Tìm nguyên nhân để thay đổi một đứa trẻ lười biếng

N.M
19/10/2020 - 19:54
Tìm nguyên nhân để thay đổi một đứa trẻ lười biếng

Trẻ lười biếng có nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa internet

Nhiều bố mẹ cảm thấy bất lực, không biết làm thế nào để con hết lười biếng. Lười biếng ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Nếu bố mẹ không hiểu rõ nguyên nhân khiến con mình lười biếng thì không thể “chữa” được “căn bệnh” không muốn cố gắng, chăm chỉ ở con.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hậu, tác giả cuốn sách Đồng hành du học cùng con, để thay đổi một đứa trẻ lười biếng, cha mẹ cần đi tìm nguyên nhân. Không phải lười biếng ở những đứa trẻ đều cùng có một nguyên nhân, mà chúng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân khiến trẻ lười biếng.

Thứ nhất, trẻ lười biếng là "cuộc chiến" dai dẳng giữa bố mẹ và con, như sự bất đồng.  Ví dụ,  bố mẹ bảo con làm cái này nhưng con làm cái khác để chống đối bố mẹ. Bố mẹ nói gì con cũng không làm. Bố mẹ la mắng, chì chiết, đánh đòn nhưng chúng vẫn phớt lờ. Chủ ý của chúng là làm cho bố mẹ tức giận. Do đó, để tránh tình trạng lười biếng, cha mẹ không nên ra lệnh mà cho con nhiều sự lựa chọn. Ví dụ cho con 2-3 lựa chọn, con không làm cái này thì phải làm cái khác. Nếu con chọn thì con phải làm.

Một lý do khiến trẻ lười biếng là chúng không muốn bị đánh giá thấp, không muốn bị chê cười khiến chúng mất tự tin. Chúng không làm vì nếu làm sẽ mang đến kết quả xấu, sẽ rất tệ. Chúng nghĩ, đằng nào cũng bị la mắng, chê trách thì thà không làm còn hơn. Khi đó, chúng nói là không phải con không làm được mà con không muốn làm. Cha mẹ cần giúp trẻ nhận ra nỗ lực quan trọng hơn kết quả và khi thất bại sau một chuỗi nỗ lực thì vẫn tốt hơn là không làm gì hết. Không có thất bại thì không thành công bởi chỉ có thất bại nhiều lần mới dẫn đến thành công. Mỗi thất bại, mỗi sai lầm là cơ hội để trẻ học hỏi vươn lên.

Tìm nguyên nhân để thay đổi một đứa trẻ lười biếng - Ảnh 1.

Trẻ lười biếng có thể do ảnh hưởng từ bố mẹ hoặc bạn bè. Ảnh minh họa internet

Trẻ có thể lười vì trẻ không được coi trọng. Khi trẻ không được coi trọng thì chúng mất động lực làm việc và bố mẹ càng bày tỏ sư thất vọng thì trẻ càng lười biếng. Nếu cha mẹ muốn con làm gì chăm chỉ thì cần kết nối với con những vấn đề mà con quan tâm, những thú vui, sở thích của con, những khả năng mà con có thể phát huy được. Khi kết nối với những thứ con thích thì cần thảo luận với con làm thế nào, muốn thích được lâu dài thì phải bền bỉ làm việc, luôn bày tỏ sự thực tâm quan tâm sở thích của con để con chia sẻ.

Lý do trẻ lười còn do ảnh hưởng từ bố mẹ hoặc bạn bè. Ví dụ, chính bố mẹ lười nhưng bắt con chăm thì con không có tấm gương nào theo nên con ỉ lại và lười. Con thấy xung quanh môi trường của con toàn đứa lười thì con nghĩ mình không việc gì phải chăm cho vất vả.  Chính vì thế, muốn con không lười, cha mẹ phải làm gương, cha mẹ không được lười biếng. Cha mẹ làm thế nào để con sống trong môi trường tích cực, bạn bè xung quanh con chăm chỉ, chịu khó và không chống đối chuyện làm việc.

Lý do khiến trẻ lười biếng còn do trẻ muốn thu hút sự quan tâm, chú ý của bố mẹ. Bởi vì, hàng ngày có thể bố mẹ, anh em, thầy cô đã phớt lờ và đánh giá thấp trẻ, thế nên, trẻ cảm thấy không được tin tưởng nên trẻ không làm. Nếu bố mẹ quan tâm, chú ý, bày tỏ sự quan tâm đến con hơn, đồng hành, bàn bạc, hỗ trợ con trong suốt quá trình con làm công việc gì đó thì từ đó trẻ sẽ coi làm việc là bình thường, trẻ không lười biếng nữa vì nhu cầu của con đã được chú ý rồi.

Nguyên nhân trẻ lười biếng còn do trẻ ỉ lại vào bố mẹ và người thân. Nếu bố mẹ tiếp tục làm hộ con thì mãi mãi con trở thành đứa trẻ lười biếng. Dù con không làm được, dù công việc đó rất khó khăn nhưng bố mẹ vẫn phải cho con làm, không được phép sốt ruột thì lúc đó con mới biết làm.

Điều khiến trẻ lười biếng nhất là nỗi sợ sự thất bại, từ đó con chần chừ vì đi với sự cầu toàn, con muốn làm mọi việc chỉn chu khiến bố mẹ hài lòng. Nhiều trẻ nghĩ như vậy và chúng không làm được thì chúng nghĩ đằng nào cũng thất bại nên không làm cho khỏe, từ đó sinh ra lười biếng

Biết nguyên nhân con sợ thất bại, bố mẹ sẽ biết cách động viên, khích lệ con làm việc, nói với con thất bại là bình thường, con cần học cách thất bại vì vượt qua học cách thất bại thì mới thành công

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm