pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tôi sinh con, nhưng chồng tôi bị trầm cảm sau sinh"
Khi đã làm cha mẹ, bỗng dưng trong đầu bạn nảy ra rất nhiều câu hỏi: Tôi làm điều này có đúng không? Liệu con có đang ổn không? Tại sao bé lại khóc nhiều đến vậy?
Đối với 80% các mẹ, những câu hỏi này là một phần của "baby blues" - hội chứng buồn nhẹ, khóc hoặc lo lắng thường mất đi 1 hoặc 2 tuần sau khi sinh để ổn định trở lại. Nhưng đối với 15% những người mới làm mẹ, những cảm xúc này chuyển thành trầm cảm sau sinh, một tình trạng dai dẳng, nghiêm trọng, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, vô dụng và lo lắng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người mẹ có những suy nghĩ bạo lực đối với con mình hoặc chính bản thân họ.
"Tôi không còn là chính mình"
Đó là tâm sự của Karen Bullock.
"Tôi luôn tưởng tượng bản thân sẽ hạnh phúc như thế nào khi con chào đời. Tôi nóng lòng muốn gặp con, ôm và trao cho con những nụ hôn. Điều tôi không nghĩ đến là đôi khi thực tế hoàn toàn khác biệt.
Bây giờ, khi nhìn lại, tôi nhận ra bản thân đã bị trầm cảm sau sinh. Tôi nhớ rằng khi nhìn con lúc mới sinh, trong đầu tôi chỉ có suy nghĩ rằng: Tôi phải làm gì bây giờ?
Một số người nói rằng khi có con, bản năng làm mẹ cũng tự nhiên mà đến, bạn sẽ biết cách làm mọi thứ. Song, đó không phải là trường hợp của tôi. Tôi nhớ lần đầu tiên ở một mình với con trong bệnh viện. Tôi luôn gọi các y tá để nói rằng, "Con đang khóc. Tôi không biết phải làm gì".
Tôi, một người mẹ, và tôi không biết làm thế nào để chăm sóc con trai mình. Tôi cảm thấy như mình đang sống trong một giấc mơ không thể thức dậy. Tôi không cảm thấy giống như một người mẹ, và tôi cũng không cảm thấy là chính mình.
Việc chăm sóc em bé, cố gắng giữ cho ngôi nhà sạch sẽ và ngủ khi có thể cũng khiến tôi cảm thấy quá áp lực và căng thẳng. Thậm chí, tôi hoàn toàn phớt lờ mọi thứ xung quanh, kể cả chồng và bản thân. Tất cả sự chú ý của tôi đều dành cho con.
Cuối cùng, mọi thứ cũng sụp đổ. Tôi sẽ tức giận vô cớ khi con khóc không ngừng, điều này đôi khi khiến tôi phải lớn tiếng với con. Tôi biết đó không phải là lỗi của con khi là một đứa trẻ sơ sinh, điều rất bình thường. Cho dù vậy, tôi vẫn không thể kiểm soát bản thân.
Tôi sẽ khó chịu và bắt đầu khóc, đôi khi trong nhiều ngày hoặc không vì lý do gì cả. Tôi khóc đến nỗi tôi sẽ phải nghỉ việc vì một khi tôi đã bắt đầu khóc thì không thể nào ngừng được, cho dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa".
"Một người mẹ mới sinh thường khóc khi cô ấy không thể tìm thấy niềm vui với con mình, không ngủ ngay cả khi đứa trẻ đang ngủ vì lo lắng không kiềm chế được, hoặc khi cô ấy luôn có những suy nghĩ bồn chồn trong người", tiến sĩ Carly Snyder, MD, một bác sĩ tâm thần sinh sản ở thành phố New York, cho biết.
Tiến sĩ về nhi khoa Trachtenberg nói thêm rằng phụ nữ cũng có thể phát triển các tình trạng sức khỏe tâm thần khác sau khi sinh. Chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc hội chứng căng thẳng sau chấn thương nếu trải nghiệm sinh nở của họ là 1 dạng của chấn thương. Lo lắng cũng có thể xảy ra cùng với trầm cảm sau sinh và có thể bao gồm các triệu chứng như cơn hoảng loạn, mất ngủ, ám ảnh lo sợ về sức khỏe và sự an toàn của em bé, không thể ngồi yên hoặc đau đớn về thể chất, khó chịu, chẳng hạn như đau đầu hoặc đau bụng thường xuyên.
"Tôi cảm thấy bản thân không xứng là một người mẹ"
Patricia Santiago - Munoz làm mẹ ở tuổi 18.
"Tôi có con trai đầu tiên năm 18 tuổi. Làm 1 người mẹ trẻ thật khó khăn, cuộc sống của tôi đã trở nên hỗn loạn. Những thất vọng chồng chất, việc có con khi không có kế hoạch cụ thể khiến tôi cảm thấy căng thẳng mất kiểm soát. Tôi không thể cho con bú, điều này khiến tôi càng cảm thấy thiếu thốn.
Vào thời điểm đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có các triệu chứng trầm cảm sau sinh, tôi chỉ đang tức giận về hoàn cảnh của mình. Bằng cách nào đó, tôi đã xoay sở để vượt qua chứng trầm cảm sau khi mang thai. Nhìn lại, tôi rõ ràng cần được giúp đỡ và may mắn vượt qua được mà không cần can thiệp từ các biện pháp y tế.
11 năm sau, tôi kết hôn với chồng tôi, Adam và chúng tôi có một bé gái, Vivian. Đó là một thai kỳ và sinh nở dễ dàng. Không có bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, 1 ngày sau khi Vivian được sinh ra, tôi bắt đầu có cảm giác lo lắng. Một lần nữa, tôi gặp khó khăn trong việc cho con bú, khiến tôi cảm thấy mình không giống một người phụ nữ và không xứng là 1 người mẹ. Tôi đã không thể cho con tôi ăn, và cảm thấy bất lực.
Khi chúng tôi đưa Vivian về nhà, tình trạng căng thẳng trở nên tồi tệ hơn. Tôi bỏ việc chăm sóc bản thân. Tôi không cảm thấy xứng đáng - trong suy nghĩ của tôi, chăm sóc bản thân đồng nghĩa với việc lấy đi thời gian của Vivian. Tôi không ăn hoặc uống đủ nước, điều đó có nghĩa là cơ thể tôi không tạo ra sữa mẹ. Tôi băn khoăn về chế độ dinh dưỡng của Vivian. Tôi đã khóc nhiều hơn.
Tôi lo lắng về mọi điều đáng sợ có thể xảy ra nếu tôi mắc sai lầm. Tôi vẫn luôn có 1 người suy nghĩ quá nhiều, nhưng nó đã vượt quá tầm kiểm soát trong tuần đầu sau khi sinh. Tôi được chẩn đoán là bị mắc trầm cảm sau sinh và cảm thấy tội lỗi hơn với con vì bản thân mình đã bị bệnh".
"Tôi sinh con, nhưng chồng tôi bị trầm cảm sau sinh"
"Khi mang thai con gái, tôi cùng chồng đã tham gia một lớp học chuẩn bị cho cha mẹ, trong đó họ nói chuyện rất lâu về các dấu hiệu trầm cảm sau sinh của bà mẹ. Chồng tôi ghi chép tỉ mỉ bởi vì tôi có tiền sử dễ dàng bị căng thẳng.
Mặt khác, chồng tôi là biểu tượng của sự kiên định. Khi bố mẹ anh ấy qua đời trong vài năm đầu quen nhau, tôi cần được an ủi nhiều hơn anh ấy. Nếu tôi đặt cược xem ai giữa chúng tôi sẽ bị trầm cảm sau khi con gái chào đời, những người thân thiết sẽ đặt cược vào tôi.
Nhưng đó không phải là tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến khả năng đàn ông cũng phải chống chọi với chứng trầm cảm sau khi sinh một đứa trẻ. Nhưng đàn ông cũng phải đấu tranh khi có con", Kim Hooper nói.
"Chồng tôi thường xuyên thất vọng, cáu kỉnh và muốn tách biệt hoàn toàn khác với trước đó. Thậm chí anh ấy đi ngủ trước 7 giờ tối ngay khi đi làm về chỉ vì sợ phải ở cùng con gái. Trong 1 lần bộc phát, chồng tôi đã từng bộc lộ rằng bản thân không thích việc nuôi dạy con cái ngay cả khi trước đó đã từng dành nhiều thời gian để tìm hiểu cách chăm sóc con tốt hơn.
Tôi cố gắng bắt đầu cuộc trò chuyện, bằng cách hỏi anh ấy cảm thấy thế nào. Anh ấy chỉ liên tục nói, "anh ổn", một lời nói dối quen thuộc với tôi từ những ngày trầm cảm của chính mình. Không giống như phụ nữ, đàn ông thường được xã hội coi trọng sự độc lập, thống trị, khắc kỷ, mạnh mẽ, tự lực và kiểm soát cảm xúc của mình, nhiều người coi sự yếu đuối là điều đáng xấu hổ".
Dan Singley, một nhà tâm lý học ở San Diego chuyên về các vấn đề sức khỏe tâm thần của nam giới cho biết: "Đàn ông sẽ làm bất cứ điều gì để tránh cảm giác xấu hổ và nói rằng bản thân đang bị tổn thương. Tất nhiên, đây cũng là 1 dấu hiệu cho thấy rằng họ đang cần sự giúp đỡ. Nhiều nam giới đang trải qua chứng trầm cảm, nhưng không giải quyết nó".
Nếu bạn đang phải vật lộn với các triệu chứng trầm cảm sau sinh, đừng bỏ qua chúng. Trầm cảm sau sinh không phải là thứ mà bạn chỉ "thoát khỏi" hoặc đối phó nó trong thời gian ngắn. Đó là một vấn đề đang hiện hữu và xảy ra khá nhiều trong cuộc ngày nay với hậu quả nghiêm trọng nếu bạn không nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Bạn không phải là người thất bại, bạn không phải là người không xứng đáng. Nhận sự trợ giúp bạn cần - đó là cách tốt nhất để chăm sóc em bé, bạn đời của bạn và chính bạn.
Nếu các triệu chứng nghiêm trọng - ví dụ như bạn cảm thấy mình có thể gây hại cho bản thân hoặc con bạn - hãy đến phòng cấp cứu. Nếu không, hãy liên hệ bác sĩ nhi khoa của con bạn hoặc những tổ chức điều trị về sức khỏe tâm thần. "Đôi khi chứng trầm cảm hoặc lo lắng sau sinh có thể cải thiện theo thời gian mà không cần can thiệp. Nhưng việc điều trị sẽ đẩy nhanh quá trình chữa trị và giúp người mẹ tận hưởng cuộc sống khi có con ngay bây giờ thay vì chờ đợi hàng tháng hoặc lâu hơn", tiến sĩ Singley nói.