pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổng quan về bệnh hạ đường huyết
- 1. Hạ đường huyết là gì?
- 2. Phân loại hạ đường huyết
- 3. Dấu hiệu hạ đường huyết
- 4. Nguyên nhân hạ đường huyết
- 5. Phương pháp điều trị hạ đường huyết
- 6. Biến chứng bệnh hạ đường huyết là gì?
- 7. Phòng tránh hạ đường huyết
- 8. Cách ăn uống cho người hạ đường huyết
- 9. Các câu hỏi thường gặp về hạ đường huyết
- 10. Các hình ảnh về hạ đường huyết
Trong một ngày dài, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà lượng đường trong máu (đường huyết) sẽ thay đổi tăng hoặc giảm. Điều này là bình thường và bất cứ ai cũng có thể gặp nếu nó thay đổi trong một phạm vi cho phép. Nhưng nếu việc đường huyết bị hạ xuống dưới mức phạm vi cho phép và không được điều trị kịp thời, nó sẽ trở nên rất nguy hiểm.
1. Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết còn được gọi là lượng đường trong máu thấp là khi lượng đường trong máu (glucose) của bạn giảm dưới mức bình thường, thấp hơn 3,9 mmol/l (<70mg/dl). Khi nồng độ glucose máu thấp < 1,7 mmol/L (30 mg/dL) thì được gọi là hạ đường máu nặng. Lượng đường trong máu thấp cũng có thể được gọi là phản ứng insulin, hoặc sốc insulin.
Hạ đường huyết thường liên quan đến các bệnh nhân bị tiểu đường. Tuy nhiên nhiều trường hợp khác, những người không mắc bệnh tiểu đường cũng có thể gặp tình trạng lượng đường trong máu thấp. Giống như sốt, hạ đường huyết không phải là một căn bệnh mà đó là một dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Chỉ số đường huyết cho biết bạn có mắc hạ đường huyết hay không
2. Phân loại hạ đường huyết
Có hai loại hạ đường huyết chính là hạ đường huyết với bệnh nhân đái tháo đường và hạ đường huyết với người không mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó có hai loại hạ đường huyết không đái tháo đường:
- Hạ đường huyết phản ứng: xảy ra một vài giờ sau khi bạn ăn một bữa ăn
- Hạ đường huyết lúc đói: có thể liên quan đến thuốc hoặc bệnh đang điều trị
3. Dấu hiệu hạ đường huyết
Dấu hiệu của mỗi người có lượng đường trong máu thấp là khác nhau tùy theo mức độ nhẹ đến nặng. Vậy dấu hiệu thường gặp của chứng hạ đường huyết là gì?
- Cảm giác chân tay run rẩy
- Lo lắng, hồi hộp
- Đổ mồ hôi, ớn lạnh
- Thường xuyên khó chịu, thiếu kiên nhẫn
- Tim đập nhanh
- Cảm thấy chóng mặt, choáng váng
- Buồn nôn, nôn
- Da xanh xao
- Buồn ngủ
- Cảm thấy yếu hoặc không có năng lượng
- Mờ/ suy giảm thị lực
- Ngứa hoặc tê ở môi, lưỡi hoặc má
- Nhức đầu
- Co giật
Nồng độ đường trong máu thấp sẽ kích hoạt giải phóng epinephrine (adrenaline). Đây là hormon có thể gây ra các triệu chứng hạ đường huyết như đổ mồ hôi, tim đập nhanh, ngứa người, lo lắng... Nếu lượng đường trong máu giảm nghiêm trọng hơn, não không nhận dủ glucose sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó tập trung, mờ mắt, nói chậm, buồn ngủ, bối rối. Nghiêm trọng hơn, khi não không nhận được glucose sẽ dẫn đến co giật, hôn mê...
Để biết chắc chắn có mắc chứng hạ đường huyết hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành đo nồng độ đường trong máu, xét nghiệm lâm sàng, tìm hiểu tiểu sử bệnh tiểu đường (nếu có) của người bệnh để xác định chính xác tình trạng hạ đường huyết.
Một số dấu hiệu bệnh hạ đường huyết phổ biến
4. Nguyên nhân hạ đường huyết
Có một số lý do gây ra tình trạng hạ đường huyết. Trong đó phổ biến nhất là do tác dụng phụ của thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Một số trường hợp, người bệnh có thể không mắc tiểu đường nhưng vẫn gặp tình trạng mức đường trong máu thấp. Các nguyên nhân gây hạ đường huyết là gì, cùng chia ra hai nhóm đối tượng:
Đối với người mắc bệnh tiểu đường:
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể không tạo ra đủ insulin (bệnh tiểu đường loại 1) hoặc có thể ít đáp ứng với nó (bệnh tiểu đường loại 2). Vì thế, glucose của người tiểu đường thường có xu hướng tích tụ trong máu và đạt đến mức nguy hiểm. Lúc này, người bệnh tiểu đường được chỉ định dùng insulin hoặc các loại thuốc giúp giảm lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, khi bổ sung insulin hoặc các loại thuốc trị tiểu đường quá nhiều có thể khiến lượng đường trong máu của bạn xuống quá thấp gây hạ đường huyết. Nhiều trường hợp người bệnh tiểu đường không ăn nhiều thực phẩm như bình thường khi điều trị bệnh cũng gây ra lượng đường trong máu thấp.
Tiểu đường là một nguyên nhân gây hạ đường huyết
Nguyên nhân hạ đường huyết với người không có bệnh tiểu đường:
Với những người không mắc bệnh tiểu đường, chứng hạ đường huyết ít phổ biến hơn nhiều. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Thuốc điều trị bệnh: Các loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ trong đó có hạ đường huyết như thuốc trị suy thận, thuốc trị sốt rét…
- Tiêu thụ quá nhiều rượu: Những người tiêu thụ quá nhiều rượu, người nghiện rượu thường uống nhiều mà không ăn có thể ngăn chặn gan giải phóng glucose dự trữ vào máu, gây hạ đường huyết.
- Mắc các bệnh hiểm nghèo: các bệnh về gan nặng như viêm gan nặng, rối loạn thận, khối u tuyến tụy có thể ảnh hưởng đến mức glucose.
- Thiếu hụt hormone: Các rối loạn hormon như tuyến thượng thận, tuyến yên có thể gây ảnh hưởng đến việc sản xuất glucose. Đối với trẻ em, khi thiếu hụt hormone tăng trưởng rất dễ dẫn đến hạ đường huyết.
- Hạ đường huyết sau bữa ăn do phẫu thuật dạ dày: với những người từng phẫu thuật dạ dày, cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn mức cần thiết gây hạ đường huyết.
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể bị hạ đường huyết, tuy nhiên nếu bạn thuộc các đối tượng sau thì nguy cơ mắc chứng hạ đường huyết của bạn sẽ cao hơn:
- Người đang bị tiểu đường, dùng thuốc trị tiểu đường
- Người nghiện rượu bia
- Người bị các bệnh về gan, thận
- Người có khối u
- Người bị suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận
5. Phương pháp điều trị hạ đường huyết
Khi gặp các tình huống hạ đường huyết, người bệnh cần đến bệnh viện để thực hiện các phương pháp y khoa. Các phương pháp điều trị lượng đường trong máu thấp gồm:
- Với người bệnh tiểu đường được điều trị bằng insulin, cần được tiêm thuốc trước bữa ăn 1-2 giờ. Ăn thực phẩm chứa đường sau khi tiêm nếu người bủn rủn, khó chịu
- Nếu mắc các bệnh về thận, gan, khối u tụy cần siêu âm, chụp cắt lớp và điều trị bệnh - nguyên nhân gây hạ đường huyết.
- Trường hợp hạ đường huyết nhẹ, người bệnh tỉnh táo: ăn ngay các thực phẩm chứa đường như kẹo, bánh ngọt, hoa quả, uống nước ngọt, nước đường
- Trường hợp hạ đường huyết nặng: các bác sĩ sẽ thực hiện truyền glucose. Tiêm tĩnh mạch 20 – 50ml glucose 30%, có thể nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh. Tiếp theo truyền đường Glucose 5% (hoặc Glucose 10%) để duy trì đường huyết > 5.6 mmol/l. Trường hợp người bệnh không tỉnh sau 30 phút cần được thực hiện chụp CT sọ não để xác định nguyên nhân.
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh hoặc làm bệnh nghiêm trọng hơn như rượu bia, thuốc lá...
