Tìm hiểu rối loạn thăng bằng: Nguyên nhân và cách xử trí

QN
06/11/2021 - 08:40
Tìm hiểu rối loạn thăng bằng: Nguyên nhân và cách xử trí
Rối loạn thăng bằng làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ thể. Nó có thể gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cần biết cách đối phó chính xác với rối loạn thăng bằng để giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng mà nó gây nên.

Cảm giác thăng bằng giúp con người có thể thực hiện các động tác như đi đứng, di chuyển, lái xe,... Khi có rối loạn thăng bằng, nó sẽ gây nên tình trạng chóng mặt. Hậu quả là khiến các hoạt động của con người trở nên khó khăn hơn. Hoặc thậm chí có thể gây nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ bị té ngã.

Theo Tiến sĩ David Newman-Toker đến từ Đại học Johns Hopkins, cảm giác thăng bằng có thể được xem như giác quan thứ 6 của con người. Tuy nhiên, nó thường không được nhận biết trong trạng thái bình thường mà chỉ có thể được phát hiện khi có rối loạn xảy ra.

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến rối loạn thăng bằng xảy ra. Chẳng hạn như đói và mất nước gây ra cảm giác lâng lâng, cảm giác chóng mặt do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Hay một số vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng, khối u, đột quỵ,... cũng có thể là nguyên nhân gây nên rối loạn thăng bằng.

Trong đa số trường hợp, các rối loạn thăng bằng đều có tính chất cấp tính và tạm thời. Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân có thể gây rối loạn thăng bằng kéo dài. Vì thế, điều quan trọng là phải biết được khi nào cần quan tâm đến tình trạng này.

Tiến sĩ Michael Hoa là một Chuyên gia về Tai-mũi-họng cho biết, tất cả các dấu hiệu bất thường của cơ thể đều cần được chú ý. Khi các triệu chứng có mức độ nặng và diễn ra kéo dài, đó là dấu hiệu cho thấy nên tiến hành kiểm tra.

Tìm hiểu rối loạn thăng bằng: nguyên nhân và cách xử trí - Ảnh 1.

Rối loạn thăng bằng có thể dự báo một tình trạng y tế nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Xác định điều gì đang xảy ra

Tiến sĩ Michael Hoa giải thích, hệ thống thăng bằng của cơ thể được tạo nên chủ yếu từ các bộ phận nằm trong tai. Ngoài ra, các cơ quan như mắt, cơ, khớp, cột sống,... cũng tham gia vào hệ thống này. Mối liên hệ giữa các bộ phận trên với não bộ tạo nên cảm giác về vị trí của cơ thể.

Sự thay đổi bất thưởng ở bất kỳ bộ phận nào của hệ thống đều có thể gây nên rối loạn thăng bằng. Điều này khiến việc chẩn đoán rối loạn thăng bằng trở nên khó khăn hơn. Đôi lúc có thể gây cản trở cho việc phân biệt giữa các loại rối loạn thăng bằng khác nhau.

Trong một số trường hợp, rối loạn thăng bằng xuất hiện là dấu hiệu báo động cho một tình trạng y tế khẩn cấp. Chẳng hạn có thể kể đến như là đột quỵ. Do đó, phát hiện và kiểm tra sớm các triệu chứng của rối loạn thăng bằng là điều rất quan trọng.

Tiến sĩ Newman-Toker nhận xét "Điều quan trọng nhất mà bạn phải làm là nói với bác sĩ về thời gian xuất hiện và những yếu tố ảnh hưởng đến các triệu chứng. Những thông tin này sẽ giúp xác định nguyên nhân nào gây ra rối loạn thăng bằng".

Những nguyên nhân gây rối loạn thăng bằng thường gặp

Việc xác định nguyên nhân của rối loạn thăng bằng không phải là vấn đề đơn giản, nó rất phức tạp. Bởi rối loạn thăng bằng do các nguyên nhân khác nhau có thể có biểu hiện tương tự nhau.

Nguyên nhân gây chóng mặt thường gặp nhất trên thực tế là tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Khi các tinh thể sỏi thính giác bị bật ra khỏi vị trí sẽ gây ra chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Tình trạng này thường xuất hiện trong thời gian ngắn, có thể trong chưa đến 1 phút. Nhưng biểu hiện chóng mặt do nó gây ra thì lại có mức độ dữ dội.

Nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn thăng bằng. Khi tai bị nhiễm trùng, nó có thể khiến bạn bị chóng mặt. Các trường hợp như vậy được gọi là viêm mê đạo tai. Bên cạnh đó, nhiễm trùng cũng có thể tác động lên cả các dây thần kinh tiền đình và gây viêm. Từ đó làm ảnh hưởng đến sự truyền tải cảm giác thăng bằng về não.

Tìm hiểu rối loạn thăng bằng: nguyên nhân và cách xử trí - Ảnh 2.

Viêm mê đạo tai là một trong các nguyên nhân gây rối loạn thăng bằng (Ảnh: Internet)

Ít gặp hơn, một số trường hợp có thể gặp đau nửa đầu do bệnh Mienere. Căn bệnh này có thể gây ra tình trạng chóng mặt, nghe kém, hoặc cảm giác ù tai. Nguyên nhân cụ thể gây ra căn bệnh này là gì vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, người ta thấy rằng có sự ứ dịch trong tai ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh.

Để xác định nguyên nhân gây rối loạn thăng bằng, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm khác nhau. Chẳng hạn như kiểm tra thính giác, xét nghiệm máu, vận động nhãn cầu,... Trong trường hợp nghi ngờ có đột quỵ, bệnh nhân sẽ được thực hiện chụp MRI.

Theo Tiến sĩ Newman-Toker, ông và các cộng sự của mình đang thử nghiệm thiết bị kính đo vận động nhãn cầu tự động. Họ hy vọng rằng thiết bị này có thể giúp ích cho các bác sĩ cấp cứu khi chẩn đoán cho người bệnh.

Các triệu chứng ở một số loại rối loạn thăng bằng do các nguyên nhân khác nhau có thể biểu hiện tương tự nhau. Điều này gây khó khăn cho việc đưa ra chẩn đoán và phương án điều trị thích hợp ngay từ lần đầu tiên tiếp cận bệnh nhân. Vì thế, một số bệnh nhân cần phải thay đổi phương pháp điều trị hoặc đến gặp một bác sĩ khác để cải thiện tình trạng của bản thân.

Nên làm gì để đối phó với rối loạn thăng bằng?

Các rối loạn thăng bằng do những nguyên nhân khác nhau cần được đối phó theo những cách khác nhau. Một số loại rối loạn thăng bằng có thể được điều trị tương đối dễ dàng, nhưng một số khác thì việc điều trị lại rất khó khăn.

Chẳng hạn như với các bệnh nhân bị rối loạn thăng bằng do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động đầu. Những bài tập này giúp các tinh thể sỏi thính giác bị văng ra sẽ được đưa lại về đúng vị trí của chúng.

Nhưng nếu bệnh nhân bị rối loạn thăng bằng do bệnh Meniere, vấn đề điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Những thành viên thuộc nhóm của Tiến sĩ Michael Hoa vẫn đang cố gắng xác định điều gì là nguyên nhân gây ra bệnh Meniere. Họ cho rằng, bệnh Meniere có thể là một hội chứng do nhiều tình trạng khác nhau gây ra. Do đó, tìm kiếm sự khác biệt giữa các bệnh nhân là cơ sở để cá nhân hóa điều trị.

Còn Tiến sĩ Anat Lubetzky đến từ Đại học New York cho rằng, đa phần các loại thuốc điều trị rối loạn thăng bằng hiện nay đều chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Vì thế, điều quan trọng trong lâu dài là phải hướng dẫn người bệnh cách tái lập cảm giác thăng bằng. Đó có thể là cách để đối phó với cơn chóng mặt, luyện tập thể chất và các biện pháp phòng tránh té ngã,...

Tiến sĩ Lubetzky nói rằng, "Rối loạn thăng bằng khiến một số người bệnh như mắc vào một vòng luẩn quẩn. Sợ bị té ngã khiến họ hạn chế vận động. Nhưng hạn chế vận động lại làm tăng các vấn đề về cơ xương, từ đó lại càng làm họ dễ bị té ngã hơn. Vì vậy, các bệnh nhân cần phải được giúp đỡ để lấy lại sự tự tin."

Điều này đã khiến Tiến sĩ Lubetzky tìm hiểu cách ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong điều trị rối loạn thăng bằng. Các hình ảnh như ga tàu, tàu điện ngầm,... sẽ tạo nên các môi trường đông người ảo cho các bệnh nhân tập luyện. Từ đó hỗ trợ cho các bệnh nhân gặp rắc rối với những môi trường có nhiều hình ảnh và âm thanh.

Khi người bệnh đã tạo lập được kỹ năng để thích ứng với các môi trường, mức độ ồn ào và và âm thanh của các cảnh này sẽ được điều chỉnh tăng lên. Điều này giúp các bệnh nhân có thể luyện tập mà không cần dời khỏi môi trường an toàn, hạn chế các tai nạn có thể xảy ra.

Tìm hiểu rối loạn thăng bằng: nguyên nhân và cách xử trí - Ảnh 3.

Các công nghệ mới đang được nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị rối loạn thăng bằng (Ảnh: Internet)

Mặc dù hiện nay có khá nhiều phương pháp đang được ứng dụng trong điều trị rối loạn thăng bằng như dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng,... Nhưng không phải khi nào cũng có thể chọn lựa được phương pháp phù hợp ngay lập tức. Đôi lúc, bệnh nhân sẽ cần phải được thay đổi phương pháp điều trị nhiều lần trước khi lựa chọn được phương pháp phù hợp.

Theo Tiến sĩ Newman-Toker, trong trường hợp các phương pháp điều trị không mang lại hiệu quả như mong muốn, cần phải xem xét lại chẩn đoán. Rất có thể đó là một chẩn đoán không chính xác. Khi này, bệnh nhân cần phải được thăm khám lại hoặc thực hiện các thăm khám chuyên sâu hơn.

Đồng thời, các bệnh nhân cũng cần phải kiên trì thực hiện điều trị để lấy lại được sự tự tin của mình. Trong lúc này, người bệnh có thể tìm kiếm các cách đơn giản khác nhau để phòng tránh các nguy cơ do rối loạn thăng bằng gây nên, chẳng hạn như té ngã,...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm