pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổng công ty Điện lực miền Bắc và hành trình 53 năm chung tay thắp sáng niềm tin
Đến nay, 100% số xã, với gần 8 triệu hộ dân nông thôn trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc đã được sử dụng điện lưới
Ngày 6/10/1969, Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc- EVNNPC) được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than. Những ngày đầu thành lập, Công ty gặp rất nhiều khó khăn, thử thách khi quy mô nguồn điện và lưới điện rất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu và bị hư hại do chiến tranh tàn phá. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực đã tập trung huy động mọi nguồn lực, khả năng, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên, tranh thủ thời gian Đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc để khôi phục sản xuất, củng cố quản lý, sắp xếp lại tổ chức, chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật để vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng mới và mở rộng nâng công suất nguồn và lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Có thể nói, những năm đầu mới thành lập, lịch sử phát triển EVNNPC gắn bó máu thịt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận đánh. Các nhà máy điện Hàm Rồng, Vinh, Uông Bí, Việt Trì, Hải Phòng, Nam Định, Yên Phụ… liên tục bị đế quốc Mỹ ném bom bắn phá dữ dội, hư hỏng nghiêm trọng. Với tinh thần quả cảm "Tổ quốc cần điện hơn cơ thể cần máu", 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ để giữ cho "dòng điện không bao giờ tắt", phục vụ chiến đấu, phục vụ sản xuất.
Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Công ty Điện lực vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản cơ sở vật chất của ngành Điện lực ở miền Nam, vừa thực hiện chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở điện sẵn có ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội.
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới xảy ra, hệ thống điện miền Bắc lại trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Nhiều cơ sở điện của các tỉnh biên giới phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Nhà máy điện Lạng Sơn và Lào Cai bị phá hoại hoàn toàn; lưới điện của các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng… hư hỏng nặng. Phát huy truyền thống anh dũng, bất khuất, tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) Công ty Điện lực đã kiên cường bám địa bàn duy trì dòng điện, với quyết tâm "Địch phá hỏng ta lập tức khôi phục". Chiến tranh qua đi, với nỗ lực của CBCNV EVNNPC, đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn đạt 590,4MW; các đường dây điện có cấp điện áp từ 3kV đến 110kV đạt hơn 9.286km; tổng dung lượng máy biến áp các loại đạt 2.560MVA đáp ứng công suất sử dụng cho công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần và công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần, công suất sử dụng cho bơm thủy lợi tăng 1,2 lần so với năm 1976.
Thực hiện sứ mệnh "Điện đi trước một bước"
Khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, EVNNPC phải đối mặt với những thách thức về đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện. Lúc này, chủ trương Điện lực phải đi trước một bước ngày càng trở thành vấn đề cấp bách. Song những khó khăn và thách thức trên đã mở ra cơ hội cho EVNNPC bứt phá với những mốc son chói lọi. Hàng loạt công trình điện lớn đã được xây dựng, đưa vào vận hành, góp phần quan trọng công cuộc công nghiệp hòa-hiện đại hóa đất nước như: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; hàng loạt đường dây 110kV; 220kV… được xây dựng và đưa vào sử dụng từng bước đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, khu vực miền Bắc nói riêng.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
Đến nay, EVNNPC đã cung cấp đủ điện cho 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, điện thương phẩm cao nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Từ quy mô lưới điện ban đầu gần 500 km đường dây và khoảng 2.000 trạm biến áp các loại, điện năng phần lớn chỉ dành cung cấp cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và một phần nhỏ điện sinh hoạt, đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã quản lý: 9.927,44 km đường dây 110 kV, 301 trạm biến áp (TBA) 110kV với tổng dung lượng: 25.987,5 MVA; 241.983 km đường dây trung hạ áp, 64.041 trạm biến áp với tổng dung lượng: 18.047,660 MVA.
EVNNPC cũng là đơn vị điển hình trong công cuộc điện khí hóa nông thôn. Đến nay, 100% số xã, với 7.963.707 số hộ dân nông thôn trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc đã có điện, đạt tỉ lệ 99,2%. Lưới điện đã vươn đến những huyện đảo, xã đảo xa xôi; những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
EVNNPC là đơn vị điển hình trong công cuộc điện khí hóa nông thôn
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của EVNNPC cũng liên tục được cải thiện như tổn thất điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, năng suất lao động… EVNNPC cũng thực hiện tốt công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu về dịch vụ điện cho khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng…
Đặc biệt, năm 2020, 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, CBCNV EVNNPC đã không ngại gian khó, nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ kép "Vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo cung cấp điện", góp phần quan trọng cùng các địa phương chiến thắng dịch bệnh.
Thực hiện chủ đề năm 2022, đó là "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả". Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đó là đảm bảo đủ điện cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của 27 tỉnh, thành phố miền Bắc; mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong cân bằng tài chính khi giá nhiên liệu tăng cao; nhu cầu điện tăng cao sau đại dịch Covid-19, nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; sự năng động, sáng tạo của toàn thể cán bộ công nhân viên, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng: Sản lượng điện thương phẩm tiếp tục tăng trưởng cao nhất trong toàn EVN; các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch EVN giao; đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - chính trị -xã hội của các địa phương.
Chuyển mình mạnh mẽ
Không dừng lại ở đó, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới, CBCNV EVNNPC cũng đã phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới và áp dụng nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, EVNNPC đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, để sớm đưa EVNNPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Năm 2021, EVNNPC đánh dấu mốc son quan trọng trên hành trình chuyển đổi số, với việc đưa vào vận hành chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính kế toán, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công mỗi năm, đặc biệt là những giá trị không thể đo đếm trong việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp như 100% các nghiệp vụ được thực hiện chuẩn xác, không sai sót; chuẩn hóa toàn bộ các mẫu biểu, hồ sơ, quy trình cập nhật, trình tự thủ tục..., đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự giám sát của các cấp quản lý trong từng công đoạn. Số hóa quy trình cũng từng bước "phẳng hóa" giới hạn về không gian, vị trí địa lý giữa các phòng, ban, đơn vị, các địa phương, vùng miền...
EVNNPC là đơn vị đầu tiên trong số 5 Tổng công ty phân phối hoàn tất số hóa quy trình Tài chính kế toán và Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng
Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNNPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4 - cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ; kết nối dịch vụ điện với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố; phát triển các kênh chăm sóc khách hàng trên các nền tảng số như: APP CSKH, zalo, Fanpage, website… Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại vừa có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và giám sát được quá trình thực hiện của ngành Điện.
EVNNPC cũng đã chuyển đổi số 100% hợp đồng mua bán điện, giúp khách hàng có thể dễ dàng tra cứu hợp đồng trên nền tảng Internet, đảm bảo công khai, minh bạch; đồng thời từng bước thay đổi thói quen, giúp khách hàng làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành Điện trên môi trường số; thay thế và chuyển đổi dần công tơ cơ khí thành công tơ điện tử…
Trong lĩnh vực kỹ thuật, EVNNPC cũng đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số vào công tác quản lý và vận hành lưới điện như: Xây dựng và đưa vào vận hành 27 trung tâm điều khiển xa tại 27 Công ty Điện lực; Hoàn thành Trung tâm giám sát và thu thập dữ liệu 20 Trần Nguyên Hãn, thu thập dữ liệu từ các TBA 110kV; xây dựng trạm biến áp kỹ thuật số; ứng dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp CBM cho các TBA 110kV; sửa chữa điện hotline; ứng dụng điều khiển xa, tự động hóa lưới điện… Qua đó, góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tối đa các sự cố, giảm thời gian mất điện cho khách hàng…
Với chiều dài lịch sử trong suốt chặng đường 53 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn khẳng định thế mạnh là một đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đã đạt được một số thành tựu nổi bật, đó là cấp điện ổn định cho gần 11 triệu khách hàng, lọt vào danh sách TOP 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; là đơn vị có quy mô lưới điện, số khách hàng lớn nhất và là đơn vị có điện thương phẩm cao nhất trong toàn Tập đoàn; được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và đặc biệt Tổng công ty Điện lực miền Bắc được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
53 năm xây dựng và phát triển, EVNNPC đã ghi rất nhiều dấu ấn, mốc son trên hành trình chung tay cùng EVN "Thắp sáng niềm tin". Dù vậy, xác định, mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt còn rất nhiều những khó khăn, thách thức, EVNNPC sẽ tiếp tục nỗ lực, không ngừng sáng tạo, đổi mới để đưa Tổng công ty trở thành Tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu Việt Nam, tiến tới ngang tầm các Công ty Điện lực ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là cái nôi và là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn điện lực Việt Nam trong lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện năng.