- Tập luyện thể dục thể thao nhẹ theo chỉ định của bác sĩ
Thể dục thể thao nhẹ nhàng tốt cho người hạ đường huyết
6. Biến chứng bệnh hạ đường huyết là gì?
Khi hạ đường huyết, cơ thể sẽ báo hiệu cho bạn bằng các dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt, lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh… Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua các dấu hiệu này quá lâu, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Biến chứng hạ đường huyết là gì? Nếu không được điều trị kịp thời não thiếu glucose để hoạt động, bệnh có thể dẫn đến:
- Động kinh
- Mất ý thức
- Tử vong
Ngoài ra, hạ đường huyết cũng có thể góp phần vào tình trạng như ngã, chấn thương, khó kiểm soát khi lái xe, mất khả năng nhận thức. Các đợt hạ đường huyết diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm về não, tim đe dọa tính mạng.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, các đợt hạ đường huyết lặp đi lặp lại gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Hạ đường huyết gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
7. Phòng tránh hạ đường huyết
Để phòng tránh hạ đường huyết, bạn nên thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết. Khi thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu thì nguy cơ hạ đường huyết càng thấp hơn. Bạn nên kiểm tra trước, sau khi ăn và trước, sau khi tập thể dục.
Nếu bạn bị tiểu đường, để phòng tránh hạ đường huyết hãy lên kế hoạch về việc dùng thuốc và chế độ ăn uống, lịch uống thuốc, tập luyện theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát bệnh tiểu đường và hạn chế hạ đường huyết. Hãy thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu, chuẩn bị các thực phẩm chứa đường bên cạnh như nước trái cây, viên glucose…
Nếu bạn không bị tiểu đường, hãy chú ý trong chế độ ăn uống tránh tiểu đường. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Chú ý chế độ ăn các thực phẩm giàu protein như trứng, đậu nành, các loại rau củ quả và thực phẩm chứa carbohydrate.
Tập thể dục đúng cách: chỉ nên tập thể dục sau ăn 30 phút đến 1 tiếng, chọn các môn có cường độ nhẹ. Nếu tập các môn cường độ mạnh cần mang theo món ăn nhẹ để bổ sung.
8. Cách ăn uống cho người hạ đường huyết
Người hạ đường huyết nên ăn gì?
Những người hạ đường huyết không nên nhịn đói hoặc để cơ thể bị đói quá lâu. Hãy luôn chuẩn bị cho mình sẵn các thực phẩm chứa đường trong túi để phòng lúc xảy ra hạ đường huyết. Một số thực phẩm tốt cho người hạ đường huyết gồm:
- Các loại thực phẩm giàu protein: Protein có tác dụng ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa hạ đường huyết. Bạn nên bổ sung protein từ các thực phẩm như thịt trắng, cá, đậu, trứng, đậu hũ, sữa đậu nành…
- Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất dinh dưỡng như sắt, các loại vitamin nhóm B. Vì thế bổ sung thường xuyên nhóm thực phẩm này giúp hạn chế chứng hạ đường huyết.
- Nước ép trái cây, trái cây khô: Nước ép trái cây nguyên chất giúp bổ sung carbohydrate hạn chế chứng giảm đường trong máu đột ngột.
Một số thực phẩm tốt cho người hạ đường huyết
Người hạ đường huyết nên kiêng ăn gì?
- Hạn chế uống rượu bia đặc biệt khi ăn ít hoặc không ăn
- Hạn chế tiêu thụ caffeine như cà phê, trà gây cảm giác mệt mỏi
9. Các câu hỏi thường gặp về hạ đường huyết
Người không bị tiểu đường có thể bị hạ đường huyết không?
Có, bệnh hạ đường huyết có thể xảy ra với tất cả mọi người. Đặc biệt những người thường xuyên nhịn đói, mắc các bệnh về gan, thận...
Có thể chữa khỏi hạ đường huyết không?
Hạ đường huyết không phải là bệnh, đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Vì thế, để điều trị dứt điểm hạ đường huyết thì người bệnh cần điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây dấu hiệu này. Hạ đường huyết hoàn toàn có thể tái phát nếu không được điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Hạ đường huyết có lây không?
Không, bệnh không có khả năng lây nhiễm như các bệnh lao, viêm gan B.
Người bệnh hạ đường huyết hôn mê trong bao lâu?
Hôn mê là dấu hiệu chứng hạ đường huyết nặng. Khi được điều trị đúng cách, người hạ đường huyết sẽ khỏi sau khoảng 10 phút.
10. Các hình ảnh về hạ đường huyết
Hình ảnh minh họa bệnh hạ đường huyết
Hình ảnh minh họa bệnh hạ đường huyết
Hình ảnh minh họa bệnh hạ đường huyết
Hy vọng các thông tin tổng hợp về bệnh hạ đường huyết là gì và các vấn đề liên quan trên hữu ích với bạn. Hãy lắng nghe cơ thể để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nhé. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!