Tiếp tục trình phương án bình đẳng tuổi nghỉ hưu lên Quốc hội

09/09/2016 - 16:23
Đây là lần thứ 2 phương án bình đẳng tuổi nghỉ hưu được đề xuất lên Quốc hội.Sau 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến tiếp tục chung đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ và nam ngang bằng nhau.
nguoi-lao-dong-cao-tuoi.jpg
Tiếp tục trình phương án bình đẳng tuổi nghỉ hưu lên Quốc hội
Bên lề Hội nghị tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động ngày 8/9, trả lời PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Bộ luật Lao động 2012 giao cho Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu (tại Điều 187), nhưng đến nay “chưa có thay đổi gì”, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam 60.

Để đảm bảo bình đẳng giới, ông Huân khẳng định: “Đã đến lúc phải tiến tới ngang bằng giữa nam và nữ về tuổi hưu”. Tuy nhiên, phương án kéo dài tuổi hưu vẫn “chưa định hình tăng thế nào” và có lộ trình trong bao lâu cần phải tính toán cụ thể theo hướng điều chỉnh tăng dần mỗi năm tăng vài tháng trong thời gian từ 5 đến 10 năm, để có sự ngang bằng, bình đẳng về tuổi hưu.

Ông Phạm Minh Huân cho rằng, nước ta đang trong 2 quá trình đan xen là dân số vàng và quá trình già hóa dân số. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu rất cần nghiên cứu, xem xét toàn diện. Từ năm 2014 đã có dự tính nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58, nam 62 trong Luật Bảo hiểm Xã hội, nhưng không được Quốc hội chấp thuận. Hiện tại, cơ quan này đang bàn thảo nội dung nâng tuổi nghỉ hưu và tiếp tục trình Quốc hội xem xét, thảo luận ở kỳ họp thứ 3 tới.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động xã hội, cho rằng: Về mặt quyền của người lao động, quy định tuổi hưu nam 60, nữ 55 là không có bình đẳng. “Trong thời gian tới, nên kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 62 tuổi với cả nam và nữ, luật hóa là phải bình đẳng”, ông Dũng khẳng định.

Đồng thời, “quy định trong luật không nên quá cứng nhắc”, mà có sự linh hoạt để người lao động có quyền được lựa chọn. Ông Dũng nêu ví dụ: nam nữ đến 60 tuổi nghỉ hưu, nhưng có cho phép ở khung độ tuổi từ 55 trở đi, người lao động có quyền lựa chọn nghỉ. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề về quyền của người lao động và vấn đề thực tiễn đang diễn ra.

Theo ông Dũng, trên thực tế, người lao động hiện nay nghỉ hưu sớm hơn tuổi hưu theo quy định. Độ tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế là 52 tuổi với nữ, nam 57. “Nếu đóng khung nam nữ đều phải 60 tuổi mới được nghỉ hưu, thì trên thực tế sẽ phải giải quyết chế độ mất sức khi người lao động muốn nghỉ sớm”, ông Dũng khẳng định.

Việc “nới rộng” thời gian lao động, theo ông Dũng, còn phụ thuộc vào nhu cầu nền kinh tế, quỹ BHXH. Mặt khác, kéo dài tuổi nghỉ hưu, trong khi người trẻ lại thiếu việc, tăng trưởng việc làm lại thấp hơn tăng trưởng lao động, vì vậy cần có tính toán tổng thể trước khi quyết định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm