'Tôi tự tin để hỗ trợ chị em hành nghề mại dâm hoàn lương'

22/08/2019 - 16:26
Đó là lời chia sẻ của chị Đỗ Thị Bích Chi (quận 4, TPHCM) - một người từng hành nghề mại dâm và hoàn lương trở lại con đường làm ăn chân chính. Giờ đây, chị đã mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều phụ nữ tránh xa con đường vi phạm pháp luật.

Truyền thông tương tác

Chị Đỗ Thị Bích Chi là một trong những tấm gương phụ nữ hoàn lương được mời đến tham dự chương trình “Khát vọng yêu thương” chủ đề truyền thông về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, do Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN TPHCM tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TPHCM) vào sáng 22/8. Tại đây, chị Chi cho biết: Chị từng đi vào con đường vi phạm pháp luật do một thời tuổi trẻ nông nổi. Chị được Hội LHPN TPHCM và Hội LHPN quận 4 bảo lãnh ra khỏi trung tâm giáo dưỡng và tạo công ăn việc làm để tái hòa nhập cộng đồng. Giờ đây, chị Chi không những có được hướng đi bền vững cho mình mà còn giúp đỡ những hoàn cảnh như chị ngày xưa.

 

a5.jpg
Chị Đỗ Thị Bích Chi (giữa) chia sẻ tại chương trình 
 

“Vì mồ côi nên cuộc đời tôi gặp nhiều chênh vênh. Ngày tôi được về với cộng đồng là do Hội LHPN TPHCM và Hội LHPN quận 4 bảo lãnh. Cuộc sống lúc đó rất khó khăn vì không biết làm lại từ đâu. Các chị ở Hội cho đi học nghề may miễn phí và hỗ trợ tôi vay vốn mua máy may để may gia công. Sau đó, Hội LHPN thành lập câu lạc bộ (CLB) hỗ trợ chị em hoàn lương trở về với cuộc sống. Tôi đã xung phong tham gia và trở thành thành viên Ban chủ nhiệm của CLB đồng cảm. Tôi cũng đi tuyên truyền cho các chị có hoàn cảnh giống mình lúc trước, chia sẻ để cùng cố gắng sống tốt hơn. Hoặc ít nhất cũng tuyên truyền cho chị em đang hành nghề mại dâm biết cách bảo vệ sức khỏe của mình. Trang bị kiến thức để từ từ thay đổi hành vi cho họ. Từng không có trình độ nhưng bây giờ tôi đã tự tin, biết dùng máy vi tính, email, có công việc. Tôi tự tin để hỗ trợ chị em hành nghề mại dâm hoàn lương. Tôi tự tin để nói lại với các bạn giống tôi ngày xưa tránh xa con đường tệ nạn”, chị Chi chia sẻ.

 

a2.jpg
Buổi truyền thông đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều chị em phụ nữ

Không chỉ nêu gương người thật việc thật như trường hợp của chị Chị, chương trình còn mang đến các thông điệp tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội qua hình thức Game show Đuổi hình bắt chữ. Sau mỗi ô chữ, các hội viên phụ nữ hiểu rõ hơn về mại dâm, các hệ lụy cho xã hội và cách phòng, chống…

 

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo báo cáo tại chương trình “Khát vọng yêu thương”,  thời gian gần đây, bên cạnh sự gia tăng về người nghiện ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm mại dâm cũng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn. Trên địa bàn TPHCM đang có hơn 3.000 người hoạt động mại dâm. Tuy nhiên đó chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ,  theo một số nhà nghiên cứu, số người hành nghề mại dâm trên thực tế cao hơn rất nhiều và hệ lụy gây ra cho xã hội rất lớn. Tình trạng bạo hành đối với phụ nữ hành nghề bán dâm cũng xảy ra nhiều nhưng phần lớn không được trình báo. Bên cạnh các hình thức trá hình như nhà hàng, quán cà phê, cơ sở massage, hiện nay các đối tượng còn lợi dụng phát triển công nghệ để môi giới mại dâm. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy khiến cho tình hình xã hội trở nên phức tạp hơn.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mại dâm, ma túy hiện nay. Hội LHPN Việt Nam xác định công tác phòng chống ma túy, mại dâm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp hội. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chính như tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa truyền thống, nhân phẩm của phụ nữ, ý thức tuân thủ pháp luật.

 

a3.jpg
Tọa đàm về phòng chống tệ nạn xã hội

Phát biểu tại chương trình truyền thông, bà Đặng Hương Giang, Phó Trưởng Ban tuyên giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam, thông tin về một số hỗ trợ của Hội đến đối tượng phụ nữ hoàn lương, phụ nữ bán dâm như: Phân công các hội viên tại các Chi, cụm nhận trách nhiệm tiếp cận, tìm hiểu mong muốn, khó khăn của đối tượng về phản ánh cho tổ trưởng phụ nữ và bàn cách giúp đỡ.

Hội đã tuyền truyền để cộng đồng nhìn nhận những người bán dâm là những nạn nhân, không kỳ thị. Cần có những hỗ trợ đặc biệt về kinh tế để họ có nghề nghiệp ổn định, thu nhập chính đáng, tiếp cận các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh và tái hòa nhập cộng đồng. Ưu tiên tạo điều kiện cho vay vốn hoặc tín chấp cho vay vốn ngân hàng, hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo ổn định cuộc sống ngay tại địa phương.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với ngành công an tham gia giám sát, phát hiện sớm và tố giác những đối tượng hoạt động môi giới, tổ chức mại dâm, cơ sở hoạt động kinh doanh nhạy cảm có dấu hiệu vi phạm để đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

 

a1.jpg
Các chị em tham gia chương trình cùng hô to khẩu hiệu: "Hãy nói không với ma túy, mại dâm vì hạnh phúc của mỗi gia đình".

“Thông qua hình thức truyền thông tương tác, chúng tôi mong muốn chị em cùng nhau tìm hiểu về nạn ma túy, mại dâm để có kỹ năng phát hiện, đấu tranh và phòng ngừa. Các cấp Hội tiếp tục tổ chức các sự kiện truyền thông về chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tổ chức các mô hình, dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng để bảo về quyền và sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm