pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Tổ chức Hội sẽ là địa chỉ tin cậy, là nơi an toàn hỗ trợ giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em
Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 938/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027 (gọi tắt là Đề án 938).
Với mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, Đề án 938 đã hướng tới mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" được các cấp Hội thực hiện gắn với Đề án 938 theo 3 nội dung can thiệp trọng tâm: An toàn thực phẩm; Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc bảo vệ trẻ em và Phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới tới đối tượng hưởng lợi: phụ nữ; cha mẹ có con dưới 16 tuổi; cán bộ Hội Phụ nữ và các cơ quan triển khai Đề án các cấp, trong đó, chú trọng các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa bàn trọng điểm của các vấn đề xã hội ưu tiên giải quyết.
Trong giai đoạn 2017-2022, Đề án đã được quan tâm thực hiện từ cấp Trung ương đến tỉnh/thành, 6/6 mục tiêu giai đoạn I của Đề án đều đạt và vượt.
Chia sẻ về giai đoạn tiếp theo của Đề án, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Rút kinh nghiệm 5 năm triển khai thực hiện đề án 938, Hội LHPN Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đề án trên tinh thần tổ chức Hội luôn phát huy là đổi mới, sáng tạo trên toàn hệ thống để nâng cao hiệu quả của đề án trong thời gian tới tốt hơn. Chúng tôi cũng mong muốn và kỳ vọng tổ chức Hội sẽ là địa chỉ tin cậy, là nơi an toàn, là ngôi nhà chung cho phụ nữ và trẻ em gửi gắm những tâm tư, tình cảm để chúng tôi hỗ trợ giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Những vấn đề đặt ra trong thực hiện Đề án 938 giai đoạn 2023-2027:
- Đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng ở tất cả các cấp, làm tốt vai trò chủ trì, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được phân công tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện đề án.
- Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ Hội, cán bộ các cấp, các ngành tham gia thực hiện đề án.
- Vận động, phát huy mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên trong thực hiện đề án.
- Phát huy hiệu quả các mô hình sẵn có như Ngôi nhà bình yên, dịch vụ tham vấn, tổng đài hỗ trợ 190069680 để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về.
- Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động của đề án.