pnvnonline@phunuvietnam.vn
Time anxiety: Cần làm gì khi luôn lo sợ thời gian không bao giờ là đủ và sắp hết?
Bạn có bao giờ cảm thấy rằng thời gian trôi qua rất nhanh và khiến bạn cảm thấy quá muộn để bắt đầu một điều gì đó cho riêng mình? Hay bạn có bao giờ cảm thấy bản thân đã quá già để học lái xe hay bắt đầu học một ngôn ngữ mới? Bạn có đang cảm thấy lo sợ rằng thời gian trôi quá nhanh mà bạn lại chưa có gì trong tay, hay luôn nhìn về cuộc đời mình như thời gian của chiếc đồng hồ cát? Nếu vậy có thể bạn đang mắc chứng lo âu về thời gian (Time Anxiety).
Time Anxiety là gì?
Lo âu về thời gian có nghĩa là bạn luôn có cảm giác khó chịu, bồn chồn và sợ hãi liên tục khi thời gian trôi qua. Bạn luôn cảm giác rằng bạn đang lãng phí thời gian của mình và lo lắng tăng dần theo thời gian khi bạn nghĩ rằng bạn đã quá muộn để hoàn thành mục tiêu của mình.
Ngoài ra, lo âu về thời gian là khi bạn bị ám ảnh về cách bạn sử dụng thời gian của mình và sợ rằng bạn không đang thực hiện các hoạt động có ý nghĩa. Trong một số trường hợp, những người mắc chứng lo âu về thời gian có xu hướng trì hoãn các nhiệm vụ quan trọng.
Theo nhà thần kinh học Anne-Laure Le Cunff, time anxiety có thể chia làm 3 loại:
- Lo lắng về thời gian hiện tại: Cảm giác vội vã, căng thẳng và choáng ngợp với những công việc trong ngày. Bạn thường cảm thấy không có đủ thời gian để làm việc cho một ngày và ước gì thời gian dài hơn 24h!
- Lo lắng về thời gian tương lai: Loại lo lắng này tập trung vào ngày mai. Bất cứ khi nào bạn nghĩ về những gì có thể xảy ra trong tương lai, bạn sẽ cảm thấy lo lắng về thời gian. Bạn thường tự hỏi nhỡ đâu mình thất bại hay lỡ có chuyện gì xấu xảy ra thì sao. Nỗi lo lắng này có liên quan đến những gì bạn đã làm từ trước cho đến nay, rằng những gì bạn đã làm trong quá khứ có đủ cho tương lai không hay bạn có thể cảm thấy tội lỗi về những gì lẽ ra bạn nên làm nhưng lại không làm.
- Lo lắng về thời gian hiện sinh: Chúng ta trải qua loại lo lắng này bởi vì chúng ta tồn tại. Vì vậy, đôi khi chúng ta cảm thấy như thời gian đang trôi đi. Lo lắng hiện sinh đôi khi có thể tạo ra cảm giác hoảng sợ khi chúng ta nghĩ về thời gian có hạn của mình trên Trái đất.
Các triệu chứng lo âu về thời gian
- Lo lắng về việc bị trễ giờ làm, các cuộc họp hoặc các sự kiện khác.
- Bị căng thẳng bởi thời hạn hoàn thành các đầu việc khi chúng đến gần, hoặc thậm chí khi chúng vẫn còn ở rất xa.
- Bị mắc kẹt và không thể quyết định về việc nên làm gì tiếp theo
- Thường xuyên vội vã vì bạn cảm thấy mình làm chưa đủ hoặc làm chưa đủ nhanh.
- Cảm giác thất bại vì bạn đang tụt lại phía sau hoặc lo lắng rằng bạn sẽ bị tụt lại phía sau.
- Không nghỉ giải lao hoặc nghỉ phép vì bạn cảm thấy mình không đủ khả năng hoặc không xứng đáng.
- Phát triển chứng sợ thời gian - một nỗi sợ hãi phi lý, cực độ về thời gian trôi qua hoặc cạn kiệt.
- Cảm thấy khó chịu và lo sợ khi không hoàn thành những việc mình muốn.
- Lo lắng rằng mình không có một cuộc sống thành công vì chưa hoàn thành một số cột mốc mà xã hội mong đợi như thăng tiến trong sự nghiệp, lập gia đình hay có con cái…
- Luôn nhìn vào đồng hồ và bị ám ảnh với mỗi giây mỗi phút trôi qua.
Làm thế nào để đối phó với sự lo âu thời gian?
Đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn vượt qua được sự lo âu về thời gian.
1. Thừa nhận mối quan hệ của bạn với thời gian
Để bắt đầu, bạn cần chấp nhận rằng thời gian có tồn tại, bạn không thể ngừng thời gian hay làm cho thời gian trôi chậm lại và tất cả những gì bạn có quyền kiểm soát là những gì bạn làm trong tương lai. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thừa nhận tác động của thời gian đối với cuộc sống của bạn là cách hiệu quả để dập tắt lo lắng và bắt đầu tiến về phía trước.
2. Luôn tự hỏi bản thân về cách sử dụng thời gian tốt nhất cho mình
Sự lo âu về thời gian xuất phát từ cảm giác bạn không sử dụng thời gian của mình theo cách tốt nhất. Vậy nên hãy bắt đầu tự hỏi bản thân mỗi ngày rằng một ngày tốt lành của bạn là như thế nào? Và hãy áp dụng "thời gian hiệu quả" với tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của bạn như:
Công việc: Loại nhiệm vụ nào khiến bạn cảm thấy thoải mái khi hoàn thành?
Gia đình và bạn bè: Bạn thích dành thời gian với ai?
Sở thích và thời gian rảnh rỗi: Hoạt động thú vị nhất của bạn là gì?
Sau khi có câu trả lời, bạn sẽ có ý tưởng rõ ràng về các hoạt động và nhiệm vụ mà mình yêu thích, cũng như dành thời gian cho những người mà bạn yêu quý nhất. Bằng cách này, bạn cũng có thể kết nối các mục tiêu của mình với các hoạt động hoặc nhiệm vụ cụ thể có thể đưa bạn đến gần mục tiêu hơn.
3. Dành thời gian cho những điều quan trọng
Lo lắng về thời gian sẽ khiến bạn tê liệt. Nhưng điều tồi tệ hơn là bạn ngồi ì ra và chờ động lực để sử dụng thời gian của mình theo cách tốt hơn.
Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng, động cơ không đi trước hành động mà hành động đi trước động cơ. Điều đó có nghĩa là, để cảm thấy có động lực và hạnh phúc, bạn cần phải hành động.
Hãy xem xét các hoạt động mà bạn cần làm trong một ngày và quyết định xem chúng có thực sự phù hợp và quan trọng với bạn hay không. Suy nghĩ về một ngày của bạn cũng có thể loại bỏ những công việc gây lãng phí thời gian và phiền nhiễu.
Khi bạn đồng ý với nguồn thời gian hạn chế của mình và những gì thực sự quan trọng, việc tắt TV, điện thoại, đăng xuất khỏi mạng xã hội và làm những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái sẽ dễ dàng hơn.
4. Xác định giá trị của bản thân
Lo lắng về thời gian xảy ra khi chúng ta bị cuốn vào thời gian và nhiệm vụ đến mức quên mất bản thân, giá trị và tầm nhìn. Hãy chuyển sự tập trung của bạn vào những điều này, xác định giá trị của bản thân, những thứ bạn thực sự mong muốn đạt được.
Hệ tư tưởng và những giá trị mà bạn mong muốn không nhất thiết phải giống với người khác. Bạn cần hiểu rằng mỗi người có một cuộc đời riêng, và mỗi cột mốc mà chúng ta hướng đến trong cuộc đời cũng không hề giống nhau.
5. Cải thiện kỹ năng quản lý thời gian
Khi lo lắng, bạn có thể coi thời gian chính là kẻ thù tồi tệ nhất của mình. Vì vậy, để làm hòa với thời gian, hãy học cách quản lý thời gian tốt hơn bằng những mẹo như: Phân loại công việc theo thứ tự ưu tiên, gộp các đầu việc mà bạn có thể làm cùng một lúc và dành một khoảng thời gian để hoàn thành, học cách cân bằng cuộc sống và đặt ra ưu tiên cho từng giai đoạn cuộc sống với các khía cạnh gia đình, bạn bè, sức khỏe, công việc và tình yêu.