng ở Việt Nam là vắc xin BCG. Trẻ chỉ cần tiêm 1 lần duy nhất, không cần tiêm lại.
Loại vắc xin này rất cần thiết cho trẻ, vì vậy mẹ nên tiêm phòng ngừa bệnh lao cho bé vào thời điểm tốt nhất như sau:
- Tiêm trong khoảng 28 ngày kể từ ngày bé chào đời.
- Thời gian tiêm tốt nhất là tuần thứ 2 hoặc tuần thứ 3 sau khi sinh bé.
Tiêm phòng lao muộn sẽ tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh lao cao hơn và chỉ có tác dụng với những bé chưa nhiễm khuẩn lao. Vì vậy, mẹ nên đưa bé đi tiêm phòng trong thời gian quy định, để có hiệu quả hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Những trẻ nào nên và không nên tiêm phòng lao?
Không phải trẻ sơ sinh nào cũng tiêm phòng bệnh lao được, vì vậy mẹ cần lưu ý và xem con mình có nên tiêm phòng hay không, cụ thể các đối tượng sau.
Trẻ sơ sinh nên tiêm phòng lao:
- Trẻ có đủ sức khỏe, cân nặng
- Phát triển ổn định, không mắc các bệnh lý
- Không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt
Trẻ đủ sức khỏe, không mắc các bệnh lý mẹ nên cho bé đi tiêm sớm (Ảnh minh họa)
Trẻ không nên tiêm phòng lao ngay sau sinh
- Trẻ sinh non, nhẹ cân
- Trẻ đang sốt cao, thể trạng yếu
- Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch nặng
- Trẻ mắc các bệnh về nhiễm khuẩn cấp
- Trẻ mắc bệnh về da đang lan rộng và phát triển
- Trẻ cần chăm sóc đặc biệt
Phản ứng phụ sau khi tiêm phòng lao
Sau khi tiêm vắc xin BCG, hầu hết các bé đều có các phản ứng như:
- Xuất hiện nốt nhỏ chỗ tiêm ngay sau khi tiêm và tự biến mất sau 30 phút.
- 2 tuần sau, xuất hiện vết loét đỏ bằng đầu bút chì và tự hết sau 2 tuần, vết loét sẽ để lại vết sẹo nhỏ khoảng 5mm. Vết sẹo này chứng tỏ trẻ đã có hệ miễn dịch.
- Nổi hạch ở nách hoặc khuỷu tay hoặc áp - xe.
- Sốt nhẹ.
- Sưng đau nhẹ.
Trước khi đi tiêm phòng lao mẹ nên làm gì?
Để bé tránh bị đau, quấy khóc, tránh nhiễm trùng các mẹ nên làm những việc sau:
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé. Bé có sức khỏe tốt, không mắc bệnh mới nên đi tiêm.
- Mặc quần áo, tã bỉm rộng rãi, thoáng mát cho bé.
- Không cho bé bú quá no hay để bé đói tránh trường hợp bị hạ đường huyết khi tiêm.
- Thông báo với bác sĩ nếu con vấn đề về sức khỏe như: Ho, sốt, bệnh về da...
Mẹ nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bé trước khi tiêm (Ảnh minh họa)
Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh ở đâu?
Hiện nay, vắc xin BCG có ở các trung tâm y tế. Mẹ có thể đưa bé đi tiêm phòng miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng ở: Trạm y tế xã phường, các trung tâm y tế quận huyện, thành phố.
Tiêm phòng dịch vụ ở: Các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám, trung tâm tiêm chủng...
Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh rất cần thiết, vì vậy trong 28 ngày kể từ lúc sinh bé mẹ nên đưa bé đi tiêm chủng càng sớm càng tốt. Nếu sau khi tiêm trẻ có các dấu hiệu bất thường như: Sốt cao, trẻ quấy khóc nhiều, co giật nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra và theo dõi.