pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tình em" - dìu dặt thanh âm của tình yêu trong thời chiến

Trọng Tấn là một trong số những ca sĩ thể hiện thành công ca khúc "Tình em"
Phần ca từ của ca khúc được trích từ một phần bài thơ cùng tên của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn được sáng tác những năm tháng tác giả đang là người lính chiến đấu ở chiến khu V và Tây Nguyên thời chống Mỹ.
Xuất phát từ tình cảm riêng tư, nỗi nhớ nhung người vợ mới cưới chưa được bao lâu đã phải chia xa, "Tình em" đã trở thành khúc tự sự cho bao mối tình trong thử thách thời chiến.
Cố nhạc sĩ Huy Du đã chọn được một giai điệu sâu lắng, trữ tình để chuyển tải trọn vẹn tiếng lòng, nỗi nhớ nhung thấm vào từng lời thơ như những dòng nhật ký cảm xúc trên đoạn đường hành quân của người chiến sĩ.
"Khi chiếc lá xa cành/Lá không còn màu xanh/Mà sao em xa anh/Đời vẫn xanh rời rợi…" - Lời thơ, câu hát đặt thực thể tự nhiên và cảm xúc con người bên cạnh nhau để tôn lên sự thủy chung, bất diệt của tình yêu.
Thiên nhiên dù rực rỡ, tươi đẹp đến mấy rồi cũng đến lúc lụi tàn, chỉ có tình yêu, qua gian khó, chia ly mà vẫn vẹn toàn mới là mối tình đích thực, khắc cốt ghi tâm. Và cũng chính thử thách không gian, thời gian càng luyện nên ánh sáng lấp lánh, thứ vàng ròng quý giá thắp lên trong trái tim con người niềm tin và sự sắt son chung thủy, như nhất một lòng.
Đặt một câu hỏi tu từ để rồi chính tác giả qua câu chuyện của mình, qua suy ngẫm về lý lẽ trái tim lại là người đưa ra câu trả lời: "Có gì đâu em ơi/Tình yêu là sự sống/Nên nắng hửng trong lòng/Mạch đời căng máu nóng…".
Tình yêu của người lính và hậu phương một thời là vậy. Họ yêu và tin, trong sáng, chân thành và mãnh liệt dẫu trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn, biền biệt tin tức và lắm khi chẳng còn tia hi vọng nào cho sự trở về.
Bầu nhiệt huyết với Tổ quốc, với tình yêu là nguồn dưỡng khí trong lành để bao con người thời ấy đã ra đi, trở về, đã chia xa rồi đón đợi trong phập phồng bao tâm sự nỗi niềm.
Bao đời nay, con người luôn băn khoăn đi tìm câu hỏi: Tình yêu thực sự là gì? Một phần câu trả lời đã được lý giải một cách giản dị mà thấm thía trong ca khúc "Tình em". Đó chính là sự hiện diện.
Dẫu khoảng cách có là bao xa, và không gian xung quanh mỗi người khắc nghiệt ra sao, chỉ cần trong chuyển động cuộc sống hàng ngày của mỗi người đều có suy nghĩ và liên tưởng, coi "nửa kia" là động lực, là bóng hình trong những điều thân thuộc vây quanh.
Đó chính là tình yêu, là nỗi nhớ đã tượng hình: "Anh đi xa bao núi/Tình em như khe suối/Lưu luyến và nhớ thương/Chảy theo anh khắp rừng/Anh đi xa càng xa/Tình em như cỏ hoa/Âu yếm và thiết tha/Theo anh dài nương rẫy…".
Ca khúc kết thúc với một câu điệp khúc và câu kết mở ra nỗi nhớ mênh mang: "Anh đi xa bao núi/ Tình em như khe suối/Anh đi biệt tháng ngày/ Tình em như sông dài…". Chiến tranh đã qua đi, trên bao nẻo đường gần xa vẫn còn những người yêu nhau nhưng phải xa cách, chia lìa.
Dẫu hẹn ngày tương phùng hay mãi mãi không thể cùng nhau suốt kiếp, vẫn còn đó những cảm xúc đã trở thành kỷ niệm gói ghém những tháng năm tươi đẹp đã qua.