pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Tình hàng xóm nảy nở trong mùa dịch Covid-19
Lần đầu tiên sau 20 năm nói chuyện với hàng xóm
Italy là thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa toàn bộ đất nước trong nỗ lực thực hiện chiến lược hạn chế tiếp xúc xã hội và cách ly dân số khỏi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Với lệnh phong tỏa ban ra, các trường học đóng cửa, sau đó đến những nhà hát, phòng gym, quán bar cũng như nhiều điểm tập trung đông người khác. Các cửa hàng đóng cửa, trừ siêu thị, tiệm tạp hóa, hiệu thuốc và nơi bán thuốc lá.
Riêng tại thành phố Milan, chính quyền địa phương thậm chí yêu cầu đóng cửa công viên để hạn chế người dân di chuyển. Bất chấp không khí căng thẳng do Covid-19 và quy tắc giữ khoảng cách, người dân tại Milan, thành phố vốn nổi tiếng vì sự xa cách lại có khoảng thời gian xích lại gần nhau.
Bà Donata Zanotti, một nhiếp ảnh gia kiêm huấn luyện viên yoga, đã nói xin chào với hàng xóm. Đây là điều bà chưa từng làm kể từ khi chuyển tới khu phố cách đây 20 năm.
"Trong giai đoạn ai cũng chịu tổn thương, mọi người đã biết trân trọng và tận hưởng từng khoảnh khắc đẹp đẽ bé nhỏ này".
Bà Donata Zanotti, nhiếp ảnh gia kiêm huấn luyện viên yoga ở TP. Milan, Italy
Người phụ nữ 46 tuổi còn dần có thói quen ra ngoài ban công và trò chuyện với hàng xóm. Bà chụp và đăng các bức ảnh chân dung từ xa của họ lên mạng xã hội Instagram, đồng thời tham gia những khóa thiền qua mạng.
Kiến trúc của Milan, với những ngôi nhà có xu hướng xây xung quanh khoảng sân chung, bỗng trở nên hữu ích. Khoảng sân trở thành không gian chung của mọi người. Cảm giác đoàn kết đã đưa mọi người xích lại gần nhau. Có thể nói, trong khó khăn, người dân ở đất nước được cho là lãng mạn nhất thế giới này vẫn vô cùng lạc quan. "Tình làng nghĩa xóm" đã phát huy tác dụng. Một ý tưởng còn được đưa ra: Bữa trưa trên ban công. Vào giờ nhất định, tất cả các gia đình cùng dọn bữa trưa trên ban công và vui vẻ ăn uống cùng nhau.
Âm nhạc là sợi dây kết nối
Nguồn: john nichols
Đến nay, Italy tiếp tục là "ổ dịch" lớn nhất nằm ngoài Trung Quốc đại lục khi đến thời điểm này đã ghi nhận 31.506 người mắc bệnh Covid-19. Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 345 ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 2.503 người.
Ngay cả trong lúc tuyệt vọng nhất, âm nhạc chính là sợi dây kết nối con người với nhau. Thay vì ngồi ủ rũ, bi quan về tình hình dịch Covid-19, người dân Italy trên khắp mọi miền đất nước chọn cách động viên tinh thần nhau bằng âm nhạc.
Trong bối cảnh cả nước Italy đang bị phong tỏa do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, người dân đã đồng thanh hát với nhau từ ban công của mỗi nhà và cùng cổ vũ cho các nhân viên y tế đang kiệt sức vì cứu người.
Vốn nổi tiếng với tinh thần "La Belle Vita" (có nghĩa là "cuộc sống tươi đẹp") hàng triệu người dân nước này đã nhanh chóng hưởng ứng chiến dịch chơi nhạc tập thể "Sound Flashmob" từ các thành phố phía Nam như Salerno, Napoli... cho đến các thành phố ở phía Bắc như Turin, Palermo của vùng tự trị Sicilia...
Không thể gặp nhau, người dân Italy trò chuyện thông qua băng rôn và khẩu hiệu. Những người tham gia sẽ động viên nhau bằng các khẩu hiệu: "Chúng ta sẽ không bao giờ gục ngã! Nước Italy cố lên!".
"Việc làm đó làm cho con người ta không còn cảm thấy bị tách biệt nữa. Mọi người sợ nhưng phần lớn vẫn thể hiện trách nhiệm và sự đoàn kết. Thông điệp được đưa ra ẩn chứa niềm vui và sự chia sẻ trong cộng đồng", bà Nathalie Tocci - một cố vấn của Liên minh châu Âu (EU) nhận xét.