Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại

PV
09/08/2021 - 16:00
Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại

Ảnh minh họa

Điều 75 Luật trẻ em năm 2016 nêu rõ, đảm bảo sự tham gia của trẻ em trong gia đình, cha mẹ và các thành viên khác cần tôn trọng, xem xét, lắng nghe những nguyện vọng của trẻ em. Còn thực tế thì sao?

Bài 1: "Lúc con muốn tự lập, mẹ lại không cho"

Đó là một trong những điều Đặng Phan Trâm Anh (8 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng chia sẻ với mẹ. Những suy nghĩ và lập luận của cô bé trong dòng tin nhắn gửi mẹ đã khiến người mẹ "đứng hình". "Những thứ mẹ cần lo thì lại không lo, những thứ mẹ không cần lo lại cứ lo. Mẹ đang ở hai con đường, một đường thì sợ Búp (tên thân mật của Trâm Anh – PV) bị hỏng mắt, một đường thì muốn Búp thành tài. Mẹ chỉ được chọn một cái thôi. Mẹ muốn cái này mẹ sẽ mất cái kia. Hay lúc Búp muốn tự lập, mẹ lại không cho, lúc Búp không muốn tự lập, mẹ lại cứ ép. Nếu mẹ muốn, Búp sẽ đưa ra ví dụ. Mẹ nghĩ việc đó quá sức với Búp nhưng Búp không nghĩ thế. Mẹ làm thế chỉ ngăn cản tính tự lập của Búp mà thôi. Búp viết cái này là để mẹ hiểu ra chứ không phải để mẹ giận Búp".

Còn Nguyễn Bảo Sơn (19 tuổi, ở huyện Lương Sơn, Hoà Bình) không đồng ý với ông nội và bố mẹ trong việc muốn cháu tập trung luyện thi vào trường Cảnh sát theo truyền thống gia đình. "Cả tuổi thơ của cháu chứng kiến nỗi lo của mẹ mỗi khi bố tham gia các chiến dịch truy bắt tội phạm. Có đêm, mẹ ôm cháu vào lòng, tưởng cháu đã ngủ say, mẹ cứ khóc nấc lên nói chuyện một mình với bố: "Sao giờ này anh vẫn chưa về? Anh mà có mệnh hệ gì thì em biết làm thế nào?". Cháu không muốn mẹ lại lo lắng mỗi khi cháu đi làm nhiệm vụ. Quan trọng hơn là cháu thích làm nghề tạo mẫu tóc. Con trai làm nghề này thì có sao, mà cả nhà cháu cứ dằn hắt, còn bảo cháu làm hổ danh gia đình".

Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Học tập - vấn đề được con trẻ bày tỏ nhiều nhất

Đó là 2 trong nhiều tâm sự mà Báo Phụ nữ Việt Nam ghi nhận được qua cuộc khảo sát nhanh về chủ đề "Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại". Cuộc khảo sát được thực hiện ở 50 em, trong độ tuổi từ 11 đến 21, gồm cả nam và nữ. Kết quả cho thấy, có 68% số em tham gia khảo sát khẳng định việc phụ huynh/người lớn trong gia đình lắng nghe ý kiến của con trẻ là rất quan trọng, 36% cho rằng việc đó là quan trọng và chỉ có 4% cho rằng việc đó không quan trọng.

Khi được hỏi về cơ hội bày tỏ ý kiến, một nửa số câu trả lời cho biết các em có nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến của mình với phụ huynh/người lớn trong gia đình. 46% cho biết ít có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Số còn lại chia sẻ rằng các em có mong muốn, có cơ hội nhưng không dám nói.

Vấn đề các em thường lựa chọn bày tỏ ý kiến nhiều nhất chính là việc học tập, với 38%. Tiếp đó là các vấn đề vui chơi, giải trí (30%), việc phân biệt đối xử trong gia đình (12%). Số còn lại là về các lĩnh vực, vấn đề gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, hay đơn giản là việc nấu ăn.

Nói chuyện trực tiếp là cách thức mà những người được hỏi sử dụng nhiều nhất khi bày tỏ ý kiến của mình với phụ huynh/người lớn trong gia đình, với 86%. Gọi điện, nhắn tin qua điện thoại là cách mà 8% số em tham gia khảo sát sử dụng. Còn lại lựa chọn cách thức viết tin nhắn ra giấy gửi cho phụ huynh/người lớn.

Trả lời câu hỏi "Phản ứng của phụ huynh/người lớn trong gia đình khi em bày tỏ suy nghĩ, ý kiến?", 66% người tham gia khảo sát chia sẻ rằng, mình được tôn trọng, lắng nghe. Nhưng vẫn có 20% số em cho biết phụ huynh không quan tâm và cho rằng cha mẹ luôn đúng. 10% số em cho biết, phụ huynh thường bảo: "Trẻ con thì biết gì mà nói". Số còn lại chia sẻ rằng, tùy từng trường hợp có lúc bố mẹ lắng nghe, có lúc không.

"Hãy quan tâm đến ý kiến của con"

Trong khảo sát, chia sẻ về cảm xúc của bản thân trước phản ứng của phụ huynh/người lớn trong gia đình khi con trẻ bày tỏ ý kiến, 62% các em cho biết cảm thấy được tôn trọng, chia sẻ. 20% các em thấy khó chịu, ấm ức, cảm thấy bị áp đặt. 18% các em cảm thấy vui, buồn tùy lúc, thậm chí có lúc cảm thấy rất buồn hoặc không cảm xúc.

Đặc biệt khi đưa ra hỏi "Điều mà em muốn gửi gắm đến phụ huynh/người lớn trong gia đình hiện tại là gì?", cuộc khảo sát đã nhận được nhiều ý kiến có thể khiến phụ huynh/người lớn trong gia đình phải suy nghĩ và thay đổi. Cụ thể, nhiều em tâm sự: "Bố mẹ gần gũi, quan tâm con cái nhiều hơn", "Con đã lớn rồi", "Hãy quan tâm đến ý kiến của con", "Mong người lớn biết lắng nghe và tôn trọng", "Mong bố mẹ thấu hiểu con hơn và lắng nghe con nói", "Con đã lớn rồi, con muốn được tự quyết định các việc của mình", "Không nên quá kiểm soát và để con tự quyết định cuộc sống của mình", "Bố mẹ hãy đặt mình vào hoàn cảnh của con", "Hãy để con có quyền tự quyết định", "Để con tự quyết định tương lai của mình", "Mong ông bà hãy suy nghĩ cởi mở và thoáng hơn", "Con muốn bố mẹ tôn trọng những gì con chọn, con đường con muốn đi. Đừng nghe cách người ngoài phán xét lựa chọn của con là sai...".

Những mong mỏi từ các em cho thấy, người lớn trong gia đình cần lắng nghe, tôn trọng quyết định của con trẻ. Bởi điều này giúp con tự tin, vui vẻ hơn khi chia sẻ những tâm tư, khúc mắc của mình. Con trẻ suy nghĩ rất đơn giản, chúng chỉ muốn hàng ngày cha mẹ dành thời gian quan tâm, trò chuyện, lắng nghe con nhiều hơn và cho con cơ hội tự quyết định việc của mình.

Bài sau: Từ khác biệt đến tìm tiếng nói chung

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm