TikToker ảo quyền lực, người dùng có cách nào để đối phó?

Hải My/ Thiết kế: Thủy Tiên
04/09/2022 - 19:00
TikToker ảo quyền lực, người dùng có cách nào để đối phó?
Chính bạn là người có quyền quyết định điều hướng nội dung trên TikTok, loại bỏ những điều độc hại càng sớm càng tốt.

Bên cạnh những trào lưu nhảm bị người dùng lên án, TikTok dạo gần đây còn khiến giới trẻ ngán ngẩm bởi lướt đâu cũng thấy những ồn ào liên quan đến việc TikToker "thẩm định", đánh giá quán ăn, món ăn.

Theo đó, nhiều TikToker xây dựng nội dung kênh của mình theo hướng nhận xét, chia sẻ trải nghiệm khi đến một nhà hàng, quán ăn nào đó. Ban đầu, đây là công việc được nhiều người ủng hộ vì cung cấp thông tin hữu ích, thậm chí còn được coi là một nghề mới đầy triển vọng.

Tuy nhiên khi các reviewer xuất hiện ngày càng nhiều trên TikTok, nội dung trở nên loạn trào và khó kiểm soát. Không ít những đánh giá đã bóp méo sự thật vì nhận tiền quảng cáo hoặc cố tình gây sốc để câu view. Người kinh doanh dịch vụ mà cả khách hàng cũng phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc từ lời nhận xét thiếu trách nhiệm của các TikToker.

Về phía xem, họ sẽ có thái độ như thế nào khi ngày càng nhiều nội dung đánh giá xuất hiện trên TikTok, mà bản thân không thể kiểm chứng đúng sai?

Người dùng chọn “chặn” TikToker ảo quyền lực

Thừa nhận là một người xem TikTok quá 180 phút/ngày, Ngọc Liên đều biết đến những ồn ào gần đây xoay quanh việc đánh giá các quán ăn.

Theo quan điểm cá nhân, cô cho biết: "Tùy vào vấn đề gây tranh cãi nhưng mình thường chọn đứng về phía TikToker. Bởi theo mình, TikToker cũng là khách hàng bình thường, họ có quyền trải nghiệm và khen, chê. Tuy nhiên, nếu thấy nội dung này xuất hiện quá nhiều và lan man mình sẽ lướt qua hoặc chặn luôn".

Khi TikToker ảo quyền lực, người dùng có cách nào để đối phó? - Ảnh 1.

Ban đầu, Ngọc Liên rất quan tâm đến vụ việc nhưng sau đó cô cũng phải lướt qua vì quá phiền phức

Còn đối với Quỳnh Quỳnh, cô bạn lại khá gay gắt khi các TikToker ngày càng "ảo quyền lực", đến và review xấu về một quán ăn: "Mở quán ăn vốn dĩ đã tốn khá nhiều chi phí, họ cũng rất đầu tư cho quán của mình. Thế nhưng, bỗng dưng lại nhận ý kiến tiêu cực chỉ bởi những đánh giá vô thưởng vô phạt của các TikToker. Ăn ngon hay dở tùy vào khẩu vị mỗi người, việc các bạn đến review xấu như một cách gián tiếp làm ảnh hưởng đến kinh doanh của quán, thì mình cảm thấy không đồng tình với việc làm này".

Vốn cũng là một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, Viết Lâm cho biết, bản thân có "hóng hớt" mỗi khi MXH có ồn ào gì đó nhưng không mấy hứng thú vì thấy khá tiêu cực, không mang lại giá trị gì cho người xem. Viết Lâm thẳng thắn bày tỏ: "Nếu thấy các video về vấn đề TikToker đến review quán ăn mà gây tranh cãi, mình sẽ chặn, báo cáo và không quan tâm luôn".

Khi TikToker ảo quyền lực, người dùng có cách nào để đối phó? - Ảnh 2.

Quỳnh Quỳnh

Chị Huyền bày tỏ, từ ngày có vụ "đấu khẩu" giữa các TikToker và một quán chè nổi tiếng, chị liên tục phải bỏ theo dõi hoặc nhấn không quan tâm vì có quá nhiều nội dung "ăn theo". "Các TikToker có quyền khen chê nhưng đó chỉ là cảm nhận cá nhân chứ không mang tính "quyền lực" như nhiều người vẫn nghĩ", chị Huyền nói.

Chỉ nên tin đánh giá của TikToker khoảng 50%

Sau nhiều sự việc xảy ra, ai nấy đều đồng tình rằng không nên tin 100% vào những bài đánh giá, chia sẻ của TikToker.

Review đồ ăn trở nên phổ biến là bởi dễ làm, dễ kiếm tiền. Xuất phát điểm của họ cũng chỉ là thực khách bình thường, đến quán thưởng thức và chia sẻ lại cảm nhận cho mọi người. Lâu dần, khi video được xuất hiện trên xu hướng của TikTok, nhiều người tag bạn bè vào để đi ăn vô tình biến những tài khoản đó thành một TikToker chuyên review đồ ăn. Đương nhiên khi đã nổi tiếng, độ chân thật ắt phải giảm xuống bởi họ sẽ nhận quảng cáo cho nhiều nhãn hàng, quán ăn.

Cũng vì điều này, ngày càng có nhiều bạn trẻ cảm thấy thất vọng, tốn tiền khi nghe theo các TikToker đến một địa điểm nào đó. Theo Ngọc Liên, cô bạn có thói quen trước khi đi đâu sẽ lên xem một lượt các đánh giá chia sẻ của những TikToker nổi tiếng. Thế nhưng khi đến nơi, trải nghiệm hoàn toàn khác biệt khiến Ngọc Liên vô cùng chán nản, mất niềm tin.

"Đa số những quán được nhiều bạn review thường lại không tốt như mình kì vọng. Đương nhiên nó không tệ đến mức không ăn nổi nhưng nếu để nói tin các review trên TikTok thì mĩnh nghĩ chỉ nên 50% thôi. Một kinh nghiệm của mình cho thấy, ai càng khen ngon hết lời hay những video có gắn chữ "nhất định phải thử", tốt nhất là nên né ra", Ngọc Liên nói.

Khi TikToker ảo quyền lực, người dùng có cách nào để đối phó? - Ảnh 3.

Theo Viết Lâm, không nên tin theo review của TikToker hoàn toàn mà nên đọc thêm cả bình luận của người lạ để kiểm chứng

Có những trải nghiệm không tốt tương tự, Viết Lâm cho hay: "Mình có đi ăn theo TikToker rồi, cũng nhiều khi gặp phải trường hợp không tốt, thậm chí khó hiểu vì tại sao món ăn này, quán này lại được review khen như vậy. Nhưng mình đơn giản lắm, không hợp thì không ăn nữa, vậy thôi chứ không nghĩ sẽ phản bác hay bóc phốt ai. Còn sau này có đi theo TikToker nữa hay không thì hên xui. Mình nghĩ mọi người nên đọc bình luận kiểm chứng, những người lạ họ sẽ đưa ra ý kiến khách quan hơn".

Bản thân là một người thích xem TikTok, cũng rất thích đi theo giới thiệu của những nhà sáng tạo nội dung trên MXH này nhưng chị Huyền thừa nhận, đã gặp rất nhiều trải nghiệm không tốt như review.

“Mình rất hi vọng các bạn ấy cho mình biết những địa điểm mới, tốt hơn, các quán ăn ngon,... nhưng khi trực tiếp đến thì thất vọng tràn trề. Không bàn về đồ ăn vì tùy khẩu vị nhưng có những quán, phục vụ không được 5 sao như đánh giá, mức giá không phù hợp với chất lượng. Hoặc đôi khi cũng vì review khiến nhiều địa điểm trở nên đông bất thường nên khó có được trải nghiệm tốt. Từ giờ, niềm tin mình dành cho những video đó chỉ khoảng 50% - 60% thôi", chị Huyền nói.

Khi TikToker ảo quyền lực, người dùng có cách nào để đối phó? - Ảnh 4.

Chị Huyền cũng cho hay chỉ nên tin 50% - 60% những lời giới thiệu của TikToker

Cần tỉnh táo và chắt lọc nội dung

Có không ít bình luận cho rằng, những vụ tranh cãi liên quan đến review đồ ăn rất có thể là một dạng truyền thông "bẩn". Bởi ít nhiều sức ảnh hưởng của vụ việc đều tạo dựng tên tuổi cho cả TikToker và các hàng quán, người thiệt thòi nhất chỉ là khán giả.

Viết Lâm cho rằng giả thuyết này cũng có thể xảy ra tuy nhiên điều này sẽ mang đến tác dụng ngược cho cả 2 phía: "Cái gì nhiều quá cũng không tốt. Người dùng bây giờ họ cũng có đánh giá khắt khe và chọn lọc, nếu đi theo hướng tiêu cực như vậy, nhiều người cảm thấy phiền phức, khó chịu sẽ chặn ngay. Từ trước đến nay, truyền thông "bẩn" vốn đã không phải là cách hay để quảng cáo".

"Mình cũng nghĩ vậy, nếu sử dụng truyền thông "bẩn", người dùng sớm muộn cũng sẽ tẩy chay. Mình để ý thấy những vấn đề gì nổi lên nhờ drama thường cũng kết thúc rất nhanh và không để lại ấn tượng", Quỳnh Quỳnh cũng rất phản đối với các chiêu trò truyền thông.

Có một thực tế cho rằng, dù người xem đã "cảnh giác" hơn với những đánh giá từ TikToker, thận trọng khi hóng những vụ ồn ào để không bị dắt mũi nhưng vẫn có rất nhiều người theo đuổi nghề nghiệp này. Chưa kể, các quán ăn, địa điểm nổi tiếng tiếp tục duy trì việc mời các TikToker đến quảng cáo, đặt cả vận mệnh kinh doanh vào những bài review từ họ.

Nói về điều này, các bạn trẻ đều cho rằng đó là do hiệu ứng đám đông. Bởi lẽ, MXH TikTok dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng lại thu hút lượng người xem khá lớn. Hơn nữa, những sự việc ồn ào, tranh cãi bao giờ cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn là những nội dung chỉn chu, chất lượng.

"Thời đại công nghệ số mà, người dùng TikTok cũng rất nhiều. Mình không quan tâm nhưng sẽ có đối tượng khán giả khác yêu thích. Do vậy, cũng khó tránh khỏi chiêu trò vì ít nhiều nó mang đến sức ảnh hưởng. Còn công việc này mình nghĩ cũng dễ để thực hiện, ai cũng có thể làm và nếu có duyên sẽ nổi tiếng, thu nhập tốt nên nhiều người theo đuổi. Nhưng mình mong các TikToker sẽ chia sẻ công tâm hơn, khen chê rõ ràng, đúng sự thật để người xem có thể yên tâm trải nghiệm theo", Ngọc Liên bày tỏ.

Ảnh: NVCC

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm