pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh

Việc triển khai Dự án 8 góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn huyện Mường Tè
Bà Gió Nhù, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, trao đổi với PV Báo PNVN về những thay đổi tích cực từ khi triển khai Dự án 8 trên địa bàn:

Bà Gió Nhù
- Xin bà cho biết, việc thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2021-2025 đã thu được những kết quả nổi bật gì?
Việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới; thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; nâng cao nhận thức về chăm sóc phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; hỗ trợ bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.
Các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em cũng đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân quan tâm hơn; phụ nữ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là tham gia các cuộc đối thoại, bày tỏ ý kiến tham gia vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…
Đã thành lập được 80 Tổ Truyền thông Cộng đồng, 10 địa chỉ tin cậy, 12 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".
- Theo bà, đối tượng hưởng lợi từ dự án có thực sự được nâng cao nhận thức và quyền năng qua các hoạt động của dự án không?
Các hoạt động của Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và quyền năng qua các hoạt động của cộng đồng về bình đẳng giới và quyền trẻ em, giúp cho phụ nữ và trẻ em có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển toàn diện hơn:
- Thông qua mô hình tổ truyền thông cộng đồng, xác định được lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, tập tục văn hóa có hại tại địa phương đang là rào cản cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.

Mô hình địa chỉ tin cậy, góp phần truyền thông cho cộng đồng về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình...
- Các địa chỉ tin cậy, góp phần truyền thông cho cộng đồng về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ.
- Các Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" góp phần quan trọng vào hoạt động tăng cường quyền được tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái vào quá trình xây dựng, phản biện các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời giúp các em xây dựng được sự tự tin, có được kiến thức để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, đặc biệt, giúp các em hình thành các kỹ năng sống, có thể tự chủ trong việc đưa ra các quyết định phù hợp trong cuộc sống của mình.
- Xin bà cho biết, đâu là những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai Dự án 8 tại địa phương?
Hội LHPN xã chỉ có 01 biên chế, số lượng công việc Hội nhiều, không có chuyên môn về tài chính kế toán nên trong quá trình thực hiện 2 năm đầu còn gặp nhiều khó khăn và hoạt động của các Tổ Truyền thông cộng đồng, mô hình Địa chỉ tin cậy, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" không có kinh phí hoạt động.
Đặc biệt, vẫn chưa triển khai được các mô hình hỗ trợ sinh kế hay nâng cao năng lực cho phụ nữ, do phần lớn chị em ở các vùng thụ hưởng Dự án còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Đây là một trong những rào cản lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai mô hình mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ DTTS.
- Xin bà cho biết, cán bộ Hội LHPN cấp xã/thôn có gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận và vận động người dân không? Có rào cản văn hóa, ngôn ngữ hoặc định kiến giới nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận và triển khai các hoạt động không, thưa bà?
Việc tiếp cận và triển khai thực hiện Dự án 8 được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, không có rào cản nào văn hóa cũng như ngôn ngữ. Tuy nhiên nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế, dẫn đến việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao.
Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn khiến một số hộ dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo, vẫn còn một bộ phận hội viên còn có tư tưởng "sinh con một bề" nên chưa dám nhận sự hỗ trợ 04 gói chính sách từ Dự án.

Việc triển khai Dự án 8 góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn huyện Mường Tè
- Theo bà, cần làm gì để nâng cao hiệu quả triển khai Dự án 8 trong thời gian tới?
Việc triển khai Dự án 8 tại huyện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Công tác tuyên truyền được chú trọng, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, cộng đồng nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án 8. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới, kỹ năng tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tập huấn, truyền thông…
Để nâng cao hiệu quả triển khai Dự án 8 trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Mường Tè sẽ tiếp tục tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ thông tin, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế; Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vận động phụ nữ tham gia các lớp học xóa mù chữ, đào tạo nghề…
- Xin trân trọng cảm ơn bà!