Tiếng khèn Mông dệt bao chuyện tình đắm say

01/01/2017 - 11:00
Những chàng trai Mông thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục và cả sự đắm say bao trái tim của các cô gái Mông. Biết bao câu chuyện tình cũng được bắt đầu từ tiếng khèn đầy mê hoặc của tiết trời mùa Xuân đang chảy tràn ở nơi này.
Tiếng khèn cất lên có thể nói thay lời yêu

Nằm cách Hà Nội khoảng 250km, vẻ đẹp của thung lũng Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào Xuân khiến ai đến đây cũng phải xao xuyến. Lúc này, tiết trời Tây Bắc đang bước vào một mùa Xuân mới. Ở thung lũng Cao Phạ, bản Lìm Mông rất tưng bừng, ấm áp. Khung cảnh hoa mận nở sớm, hoa rừng, hoa tam giác mạch cuối đông vẫn khoác lên bản Lìm Mông một màu sắc rực rỡ, lãng mạn, mê đắm lòng người.

Từ đêm 31/12 dương lịch, bà con người Mông bắt đầu ăn Tết. Khắp vùng Tây Bắc ngày này, mọi nhà đều nhấp rượu ngô, thưởng thức thịt trâu gác bếp chấm mắc khén, rồi cùng nghiêng ngả theo điệu khèn Mông trầm bổng.

Mỗi khi tiếng khèn Mông trầm bổng cất lên, ai cũng phải xao xuyến  

Điều đặc biệt hơn cả là du khách được đắm chìm, ngây ngất trong lời ca, điệu khèn, tiếng sáo… Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống), Tiếng hát làm dâu (gầu na nhéng), Tiếng hát mồ côi (gầu tú gua), Tiếng hát cúng ma (gầu tuờ)…

 Người đàn ông Mông càng thổi, càng say đắm trong chính điệu khèn của mình

Nhạc cụ dân tộc được coi là linh hồn của người Mông, gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn tình, với cộng đồng và với thiên nhiên núi rừng hùng vĩ.

Đáng chú ý là cây khèn cổ truyền của người Mông. Thân khèn Mông được chế tác bằng gỗ pơmu cùng sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho tình anh em tụ hợp. Chúng được xếp khéo léo, song song trên thân khèn; ta tưởng tượng như dòng nước đang trôi, chở thứ âm thanh huyền diệu, chảy mãi từ ngọn nguồn lịch sử cho đến tận bến bờ hiện tại.

Người Mông thổi khèn là gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn 

Đàn ông, con trai từ 13 tuổi trở lên hầu như đều có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Khi buồn, khi vui, người Mông đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn.

Sau mỗi bài khèn, người đàn ông Mông luôn nhận được sự nể phục, đắm say của trái tim người phụ nữ.   

Những chàng trai Mông thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục và cả sự đắm say bao trái tim của các cô gái H’Mông. Biết bao câu chuyện tình cũng được bắt đầu từ tiếng khèn đầy mê hoặc của tiết trời mùa Xuân đang chảy tràn ở nơi này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm