pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tiếp lửa" cho nhiều phụ nữ khuyết tật
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc chia sẻ: “Tôi học cách đối diện với khó khăn một cách bình thản”
Chị Ngọc cho biết, năm lên 3 tuổi, chị bị bại liệt. Mặc dù việc di chuyển phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn nhưng chị quyết tâm học thật giỏi. Học ngành Tin học kế toán ứng dụng, chị nỗ lực theo đuổi công nghệ.
"Từ nhỏ, tôi đã thấy nghị lực của ba, một thương binh, nên lúc nào cũng lấy đó làm gương. Tôi cũng thấy được sự bao dung, vất vả của mẹ nên tôi càng trân quý hơn ý nghĩa của cuộc đời. Ngày trước, ba mẹ vất vả mà vẫn nuôi con cái khôn lớn. Vậy nên tôi càng phải cố gắng nhiều hơn", chị Ngọc bộc bạch.
Chồng của chị cũng là người khuyết tật. Khó khăn nối tiếp nhau đến với hai vợ chồng chị. Thời điểm chị chuẩn bị sinh đứa con thứ 2, trong một lần đi giao hàng thì chị bị tai nạn và gãy chân. Lúc đó, chị phải cố gắng chịu đựng nỗi đau, đợi con vừa đủ tuần để mổ.
"Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn ám ảnh. Lúc đó, tôi bán hàng online, thường xuyên phải ra bưu điện gửi hàng. Nhưng không may tôi bị tai nạn, hai chân đã liệt rồi còn bị gãy. Con sinh non nên hô hấp kém, nhẹ cân, phải nằm lồng kính nhiều tuần liền. Vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi để điều trị cho tôi và cho con. Tôi học cách đối diện với khó khăn một cách bình thản và tìm hướng giải quyết", chị Ngọc cho hay.
Mạnh dạn khởi nghiệp, chị Ngọc đã thành lập công ty chuyên bán phần mềm kế toán, thiết kế web-marketing online, dịch vụ kế toán, báo cáo thuế. Chị Ngọc cho biết: "Tôi đã trải qua nhiều nghề. Tôi hiểu rằng, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn để tìm được việc làm. Vậy nên, tôi quyết định khởi nghiệp và tuyển người khuyết tật vào công ty. Tôi luôn nói với nhân viên của mình rằng, đừng bao giờ nghĩ mình là tàn phế mà phải nghĩ ai cũng có giá trị riêng".
Trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chị Ngọc đã cùng các cấp Hội vận động các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người khuyết tật khác tại Làng May Mắn. Đây là một tấm gương sáng về nỗ lực khởi nghiệp, tiếp cận kỹ thuật số và là một người phụ nữ có trái tim nhân hậu”.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Hiện Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice có 6 nhân viên, tất cả đều là người khuyết tật. Tùy vào năng lực mỗi người mà Giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đào tạo và phân công công việc phù hợp. Mức lương trung bình mỗi tháng của người lao động trong công ty hiện nay khoảng 5-7 triệu đồng. Rong ruổi khắp nơi với chiếc xe ba bánh để gặp gỡ, hỗ trợ khách hàng, khi biết chị là người khuyết tật, không ít người tỏ ra e dè, thậm chí nghi ngờ năng lực của công ty. "Khi đó, tôi phải thuyết phục họ rằng hãy nhìn vào chất lượng sản phẩm mà công ty cung cấp. Nếu làm trên cơ thể khiếm khuyết thì chúng tôi đã không nhận đơn hàng này", chị Ngọc chia sẻ.
Khó khăn còn ở phía trước nhưng với nghị lực và tinh thần sẻ chia của mình, chị Ngọc đang "tiếp lửa" cho nhiều phụ nữ khuyết tật khác cùng vươn lên.