Tòa án Mỹ đình chỉ sắc lệnh hạn chế người nhập cư xin tị nạn

20/11/2018 - 17:56
Ngày 20/11, Thẩm phán Jon Tigar của tòa án liên bang San Francisco đã ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump về hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico xin tị nạn tại Mỹ.

Trong phán quyết, Thẩm phán Tigar cho biết Quốc hội Mỹ quy định rõ ràng rằng người nhập cư có thể nộp đơn xin tị nạn bất kể họ vào Mỹ bằng cách nào. 

Thẩm phán Tigar, người được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump "xa rời" chủ trương, chính sách của những tổng thống tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh Tổng thống Trump không thể viết lại luật nhập cư để áp đặt một điều kiện mà Quốc hội tuyệt đối cấm.

Phán quyết của Thẩm phán Tigar có hiệu lực ngay lập tức trên toàn quốc cho đến ít nhất là ngày 19/12, khi ông dự kiến tổ chức một phiên tòa cân nhắc một lệnh đình chỉ kéo dài hơn.

Theo sắc lệnh ngày 9/11, Tổng thống Trump có quyền hạn chế người nhập cư bất hợp pháp nếu nhận thấy tình trạng này đe dọa lợi ích quốc gia. Những người nhập cư xin tị nạn chính trị hoặc các loại hình tị nạn khác sẽ được xét duyệt ngay tại cửa khẩu để xem họ có đủ tư cách xin tị nạn hay không. 

nguoi_nhap_cu.jpg
Ảnh: AFP

 

Giới chức Mỹ tuyên bố quy định mới sẽ giúp giảm đáng kể dòng người di cư từ các quốc gia nghèo đói và bạo lực ở Trung Mỹ qua biên giới Mexico kéo về Mỹ và giảm tải cho hệ thống xét duyệt tị nạn vốn đang quá tải của quốc gia này.

Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì quyền dân sự đã chỉ trích sắc lệnh này vi phạm luật nhập cư và hành chính. 

Từ trung tuần tháng 10 vừa qua, những đoàn người di cư lên tới hàng nghìn người, chủ yếu đến từ Trung Mỹ, bắt đầu chuyến hành trình dài 4.300km, xuất phát từ thành phố San Pedro Sula của Honduras đến Tijuana của Mexico. 

Sau nhiều tuần đi bộ, leo núi xuyên suốt từ phía Nam lên đến phía Bắc của Mexico, những người di cư này phải chờ đợi trong thời gian dài để có thể xin tị nạn vào Mỹ.

Thống kê của Chính phủ Mỹ cho hay số người xin tị nạn tại nước này đã tăng 2.000% trong năm năm qua, và hiện có tới 700.000 trường hợp chưa được giải quyết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm