Tôn vinh phụ nữ với những gì họ làm và cách họ nhìn thế giới

09/04/2019 - 17:24
"Hình ảnh người Phụ nữ là trung tâm của nghệ thuật" là chủ đề của triển lãm tranh do Văn phòng Liên hợp quốc tổ chức tại Tòa nhà xanh LHQ (304 Kim Mã, Hà Nội). Với triển lãm này, phụ nữ được tôn vinh như chính bản thân họ, với những gì họ làm và cách họ nhìn thế giới.
Thông qua ngôn ngữ phổ quát của nghệ thuật, tranh của 4 nữ nghệ sĩ Đinh Thị Thắm Poong, Vũ Thu Hiền, Lạc Hoàng và Astrid Bant cho mọi người hiểu được những quan điểm độc đáo về thực tế và xã hội, với hình ảnh phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong bối cảnh của họ.
 
Ấn tượng mà phụ nữ mang lại trong sự sáng tạo và phá bỏ là những gì tạo nên sự khác biệt. Rất nhiều trong số các tác phẩm ở đây dựa trên ký ức - tạo cảm hứng từ truyền thống lịch sử, những kỹ năng, nghệ thuật thủ công và nghi lễ cổ xưa.
Bà Astrid Bant, đến từ Hà Lan, là một nhà nhân chủng học, người đã sống và làm việc ở Peru, Mỹ, Albania, Mozambique, Brazil và Việt Nam. Trong các tác phẩm của mình, bà tôn vinh những người phụ nữ của quá khứ, những người vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, khẳng định năng lực của mình. Bà Astrid hiện là Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam.
 
Từ trái sang: Ông Kamal Malhotra - Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, nghệ sĩ Lạc Hoàng, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga- Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH), nghệ sĩ Đinh Thị Thắm Poong, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam Astrid Bant và hoạ sĩ Vũ Thu Hiền

  

Lớn lên nơi vùng quê điệp trùng núi cao, cây cỏ, hoa lá, thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ của dân tộc Mường, tranh Đinh Thị Thắm Poong có một phần của núi, của rừng, của mảnh đất đa dạng sắc mầu văn hóa ấy. Nổi tiếng với các tác phẩm trên giấy dó, ngôn ngữ hội hoạ của chị, bên cạnh sự giản dị chân phương của bút pháp hiện thực, còn chứa nhiều yếu tố siêu thực về mối giao hòa kỳ diệu, vĩnh viễn giữa con người và cây cỏ.
 
Tác phẩm "Trà trên đường nghỉ chân" của Đinh Thị Thắm Poong

 

Tại buổi triển lãm tranh, ông Kamal Malhotra - Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chủ đề chính cho Ngày quốc tế Phụ nữ năm nay là “Suy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh, đổi mới để thay đổi” tập trung vào những cách thức sáng tạo để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững”. Theo ông Kamal, triển lãm tranh làm nổi bật tài năng nghệ thuật của các nữ nghệ sĩ. Đây cũng là điều LHQ muốn ghi nhận vai trò của phụ nữ trong các thời điểm và bối cảnh khác nhau của lịch sử, để hiểu được sự đấu tranh của họ trong cuộc sống hằng ngày và tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ cho xã hội. Đây cũng là dịp để LHQ thúc đẩy các sáng kiến nâng cao tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và sự tiến bộ của bình đẳng giới ở Việt Nam.
 
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam

 

Còn bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam chia sẻ, một số tác phẩm gợi lên những câu hỏi rất sâu sắc về sự mất mát của nhân loại: Điều gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ không bị hạn chế bởi tư tưởng gia trưởng cũng như hạn chế vai trò giới? Những đóng góp của phụ nữ cho xã hội là gì về mặt khoa học, chính trị và các lĩnh vực khác? Tất cả chúng ta sẽ ở đâu hôm nay nếu tiềm năng và đóng góp của họ đã được khuyến khích và công nhận đúng đắn?
 
Những tác phẩm khác thách thức chúng ta về những thông đầy điệp mâu thuẫn, về những kỳ vọng đối với phụ nữ trong xã hội hiện đại - Phụ nữ được kêu gọi phải duy trì hình ảnh đẹp đẽ và hoàn hảo, đồng thời họ được kỳ vọng phải mang gánh nặng của công việc nội trợ và chăm sóc gia đình.
 
Các tác phẩm của nghệ sĩ Vũ Thu Hiền

  

Theo bà Elisa, một số bức tranh mang lại cho chúng ta cái nhìn đa dạng về hình ảnh người phụ nữ, bao gồm các dân tộc thiểu số, trong bối cảnh của họ và khiến chúng ta suy ngẫm về họ từ quan điểm cá nhân và siêu thực. Một số tác phẩm thể hiện màu sắc và sức mạnh của phụ nữ ở trung tâm, để công nhận di sản văn hóa của họ.
 
Tác phẩm của bà Astrid Bant

  

“Khi chúng ta nghĩ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thì điều này bao gồm cả việc phụ nữ được trao quyền hoàn toàn để thể hiện bản thân và đưa các quan điểm độc đáo của họ vào quá trình kiến tạo và sáng tạo của xã hội. Suy nghĩ và trái tim của chúng ta cũng sẽ thay đổi trong quá trình này”, bà Elisa nhấn mạnh. 
Tác phẩm "Gánh nặng kép" của Lạc Hoàng

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm