Tổn thương ngực 1 tháng vì chủ quan với tắc tia sữa

17/02/2017 - 00:00
Đang nuôi con nhỏ 3 tháng tuổi và bị tắc tia sữa nhưng người mẹ trẻ chủ quan không đi điều trị. Hậu quả là 10 ngày sau, ngực chị bị sưng, cứng, phải vào viện cấp cứu.
BS Phạm Thành Sơn, khoa Phụ, BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết, bệnh nhân là T.T.H., sinh năm 1991, ở quận Long Biên (Hà Nội), đang nuôi con nhỏ ở tháng thứ 3. Trước Tết khoảng 2 tuần, chị H. có dấu hiệu tắc tia sữa nhưng vì đang nuôi con nhỏ nên ngại không đi kiểm tra và cố tìm mọi biện pháp chữa tắc tia sữa tại nhà.

Sau khoảng 10 ngày, vùng ngực có dấu hiệu đau tức, sưng và cứng thành cục, chị H. mới đến bệnh viện. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một khối dịch kích thước 62x43x22mm gây áp-xe phần ngực bệnh nhân. Chị H. phải dùng kháng sinh mạnh 5 ngày trước khi hút mủ trong ngực ra. Sau đó, bệnh nhân được hút mủ với lượng gần 200ml.
sp.jpg
Tắc tia sữa cần kiểm tra và sử lý sớm để tránh áp-xe
BS Sơn kể tiếp, quá trình điều trị cho bệnh nhân khá dài. Sau khi tháo mủ, vết thương phải để hở chưa khâu được, bởi nếu khâu sẽ khiến dịch bị đọng. Các bác sĩ tiếp tục làm sạch vết thương và dẫn lưu dịch khoảng 1 tuần sau mới hết dịch. Đến 2 tuần sau, vùng ngực tuy hết dịch nhưng hơi cứng. Phải mất 1 tháng vùng ngực mới mềm và liền trở lại bình thường.

“Áp-xe vú là ổ viêm ở sâu trong tuyến vú do vi khuẩn gây ra, thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ nuôi con nhỏ. Bệnh gây sưng đau, chảy mủ ra núm vú. Phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con mà bị ốm đau, ăn uống thiếu chất, thức đêm nhiều, lao động vất vả ít được nghỉ ngơi, ứ đọng sữa trong tuyến vú thì dễ gây áp-xe vú. Ổ áp-xe có thể ở trước tuyến, trong và sau tuyến vú. Tiến triển một ổ áp-xe thường trải qua 2 giai đoạn: Viêm và tạo thành áp xe, hoại tử”, BS Sơn cho hay.

Biểu hiện bệnh phụ thuộc vào vị trí và giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn viêm, bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức ở sâu trong tuyến vú, đau tăng khi cử động vai hay cánh tay.

Giai đoạn tạo thành áp-xe, người bệnh sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, khát nước, da xanh, vùng da trên ổ áp-xe thường nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím. Nếu ổ áp-xe thông với các ống dẫn sữa, có thể thấy sữa lẫn mủ chảy ra ở đầu núm vú. Chọc ổ áp-xe có thể hút được mủ.

Nếu áp-xe vú mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng, có thể gây biến chứng viêm xơ tuyến vú mạn tính. Biến chứng nặng nhất là hoại tử vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra.

“Phụ nữ muốn tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú, cần áp dụng các biện pháp sau đây:

- Giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú và núm vú trước và sau khi cho con bú.

- Tránh làm xây xước, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú.

- Khi con bú mà ngủ quên, nếu bà mẹ giật núm vú ra, rất dễ bị răng của con đang ngậm núm vú gây trầy xước.

- Tránh tình huống này bằng cách: Bà mẹ nên tập cho con bú no rồi mới ngủ. Nên cho con bú hết từng bên vú. Nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp-xe”, BS Sơn khuyên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm