Ngày 19/3, tại tỉnh Quảng Bình đã diễn ra lễ bàn giao thiết bị phục vụ công tác rà phá bom mìn cho Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) gồm hơn 200 máy dò bom/mìn, được sử dụng trong khuôn khổ dự án Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Hậu quả bom mìn để lại từ chiến tranh rất nặng nề đối với Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học.
Dự án “Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” được khởi động vào tháng 3/2018 nhằm tăng cường năng lực quản trị hành động bom mìn ở phạm vi quốc gia cũng như đảm bảo an toàn và hỗ trợ phát triển tại các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Thông qua dự án, KOICA và UNDP hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình hành động bom mìn Quốc gia giai đoạn 2010 – 2025 (còn gọi là Chương trình 504) đảm bảo đạt được kết quả chung của chương trình.
Theo kết quả điều tra khảo sát quốc gia, tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 224.934ha bị ô nhiễm bom mìn vật liệu nổ (chiếm 30% diện tích toàn tỉnh). Dự án hỗ trợ xác định khu vực ô nhiễm và loại bỏ bom mìn vật liệu nổ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận các công trình xã hội cơ bản như trạm y tế, trường học và đất sản xuất.
Ngoài ra, dự án còn góp phần tăng cường năng lực quốc gia về quản lý và thực hiện các dự án hành động bom mìn, đảm bảo cung cấp hỗ trợ kịp thời và có chất lượng cho các nạn nhân bom mìn và gia đình họ, giảm số ca tai nạn bom mìn bằng cách nâng cao nhận thức của người dân địa phương về nguy cơ tai nạn từ bom mìn, vật liệu nổ.
230 cán bộ thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được huấn luyện về phương pháp khảo sát mới, đồng thời cung cấp kiến thức về kỹ thuật và công nghệ sử dụng trong hoạt động khảo sát và rà phá. Thêm vào đó, 4500 người dân tại 14 xã thuộc 5 huyện đã được nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn để có được cuộc sống và công việc bền vững hơn.