Tinh gọn bộ máy: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai đảm bảo hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân

Thu Hằng - Quốc Dũng - Sỹ Tuyên
23/04/2025 - 21:34
Tinh gọn bộ máy: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai đảm bảo hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân

Cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu, thành phố Thái Nguyên tạo "điểm nhấn" đặc biệt trong phát triển không gian đô thị. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Các địa phương Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai đang tích cực nghiên cứu, xem xét, lấy ý kiến người dân để triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các địa phương Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai đang tích cực nghiên cứu, xem xét, lấy ý kiến người dân để triển khai thực hiện.

Diện tích của Thái Nguyên tăng gấp 2,4 lần sau khi sáp nhập

Ngày 23/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 28. Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và thống nhất biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp, sáp nhập 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên.

Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên sẽ có diện tích trên 8.300km2 (gấp 2,4 lần so với diện tích hiện tại), dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm hơn 365 nghìn người), kết hợp được thế mạnh công nghiệp-đô thị-giáo dục, đào tạo-tiềm lực kinh tế sẵn có của tỉnh Thái Nguyên và tiềm năng tài nguyên sinh thái, lâm nghiệp, du lịch, khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn.

Với diện tích và dân số lớn hơn, không gian phát triển mở rộng, lực lượng lao động nhiều hơn, hạ tầng kết nối đồng bộ và bộ máy tinh gọn, hiệu lực hơn, phát huy được lợi thế tốt hơn của từng địa phương, tỉnh Thái Nguyên sau khi sáp nhập sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn về mọi mặt, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân trong toàn tỉnh.

Đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, các đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 172 xã, phường, thị trấn xuống còn 55 xã, phường, (giảm 68,02%) so với hiện nay.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ bỏ cấp hành chính trung gian, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Giúp chính quyền địa phương 2 cấp được quản trị hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn, khẳng định, việc thực hiện chủ trương sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên là vấn đề lớn, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ bỏ cấp trung gian, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển đồng bộ ở các lĩnh vực; giúp chính quyền địa phương 2 cấp được quản trị hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh.

Đà Nẵng tiếp tục điều chỉnh giảm còn 16 đơn vị hành chính cấp xã

Sáng 23/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vừa tổ chức Hội nghị và thống nhất điều chỉnh số lượng là 16 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Theo đó, Đà Nẵng hiện nay sẽ sắp xếp còn 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan báo chí, truyền thông khẩn trương tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương của thành phố.

Tinh gọn bộ máy: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai đảm bảo hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân- Ảnh 1.

Ngọn Hải đăng trên đỉnh đảo Sơn Chà, Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Phương án mới sẽ điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên (8,40 km2) và một phần quy mô dân số (1.342 người) của xã Hòa Liên (thuộc huyện Hòa Vang hiện nay) để nhập vào xã Hòa Bắc (thuộc huyện Hòa Vang hiện nay).

Đà Nẵng dự kiến thành lập các đơn vị hành chính mới gồm: Các phường Hải Châu, Hòa Cường, Thanh Khê, An Khê, Sơn Trà, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hải Vân, Cẩm Lệ, Hòa Xuân; các xã Hòa Vang, Hòa Tiến, Bà Nà. Đà Nẵng sẽ hình thành đặc khu Hoàng Sa trên cơ sở nguyên trạng huyện đảo Hoàng Sa hiện nay.

Trước đó, ngày 22/4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (khóa XXII) đã có nghị quyết thống nhất số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 19 đơn vị.

Tuy nhiên để đảm bảo số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo yêu cầu, sáng 23/4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tiếp tục họp và thống nhất phương án sắp xếp thành 16 đơn vị.

Đồng Nai dự kiến còn 55 xã, phường, giữ tên địa danh 11 huyện, thành phố

Tỉnh Đồng Nai đang tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó đưa ra phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 159 xã còn 55 xã.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp huyện trên cơ sở Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025 và Đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, đăng tải tài liệu trên cổng thông tin điện tử của huyện, chỉ đạo tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.

Tinh gọn bộ máy: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai đảm bảo hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân- Ảnh 2.

Khu đô thị Hiệp Hòa nằm ở vị trí trung tâm thành phố Biên Hòa, bốn bên tiếp giáp với sông Đồng Nai và sông Cái. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến cử tri và tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân cấp huyện, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh hoàn thành trước ngày 24/4. Do yêu cầu về thời gian phải hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Bộ Nội vụ hồ sơ, đề án trước ngày 1/5/2025, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, Đồng Nai giảm từ 159 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành 55 đơn vị hành chính cấp xã, giảm hơn 65% số xã, phường. Trong đó tên gọi của 2 thành phố và 9 huyện đều được giữ lại để đặt tên cho các phường, xã mới.

Thành phố Biên Hòa, dự kiến sáp nhập bốn phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa và Tân Vạn thành một phường, tên mới là phường Biên Hòa.Ngoài ra, tên gọi “Trấn Biên” dự kiến dùng để đặt tên cho phường mới sau khi sáp nhập các phường Bửu Long, Quang Vinh, Trung Dũng, Thống Nhất, Hiệp Hòa, An Bình.

Thành phố Long Khánh và các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và huyện Long Thành, dự kiến giữ lại tên huyện để đặt cho một phường, xã của thành phố, huyện đó.

Sau sáp nhập, phường có dân số lớn nhất Đồng Nai là Trấn Biên, với hơn 197.000 người, trụ sở tại Thành ủy Biên Hòa. Có một phường sau sáp nhập chưa đạt quy mô dân số là phường Xuân Lập (sáp nhập phường Xuân Lập và Bàu Sen), với tổng số dân 18.947 người. Có hai xã biệt lập được giữ nguyên là Đắc Lua và Phú Lý, dù dân số của hai xã này lần lượt là 8.234 người và 15.992 người.

Nguồn: VNP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm