Tiếp tục cam chịu hay quyết tâm khiến chồng thay đổi?

03/10/2016 - 14:12
Trước mắt chị chỉ có hai cách giải quyết: Một là chấp nhận cuộc sống như 17 năm đã qua và giờ có phần còn tồi tệ hơn. Hai là vợ chồng chia sẻ hết với nhau những gì cả hai đang bị dồn nén, o ép.
Anh biết chị khi đang là kỹ sư, làm cùng phân xưởng với anh trai chị. Anh ấy hơn chị 12 tuổi, tính tình hiền lành, điềm đạm. Lúc đó, chị vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm về nhà chờ xin việc.
Chị kể với Thanh Tâm, khi đó chị không hề biết ba mẹ có ý định “nhắm” anh cho chị. Chị chỉ thấy anh thật hiền, dễ thương nên cũng quý mến anh.
Vào năm thứ hai đại học, chị cũng có một tình yêu rất đẹp. Nhưng rồi chị phát hiện ra người ấy không chung thuỷ với mình. Đau khổ và mất lòng tin, cuối năm học thứ ba, chị quyết định chia tay người ấy, lao vào học, chẳng thèm để ý đến ai cho đến khi tốt nghiệp ra trường…
Rồi trái tim chị cũng được hồi sinh. Rồi tình yêu của chị và anh được sự ủng hộ nhiệt tình của hai gia đình nên nhanh chóng đi đến đám cưới khi chị được về dạy ở trường phổ thông cơ sở điểm trong thành phố. Lẽ ra một cuộc hôn nhân có khởi đầu suôn sẻ như vậy phải rất hạnh phúc. Nhưng với chị mọi chuyện đã ngược lại.
Ngay sau ngày cưới, về sống chung với nhau, chị  phát hiện ra tính cách, lối sống, sở thích giữa vợ chồng chị khác nhau một trời một vực. Chị hỏi Thanh Tâm: Có phải vì vợ chồng chị chêch lệch quá nhiều về tuổi tác hay vì bản tính của mỗi người mà như vậy? Chị nói ngay từ nhỏ, tính tình chị luôn hồn nhiên, hiếu động, thích những sinh hoạt vui vẻ, trẻ trung. Ngược lại, chồng chị dù mới ngoài 30 tuổi nhưng lối sống giống như một ông già: Tính tình khô khan và đặc biệt vô cùng đơn điệu, nhàm chán. Ngoài giờ làm việc ở nhà máy, về nhà anh cứ như một robot, hỏi gì nói nấy, bảo gì làm nấy. Trong lúc vợ chồng gần nhau, anh cũng không biết chủ động nói chuyện gì mà toàn từ phía chị. Thấy mình cứ như độc thoại, chị mất hứng, không chủ động trò chuyện nữa thì anh vẫn cứ im lặng cho đến khi nào chị chán bỏ đi thì thôi.
Khi phát hiện ra sự lệch pha quá lớn này giữa vợ chồng, chị đã vô cùng thất vọng và hoang mang. Chị về khóc kể lại với mẹ thì mẹ chị mắng át đi. Mẹ cho rằng vì chị học văn nên tình cảm ướt át, lãng mạn, thiếu thực tế. Còn người nghiêm túc, sống đơn giản như anh mới đỡ ngoại tình, lăng nhăng, làm khổ vợ con sau này. Nhớ lại người yêu cùng khoá ngày ấy đã phản bội mình, chị thấy lời mẹ cũng có lý.
anh-vien-ao-cuoi-1410251052.jpg
 Mỗi lần chị phàn nàn là mẹ chị lại mắng át đi và bênh vực con rể (ảnh minh họa)
Đứa con đầu rồi con thứ hai ra đời, cuộc sống bận bịu, bộn bề lo toan, vất vả, sự lệch pha thái quá giữa vợ chồng khiến chị vô cùng bức bối, u uất, ngột ngạt. Nhưng mẹ vẫn cứ mắng át đi hoặc an ủi chị: “Nhân vô thập toàn. chồng con như vậy chẳng hơn là nó nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, gái gú rồi về đánh đập, hành hạ vợ con hay sao?”. Chị nói chẳng biết vì chị “thấm” lời mẹ hay vì chị cũng thuộc tuýp người cam chịu, hoặc vì thương các con nên chẳng còn nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của mình nữa? Chị chấp nhận cuộc sống vợ chồng đó và dồn toàn bộ tâm trí vào việc nuôi dạy, chăm sóc các con, phấn đấu sự nghiệp của mình.
17 năm trôi qua, giờ đây chị đã là hiệu trưởng của trường và đang theo học để bảo vệ luận án Tiến sĩ. Nhưng thật đau khổ vô cùng, chị càng thành đạt thì cuộc sống vợ chồng càng bức bối, không lối thoát. Chị xin Thanh Tâm đừng hiểu lầm, rằng vì thành đạt và có địa vị mà chị càng chán ghét người chồng quá khác biệt với mình về tất cả. Mà là những phản ứng “mang tính đối kháng” không thể chấp nhận nổi của chồng chị. Khách, đồng nghiệp hoặc học sinh của chị  đến nhà, thay vì nên ăn mặc lịch sự, vui vẻ tiếp khách thì chồng chị lại mặc những bộ đồ ngủ nhầu nhĩ, cũ kỹ. Mới 52 tuổi mà anh đã nuôi râu dài, tóc dài để buộc túm phía sau như mấy “ông già trưởng bản” ở vùng cao vậy. Nếu chị có góp ý thì anh chỉ cười khẩy, ra điều giờ chị chức trọng quyền cao nên coi khinh ông chồng già nua, quê mùa, dốt nát. Có hôm vì công việc, buổi chiều chị không thể về nhà đúng giờ để nấu cơm, các con thì đi học ngoại khoá. Chồng chị về thấy vậy chỉ nấu gì đó cho mình ăn rồi thảnh thơi ngồi xem ti vi. Khi chị về đã 8 giờ tối, vừa vội vã lao vào bếp nấu cơm cho con, nước mắt chị vừa rơi lã chã…
Người vợ ấy rất sai lầm khi từ đầu đã không tích cực tìm cách giải quyết sự khác biệt trong lối sống, tính cách của hai vợ chồng. Giờ thì giọt nước đã tràn ly và hậu quả của nó thật nặng nề. Trước mắt chị chỉ có hai cách giải quyết: Một là chấp nhận cuộc sống như 17 năm đã qua và giờ có phần còn tồi tệ hơn. Hai là vợ chồng chia sẻ hết với nhau những gì cả hai đang bị dồn nén, o ép và “kêu gọi” nhau cùng tích cực giải quyết. Biết đâu với thiện chí và sự chân thành của chị, mọi chuyện sẽ tốt hơn? Dù rất mong manh nhưng Thanh Tâm vẫn hy vọng hạnh phúc vợ chồng đúng nghĩa sẽ quay về trong ngôi nhà ấy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm