pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm hiểu vai trò của thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp
- 1. Vì sao sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp?
- 2. Chỉ định sử dụng thuốc chẹn Beta trong điều trị tăng huyết áp
- 3. Chống chỉ định sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp
- 4. Các thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp thường sử dụng hiện nay
- 5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp
Từ lâu, các loại thuốc thuộc nhóm chẹn Beta giao cảm đã được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp và là một trong các nhóm thuốc hạ huyết áp được sử dụng tương đối phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, phần đông người bệnh vẫn chưa có cái nhìn thật sự đầy đủ về vai trò và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp.
1. Vì sao sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp?
Để hiểu rõ hơn về tác dụng hạ huyết áp của thuốc chẹn Beta, trước tiên ta cần làm rõ cơ chế tác dụng của thuốc trên các cơ quan tham gia trực tiếp, quyết định chỉ số huyết áp của người bệnh.
Trên cơ thể của chúng ta tồn tại hai loại thụ thể Beta giao cảm là thụ thể Beta 1 và thụ thể Beta 2. Trong đó, thụ thể Beta 1 có ở tim, thận, mắt còn thụ thể Beta 2 có chủ yếu ở mạch máu, phổi, đường tiêu hóa và cơ vân. Khi các thụ thể này được hoạt hóa bởi các chất dẫn truyền thần kinh, sẽ gây nên các đáp ứng như tăng co bóp cơ tim, tăng tần số tim, tăng co mạch máu,... dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp.
Thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp tác động vào các thụ thể Beta, khiến chúng không đáp ứng với các chất dẫn truyền trung gian và giảm sự ảnh hưởng của chúng lên tim, mạch máu nên làm hạ huyết áp cho người bệnh.
Hiện nay, người ta phân loại thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp thành ba nhóm bao gồm nhóm có tác dụng không chọn lọc (ức chế hoàn toàn cả hai nhóm thụ thể Beta 1 và Beta 2), nhóm có tác dụng ức chế chọn lọc trên Beta 1 và nhóm có tác dụng dãn lọc (ức chế không hoàn toàn thụ thể Beta 1).
2. Chỉ định sử dụng thuốc chẹn Beta trong điều trị tăng huyết áp
Ngày nay, do hiệu quả hạ huyết áp kém, có nhiều tác dụng phụ thể hiện trong quá trình sử dụng, ít có các bằng chứng cho thấy sự có lợi đối với giảm nguy cơ tim mạch và bệnh tật ở bệnh nhân tăng huyết áp, cũng như ngày càng có nhiều loại thuốc hạ huyết áp an toàn và thân thiện hơn với bệnh nhân được ra đời,...
Do đó, hiện nay chỉ định của thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp bị thu hẹp tương đối, nó chỉ thường được dùng cho các trường hợp có chỉ định cụ thể, chẳng hạn như:
- Tăng huyết áp trên bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành
- Tăng huyết áp kèm theo suy tim
- Tăng huyết áp ở bệnh nhân rối loạn nhịp tim loại nhịp nhanh
- Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai (sản giật, tiền sản giật)
- Bệnh nhân tăng huyết áp có kèm tăng nhãn áp
3. Chống chỉ định sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp
Khi sử dụng thuốc chẹn Beta, dưới tác dụng của thuốc lên các thụ thể có thể làm tăng nặng thêm một số tình trạng bệnh lý, dẫn đến nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì vậy, cần thận trọng ghi nhớ các trường hợp bị chống chỉ định sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Các trường hợp bệnh nhân bị chống chỉ định tuyệt đối với thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Người có nhịp tim chậm dưới 50 lần/phút
- Bệnh nhân bị block nhĩ-thất độ 2, độ 3
- Bệnh nhân bị hen suyễn nặng, đang trong cơn hen cấp với lâm sàng chưa ổn định.
- Bệnh nhân bị bệnh mạch máu ngoại vi hoặc hội chứng Raynaud đang tiến triển.
Ngoài ra, trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể được cho sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp nhưng phải thật thận trọng, chẳng hạn như đau thắt ngực Prinzmetal, cơn hen suyễn nhẹ hoặc đã được điều trị và tình trạng bệnh nhân ổn định, đợt cấp suy tim, huyết áp thấp, nhịp tim dưới 60 lần/phút,...
4. Các thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp thường sử dụng hiện nay
Hiện nay, có khá nhiều các chế phẩm thuốc chẹn Beta khác nhau đang được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, các loại thuốc chẹn Beta hay được sử dụng để làm thuốc điều trị tăng huyết áp trên thực tế có thể kể đến:
- Bisoprolon: Khởi đầu với liều 2,5-5mg, sau đó có thể tăng dần lên liều 2,5-10mg/ ngày. Người bệnh dùng thuốc một lần mỗi ngày.
- Metoprolon: Khởi đầu với liều 25mg, sau đó thể tăng dần liều đến 50-100mg/ngày. Dùng thuốc 1-2 lần mỗi ngày.
- Carvedilon: Khởi đầu với liều 6,25mg, sau đó có thể tăng liều lên 12,5-50mg/ngày. DÙng thuốc 2 lần mỗi ngày.
5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp
Khi sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp, người bệnh nên nắm được một số các tác dụng phụ của thuốc để có thể phát hiện và xử trí kịp thời nếu chúng có xảy ra.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp:
- Nhịp tim chậm: Nhịp tim chậm quá mức là một trong các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp. Chính vì thế khi sử dụng thuốc cần phải theo dõi chặt chẽ nhịp tim của người bệnh để phát hiện nhịp tim chậm. Thận trọng nếu nhịp tim giảm xuống dưới 60 lần/phút.
- Hạ huyết áp quá mức: Hạ huyết áp quá mức khi sử dụng thuốc chẹn Beta có thể khiến tuần hoàn cung cấp cho các hệ cơ quan không đảm bảo. Vì vậy gây nên các triệu chứng của tình trạng hạ huyết áp như chóng mặt, mệt mỏi, bàn chân, bàn tay lạnh,...
- Rối loạn cương dương: Tác động của thuốc chẹn Beta lên cơ chế co thắt mạch máu có thể làm cho bệnh nhân nam bị rối loạn cương dương khi sử dụng thuốc.
Có thể bạn chưa biết Mối quan hệ giữa đời sống tình dục và cao huyết áp.
- Khó thở: Thuốc chẹn Beta có thể gây co thắt phế quản, do đó nó có thể gây khó thở, hoặc thậm chí là đợt cấp của các bệnh lý như hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Tăng nguy cơ sản giật: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, sử dụng thuốc chẹn Beta trên bệnh nhân đang mang thai làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật, sản giật,...
- Trầm cảm: Sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp có thể gây các tác dụng phụ về sức khỏe tâm thần cho người bệnh, hay gặp nhất là nguy cơ trầm cảm khi sử dụng thuốc.
Trên đây là một số giới thiệu cơ bản về vấn đề sử dụng thuốc chẹn Beta điều trị tăng huyết áp mà bệnh nhân cần nắm rõ. Để đảm bảo an toàn trong điều trị, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ và hãy phản hồi ngay nếu có bất kỳ tình trạng bất thường nào xảy ra trong quá trình điều trị.