Tôn vinh nghệ thuật sơn mài với triển lãm “Dấu thiêng”

P.V
06/10/2024 - 14:31
Tôn vinh nghệ thuật sơn mài với triển lãm “Dấu thiêng”

Một tác phẩm sơn mài trưng bày tại triển lãm "Dấu thiêng"

Những bức tranh sơn mài được trưng bày ngoài trời, trong không gian Hoàng thành Thăng Long của triển lãm “Dấu thiêng” đã mang lại cho công chúng một trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt.

Chiều tối 5/10, tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long (số 9 Hoàng Diệu, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh Dấu thiêng của họa sĩ Chu Nhật Quang. Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tham dự sự kiện có bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi; nhà sử học Dương Trung Quốc; họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Đặng Ái Việt…

Triển lãm "Dấu thiêng" được trưng bày ngoài trời, trong không gian Hoàng thành Thăng Long

Triển lãm "Dấu thiêng" được trưng bày ngoài trời, trong không gian Hoàng thành Thăng Long

Khác với các triển lãm tranh sơn mài thường diễn ra trong nhà, triển lãm Dấu thiêng được trưng bày tại không gian ngoài trời, kết hợp với các kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, phần trình diễn của ca sĩ Phạm Thu Hà và Dàn nhạc Sức sống mới với sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đem đến cho công chúng một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo.

Tôn vinh nghệ thuật sơn mài với triển lãm “Dấu thiêng”- Ảnh 2.
Tôn vinh nghệ thuật sơn mài với triển lãm “Dấu thiêng”- Ảnh 3.

Ca sĩ Phạm Thu Hà và Dàn nhạc "Sức sống mới" với sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh biểu diễn khai mạc

Dấu thiêng gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, được trưng bày theo 4 chủ đề. Trong đó, chủ đề Khởi tập trung vào thể loại tĩnh vật, thể hiện sự chiêm nghiệm những giá trị thẩm mỹ của cuộc sống. Chủ đề Cội thể hiện những nét văn hóa và di sản của dân tộc như Hoàng thành Thăng Long, Tháp Rùa, chùa Một Cột, chùa Thầy... 

Chủ đề Linh khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa, di sản và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại. Chủ đề Nôi là những bức tranh về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối, qua đó truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hy vọng duy trì những giá trị truyền thống của dân tộc qua nhiều thế hệ.

Họa sĩ Chu Nhật Quang phát biểu khai mạc triển lãm

Họa sĩ Chu Nhật Quang phát biểu khai mạc triển lãm

Phát biểu tại buổi khai mạc, họa sĩ Chu Nhật Quang bày tỏ: "Tôi vô cùng xúc động khi mọi người tới tham dự, bày tỏ sự quan tâm tới triển lãm của tôi. Tôi trân trọng giá trị truyền thống của sơn mài Việt Nam, và thấy mình có trách nhiệm kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống, khám phá ra cách tiếp cận, biểu đạt mới cho sơn mài Việt.

Điều tôi mong muốn là tranh sơn mài của mình có thể đưa công chúng chạm vào các cung bậc cảm xúc từ cổ xưa tới hiện đại và mang tới hơi thở mới cho nghệ thuật sơn mài".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tham quan triển lãm "Dấu thiêng"

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tham quan triển lãm "Dấu thiêng"

Họa sĩ Chu Nhật Quang cho biết, hiện anh đang hoàn thiện các tác phẩm sơn mài khổ lớn với đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Anh hy vọng có thể đi đến các vùng miền trên dải đất chữ S để khám phá, tìm hiểu và góp một phần bé nhỏ của mình trong việc tái hiện những vẻ đẹp của đất nước qua các tác phẩm sơn mài.

Triển lãm Dấu thiêng mở cửa đón khách tham quan đến ngày 15/10/2024.

Họa sĩ Chu Nhật Quang sinh năm 1995 trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội của anh là Nghệ nhân nhân dân - họa sĩ sơn mài Chu Mạnh Chấn. Cha của anh là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm