Tình trạng mắt nhức mỏi và mờ: Không nên chủ quan!

Tiểu Quyên
03/08/2021 - 16:50
Tình trạng mắt nhức mỏi và mờ: Không nên chủ quan!
Tuy là hiện tượng thường gặp nhưng nếu chủ quan để tình trạng mắt nhức mỏi và mờ kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến thị lực.

Mắt nhức mỏi và mờ là tình trạng nhiều người gặp phải, nhất là ở những người dùng thiết bị điện tử và làm việc quá nhiều khiến mắt làm việc quá sức. Tuy đây là tình trạng không quá hiếm gặp nhưng nhiều người vẫn chủ quan; nếu không được chẩn đoán và chăm sóc sớm, mắt mỏi và mờ kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến thị lực.

1. Triệu chứng cho thấy mắt đang bị nhức mỏi

Có một số triệu chứng chứng tỏ mắt của bạn đang hoạt động quá sức, khiến mắt nhức mỏi bao gồm:

- Mắt bị đau hoặc dễ bị kích thích

- Khó tập trung khi nhìn vào vật gì đó

- Mắt bị tăng tiết nước mắt hoặc khô hơn

- Mắt nhức mỏi nhiều

- Nhìn mờ hoặc nhìn thấy hình đôi

- Nhạy cảm ơn khi nhìn vào ánh sáng

- Đau cổ vai, gáy

Mắt nhức mỏi thông thường không để lại biến chứng gì nghiêm trọng hoặc đau đớn kéo dài. Tuy nhiên, mắt nhức mỏi và mờ có thể khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và giảm tập trung trong công việc và học tập.

Khi dấu hiệu mắt mỏi và mờ vừa xuất hiện, người bệnh nên sắp xếp công việc để cho mắt được nghỉ ngơi; nên hạn chế thời gian làm việc với máy tính và các thiết bị điện tử. Đồng thời, nên đi khám mắt để được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Tình trạng mắt nhức mỏi và mờ: Không nên chủ quan! - Ảnh 2.

Khi dấu hiệu mắt mỏi và mờ vừa xuất hiện, người bệnh nên sắp xếp công việc để cho mắt được nghỉ ngơi - Ảnh: fyidoctors

Đọc thêm:

Mỏi mắt: Từ A đến Z về tình trạng mỏi mắt mà bạn nên biết

Chớ khinh suất khi bị đau nhức mắt, nguyên nhân và cách điều trị đau mắt

2. Các nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi và mờ

Có khá nhiều nguyên nhân khiến mắt mỏi và mờ, bao gồm:

2.1. Hội chứng thị giác màn hình

Mắt nhức mỏi và mờ, kèm theo việc khó tập trung là những biểu hiện thường gặp ở người mắc hội chứng thị giác màn hình.

Nguyên nhân của hội chứng này là do mắt của người bệnh bị tác động bởi ánh sáng phát ra từ các loại màn hình điện tử như tivi, máy tính, điện thoại; hoặc ánh sáng đèn huỳnh quang, đèn LED. Các loại ánh sáng này được cho là nguy hiểm bởi chúng có thể tác động lên mắt, gây tổn thương đến các tế bào võng mạc, gây suy giảm thị lực, làm chết tế bào thị giác và làm tăng nguy cơ mất thị lực.

2.2. Đục thủy tinh thể

Mắt mỏi và mờ, kèm theo tầm nhìn có chấm đen hoặc lóa sáng là biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể. Căn bệnh này còn được gọi là cườm đá, cườm khô – là tình trang thủy tinh thể có dấu hiệu bị đục. Do các tác động từ các chất có hại từ bên ngoài môi trường hoặc bên trong cơ thể làm cho cấu trúc của thủy tinh thể bị biến đổi, khiến thủy tinh thể không còn điều tiết linh hoạt và mềm dẻo nữa.

Đục thủy tinh thể không chỉ làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận ánh sáng và còn làm cho thị lực người bệnh giảm sút; mắt có thể bị đau nhức đột ngột kèm theo tình trạng mờ.

Căn bệnh đục thủy tinh thể thường ít có dấu hiệu ở giai đoạn nhẹ. Đên khi người bệnh thấy mắt nhức mỏi và mờ thì bệnh mới được phát hiện khi được khám chuyên khoa. Khi bệnh bước vào giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể khó khăn trong việc nhìn xa; nhìn thấy chấm đen, bóng mờ; thấy vệt sáng và bị chói mắt khi gặp ảnh sáng.

Tình trạng mắt nhức mỏi và mờ: Không nên chủ quan! - Ảnh 3.

Mắt mỏi và mờ, kèm theo tầm nhìn có chấm đen hoặc lóa sáng là biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể - Ảnh: sciencephoto

2.3. Khô mắt

Mắt mỏi và mờ, kèm theo tình trạng khô rát có thể là biểu hiện của hiện tượng khô mắt. Người dễ mắc phải hiện tượng khô mắt là những người làm việc trong môi trường có máy điều hòa; tiếp xúc với tia cực tím; làm việc và sinh sống trong môi trường khói bụi ô nhiễm… Nếu về lâu dài, tình trạng khô mắt và nhức mỏi có thể gây mờ mắt.

Ngoài ra, người bệnh làm việc quá nhiều với các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại cũng có thể khiến mắt bị khô, mắt mỏi và mờ.

2.4. Thoái hóa điểm vàng

Khi mắt nhức mỏi và mờ, kèm theo việc hình ảnh nhìn thấy bị méo mó, có thể bạn đã mắc bệnh thoái hóa điểm vàng.

Các loại ánh sáng phát ra từ màn hình thiết bị điện tử, các nguồn ánh sáng nhân tạo khác chính là tác nhân gây nên ra những tổn thương cho tế bào thị giác và võng mạc. Khi các ánh sáng này tác động vào đáy mắt sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương hoặc giết chết các tế bào võng mạc, khiến mặt bị tổn thương; cuối cùng có thể dẫn đến bệnh thoái hóa điểm vàng.

Dấu hiệu nhận biết đặc trưng nhất của thoái hóa điểm vàng là nhìn hình dạng bị méo mó đi; mắt bị mờ vùng trùng tâm; bị rối loạn khả năng nhìn màu; tầm nhìn đôi.

2.5. Tật khúc xạ

Người bệnh bị các tật khúc xạ như cận thị, lão thị hay viễn thị cũng là nguyên nhân khiến mắt mỏi và mờ. Khi mắc các tật khúc thị mà không được điều trị, mắt người bệnh phải hoạt động tích cực hơn để nhìn rõ khiến mắt mỏi và mờ hơn.

Đọc thêm: Tật khúc xạ là gì? Tìm hiểu chung về tật khúc xạ

3. Chẩn đoán và điều trị mắt mỏi và mờ

Tình trạng mắt nhức mỏi và mờ: Không nên chủ quan! - Ảnh 4.

Việc chẩn đoán khi mắt nhức mỏi và mờ sẽ được thực hiện khi người bệnh thăm khám với bác sĩ nhãn khoa - Ảnh: allaboutvision

Việc chẩn đoán khi mắt nhức mỏi và mờ sẽ được thực hiện khi người bệnh thăm khám với bác sĩ nhãn khoa. Tùy vào các dấu hiệu đi kèm, thời gian khởi phát bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm và kiểm tra mắt cụ thể.

Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân gây nên tình trạng mắt mỏi và mờ, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể như dùng nước mắt nhân tạo làm giảm khô mắt; kê đơn trong việc cắt kính mắt giúp người bệnh điều chỉnh tầm nhìn hoặc điều trị đối với đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.

Việc điều trị có thể kéo dài, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để kiểm soát tình trạng bệnh tốt nhất.

4. Cách chăm sóc khi mắt nhức mỏi và mờ

Tìm hiểu nguyên nhân mắt mỏi và mờ để có phương án điều trị sớm là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc chăm sóc khi mắt nhức mỏi và mờ cũng vô cùng cùng quan trọng, giúp cho mắt khỏe hơn và nhanh chóng phục hồi.

Dưới đây là những điều bạn cần thực hiện khi thấy mắt có dấu hiệu mỏi và mờ thường xuyên:

4.1. Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp

Việc thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh; chế độ nhiều thực phẩm chứa omega-3, kẽm, vitamin E, C vô cùng quan trọng trong việc giúp bạn ngăn ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng.

Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường ăn rau có màu xanh đậm như cải xoăn, súp lơ, rau chân vịt; các loại trái cây tươi và cá biển.

4.2. Bỏ thuốc lá

Nếu bạn vẫn đang hút thuốc lá, hãy bỏ ngay nếu không muốn mắt liên tục bị mỏi. Bởi khói thuốc lá có tác động xấu đến dây thần kinh thị giác và làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Tình trạng mắt nhức mỏi và mờ: Không nên chủ quan! - Ảnh 5.

Tìm hiểu nguyên nhân mắt mỏi và mờ để có phương án điều trị sớm là điều vô cùng cần thiết - Ảnh: allaboutvision

4.3. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Để bảo vệ mặt, bạn nên đeo kính râm khi đi ra ngoài hoặc đeo kính bảo hộ để hạn chế khói bụi độc hại tiếp xúc với mắt.

4.4. Giữ khoảng cách đúng khi ngồi trước máy vi tính

Khi làm việc hoặc giải trí trước máy tính và điện thoại, hãy đảm bảo màn hình các thiết bị điện tử này có khoảng cách xa với mắt. Theo đó, màn hình máy tính nên cách mắt 50-60cm; màn hình điện thoại nên cách mắt ít nhất 30cm.

Ngoài ra, khi làm việc hoặc học tập, hãy đảm bảo bàn làm việc có đủ ánh sáng. Có thể thêm đèn để bàn để đảm bảo ánh sáng vừa đủ.

4.5. Chớp mắt theo quy tắc

Khi tập trung làm việc với điện thoại hoặc máy tính khá lâu, bạn thường sẽ quên chớp mắt khiến mắt có thể bị khô, mỏi, căng tức và rối loạn điều tiết. Do đó, cần chớp mắt thường xuyên hơn và áp dụng quy tắc 20:20:20. Nghĩa là cứ 20 phút làm việc, hãy dừng lại và nhìn ra xa 20 feet trong 20 giây.

Sau mỗi giờ làm việc, bạn nên để mắt được nghỉ ngơi tầm 10 phút. Tốt nhất, nên cho mắt nhìn ra xa, massage nhẹ nhàng để mắt được thư giãn hoàn toàn.

4.6. Thăm khám mắt định kỳ

Khám mắt định kì, ít nhất mỗi năm một lần là cách để phát hiện ra các tình trạng bệnh lý về mắt. Nếu mắt nhức mỏi và mờ thường xuyên, nên đi khám ngay để được điều trị hợp lý.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm