Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài 2: Thoát hành chính hóa để không xa hội viên

Nhóm PV
08/05/2025 - 07:00
Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài 2: Thoát hành chính hóa để không xa hội viên

Chị Lô Thị Thuận (bìa trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An), hướng dẫn hội viên cách tìm kiếm thông tin trên điện thoại thông minh

Sau tinh gọn tổ chức, nhiều cán bộ Hội từ cấp tỉnh, huyện sẽ “xuống cơ sở” - trực tiếp đồng hành với hội viên. Đây không phải là sự “hạ cấp” như một số người từng e ngại, mà là cơ hội để tổ chức Hội cụ thể hóa quan điểm xuyên suốt được nêu trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động”.
Thử thách song hành cùng cơ hội

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo mô hình đơn vị hành chính địa phương hai cấp (tỉnh và xã) đang đặt hệ thống chính trị - trong đó có tổ chức Hội - trước những thay đổi lớn về tổ chức, nhân sự và cách vận hành. 

Một bộ phận cán bộ Hội từ cấp huyện, tỉnh được điều động, phân công về công tác tại cấp xã - tuyến cơ sở của hệ thống. Sự chuyển động này, với không ít người không tránh khỏi tâm tư: từ chỗ "chỉ đạo phong trào" xuống vai trò "trực tiếp thực hiện", từ "làm việc theo ngạch" sang "làm việc sát dân".

Trong bối cảnh đó, có cán bộ bày tỏ băn khoăn khi phải "đổi vai" từ vị trí quản lý trung gian sang làm cán bộ cơ sở. Có người xem việc chuyển về cơ sở như một sự "giáng cấp", thậm chí là "bước lùi". 

Nhưng nhìn nhận một cách khách quan và đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (Khóa XIII), việc chuyển đổi vị trí không phải là mất đi vai trò, mà là mở ra cơ hội tiếp cận thực tiễn một cách sâu hơn, trực tiếp hơn, gần hội viên hơn.

Từ bỏ mô hình vận hành nặng tính tầng nấc, hành chính hóa, tổ chức Hội đang bước vào giai đoạn mới - nơi năng lực gắn bó thực tế, khả năng dẫn dắt phong trào và phẩm chất cá nhân sẽ quyết định giá trị của mỗi cán bộ. 

Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài 2: Thoát hành chính hóa để không xa hội viên- Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung (hội viên phụ nữ thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của mình trên không gian mạng

Những ai không theo kịp, không bám sát địa bàn, không làm cho phong trào Hội mạnh lên, sớm muộn cũng sẽ phải nhường chỗ cho những người thực sự "có tâm, có tầm, có hiệu quả".

Chìa khóa để không xa hội viên

Trong nhiều năm qua, hoạt động của tổ chức Hội tại một số nơi vẫn chịu ảnh hưởng bởi lối vận hành hành chính hóa: tập trung làm kế hoạch, hồ sơ, báo cáo, tổng hợp, tổ chức hội họp theo "đầu việc" thay vì từ nhu cầu thực tế của hội viên. Sự hình thức, tầng nấc, phụ thuộc vào cơ chế xin - cho, chờ điều phối từ cấp trên… từng khiến hoạt động Hội bị chậm nhịp, xa cơ sở, giảm sức sống phong trào.

Khi các xã chưa sáp nhập, hoạt động mỗi nơi có đặc thù riêng, phù hợp với văn hóa, đời sống từng thôn xóm. Sau sáp nhập, cán bộ Hội xã có thể đến từ nơi khác, chưa hiểu phong tục, chưa gắn bó với địa bàn. Nếu không có thời gian “nhiều cùng” với hội viên, sẽ khó tạo được sự tin tưởng, khó quy tụ lực lượng phụ nữ dưới mái nhà chung của Hội”.

Chị Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

Việc bỏ cấp huyện không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức, mà chính là cơ hội để tổ chức Hội thoát ra khỏi những ràng buộc hành chính không cần thiết. Khi không còn một cấp trung gian điều phối, cán bộ cấp xã không còn "chờ lệnh", "giao việc", mà buộc phải chủ động nắm địa bàn, bám phong trào, sáng tạo trong cách làm và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc của mình. 

Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài 2: Thoát hành chính hóa để không xa hội viên- Ảnh 2.

Chị Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

Công tác Hội và phong trào phụ nữ chỉ thực sự hiệu quả và thành công khi chúng ta bám chắc, theo sát và hiểu sâu cơ sở, thấu hiểu nhu cầu, nắm bắt được đời sống, tư tưởng của hội viên. Với cơ chế hoạt động bỏ cấp huyện, đồng nghĩa với việc chúng ta thực hiện mục tiêu hướng trực tiếp đến cơ sở; giảm tải các khâu "hành chính hóa" trong hoạt động phong trào.

"Cán bộ Hội không thể chỉ làm công việc hành chính mà hành động vì hội viên mới là điều quan trọng nhất" - đó là chia sẻ của chị Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. 

Từ thực tế địa phương, chị Tuyết cho biết sau khi sáp nhập xã, địa bàn quản lý rộng hơn, hội viên đa dạng hơn, thói quen sinh hoạt Hội mỗi nơi mỗi khác. Cán bộ mới chuyển từ cấp huyện, tỉnh về cơ sở có thể có lợi thế về trình độ, kỹ năng, nhưng cũng phải đối diện với thực tế địa phương: phong tục, văn hóa, đặc điểm dân cư rất khác nhau. 

Không hiểu dân thì không thể làm với dân, càng không thể vận động được dân. Thoát hành chính hóa không chỉ là thay đổi thủ tục, mà là thay đổi tư duy làm công tác Hội theo cách từ "trên xuống" sang "cùng làm, cùng chia sẻ" với hội viên.

Không "chạm" được phong trào là tự đánh mất mình

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, mỗi xã sẽ có quy mô lớn hơn cả về địa bàn và dân cư. Số lượng hội viên tăng lên, nhu cầu phong trào đa dạng hơn, trong khi bộ máy lại gọn hơn, không còn cấp trung gian hỗ trợ. 

Điều này đặt ra yêu cầu mới đối với cán bộ Hội ở cấp xã: không chỉ làm công tác lãnh đạo, mà còn phải trực tiếp tham gia tổ chức, điều phối, dẫn dắt phong trào từ cơ sở.

Bài toán đặt ra là: cán bộ Hội cơ sở phải học hỏi nhiều hơn, cập nhật phương pháp mới, làm chủ công nghệ, đồng thời thấm nhuần đặc thù từng địa phương - nơi "đất lề quê thói", mỗi xã mỗi khác. Việc này đòi hỏi cả tâm - tài - trách nhiệm của người cán bộ Hội, cũng như sự hỗ trợ từ tổ chức để có điều kiện tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ năng phù hợp với mô hình mới. 

Theo chị Tuyết, nếu cán bộ Hội chưa hiểu phong trào, chưa hiểu người dân, sẽ không thể trở thành cầu nối giữa tổ chức Hội và hội viên. Ngược lại, nếu biết lắng nghe, biết thay đổi cách tiếp cận, biết tận dụng đội ngũ chi hội trưởng trẻ, am hiểu công nghệ, thì phong trào sẽ sớm tạo mặt bằng chung sau sáp nhập.

Năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW (năm 2007) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ban hành Chỉ thị 21-CT/TW tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. 

Chỉ thị 21 nêu rõ: Hội LHPN Việt Nam các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ. 

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ; tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.

Trong thời kỳ chuyển đổi số, khi hội viên không chỉ cần những buổi sinh hoạt truyền thống mà còn cần tư vấn pháp lý, hỗ trợ khởi nghiệp, hướng dẫn kỹ năng số… cán bộ Hội cơ sở phải trở thành người "đa nhiệm" - vừa là người dẫn dắt, vừa là người phục vụ. 

Trách nhiệm ấy không nhẹ, nhưng chính từ đó, uy tín và vai trò của tổ chức Hội mới được khẳng định.

Bài sau: Hội viên cần gì sau tinh gọn?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm