pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ - Biểu tượng của trí tuệ và tinh thần vượt lên định kiến giới
![Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ - Biểu tượng của trí tuệ và tinh thần vượt lên định kiến giới](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/14/den-tho-ts-nguyen-thi-due-173950780152583087053-173950807898725485680-123-0-1687-2502-crop-173950808506693366017.jpg)
Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Trí tuệ và hành trình khoa bảng phi thường
Sinh ra vào cuối thế kỷ XVI tại vùng Chí Linh, Hải Dương - nơi nổi tiếng với truyền thống hiếu học, Nguyễn Thị Duệ (1574 - 1654) sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, nữ giới không được phép tham gia khoa cử.
Không cam chịu số phận, bà giả trai dự thi dưới triều Mạc, dùng tên Nguyễn Du và xuất sắc đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1594. Đây là một hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử, cho thấy tài năng xuất chúng của bà giữa một nền khoa bảng vốn chỉ dành cho nam giới.
Sự thật việc giả trai đi thi được phát hiện sau khi bà đỗ đạt, dù không được chính thức công nhận nhưng thay vì bị trừng phạt, bà lại được Vua Mạc Kính Cung (1593 - 1625) vô cùng kính trọng.
Nhà Vua không những tha tội khi quân mà còn trọng dụng, cho vào cung dạy các cung tần mỹ nữ, tuyển bà làm phi, đặt tên cho bà là "Tinh Phi" (Sao Sa), có ý khen bà xinh đẹp và sáng tựa một vì sao. Vì thế trong dân gian gọi bà là "Bà chúa Sao".
Sau khi nhà Mạc suy vong, bà tiếp tục phục vụ dưới triều Lê-Trịnh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ còn dành thời gian gặp gỡ các nhân sĩ, đi tìm hiểu tình hình ở nhiều nơi, từ đấy có các kiến nghị về chính sách với triều đình.
Bà đã được phong tước "Chiêu nghi" do những công lao đóng góp của mình. Dưới thời chúa Trịnh Tráng, bà được giao trọng trách giảng dạy, đào tạo nhân tài cho triều đình, góp phần nâng cao nền giáo dục thời bấy giờ.
Một trí thức uyên bác và nhà giáo dục xuất sắc
Nguyễn Thị Duệ không chỉ là người phụ nữ hiếm hoi trong giới Nho học, mà còn là một học giả uyên bác. Bà giỏi thơ văn, am hiểu đạo lý, tinh thông các lĩnh vực khoa học, triết học và quản trị.
Trong triều đình, bà có những đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chính sách giáo dục và đào tạo nhân tài. Nhiều tài liệu ghi lại rằng, bà đã trực tiếp giảng dạy cho con cái hoàng thân quốc thích đương triều, truyền đạt tư tưởng về nhân nghĩa, đạo đức và lòng trung quân ái quốc.
Không chỉ đóng góp trong triều đình, bà còn dành tâm huyết mở lớp dạy học cho dân nghèo, khuyến khích việc học tập và trọng dụng nhân tài. Với tầm nhìn tiến bộ, bà đã giúp nhiều thế hệ học trò có cơ hội tiếp cận tri thức, vượt lên thân phận, đóng góp cho đất nước.
Di sản và bài học vượt thời đại
Hơn 400 năm đã trôi qua nhưng tinh thần học vấn và nghị lực vượt lên định kiến giới của tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ vẫn còn nguyên giá trị. Bà là minh chứng sống động cho khả năng vươn lên của phụ nữ Việt Nam, cho thấy trí tuệ không bị giới hạn bởi giới tính và giáo dục có thể thay đổi số phận.
Ngày nay, đền thờ bà tại núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, Hải Dương, là nơi tôn vinh trí tuệ và tinh thần kiên trung của bà. Khu đền và lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là một địa chỉ của Chí Linh Bát Cổ, một vùng văn hoá địa linh nhân kiệt với các địa danh mãi là niềm tự hào lịch sử.
Bà cũng là một trong tám vị đại khoa của vùng đất Hải Dương được dựng tượng đồng tại khu Văn Miếu Mao Điền. Tên của Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đã được đặt cho các trường học, con đường, tuyến phố, trở thành động lực truyền cảm hứng cho các thế hệ nữ sinh ngày nay. Bà không chỉ là nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta mà còn là người tiên phong mở lối cho tinh thần bình đẳng trong giáo dục.
Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại khuôn viên đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ không chỉ là một hoạt động tri ân, mà còn là sự tiếp nối tinh thần hiếu học và ý chí kiên cường của bà.
Đây cũng là một thông điệp đầy ý nghĩa: Dù ở bất kỳ thời đại hay hoàn cảnh nào, phụ nữ luôn có quyền học tập, theo đuổi tri thức, khẳng định tài năng và đóng góp xứng đáng cho xã hội.