pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
TP. Hồ Chí Minh: Hệ lụy từ dịch Covid-19
Chung cư Hòa Bình (phường 14, Quận 10, TP Hồ Chí Minh) bị lực lượng chức năng phong tỏa, thực hiện các biện pháp y tế do có người nhiễm Covid 19. Trước đó một ngày (13/3), quận Tân Bình cũng đã có người nhiễm Covid 19 đưa đi cách ly tập trung. Còn người thân của bệnh nhân này được cách ly tại nơi ở. Ở những nơi này, hệ lụy đã xảy ra.
Khu vực nhà thờ Sao Mai (nơi có một gia đình được cách ly tại chỗ), chính quyền đã cử lượng chức năng thay phiên túc trực 24/24. "Chỉ có chúng tôi mới được phép tiếp xúc với gia đình người bị nhiễm bằng các bước đúng theo quy trình. Họ cần mua lương thực, thực phẩm hay dịch vụ nào đó, chúng tôi hỗ trợ. Còn mọi hoạt động khác ở khu phố, chúng tôi khuyến khích, người dân sinh hoạt bình thường và tuân thủ đúng khuyến cáo về phòng dịch. Không đồn thổi, phát tán thông tin sai lệch ảnh hưởng tới cộng đồng" - Thiếu tá Thái Thanh Tiên (Công an Phường 7, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Theo quan sát của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, trong ngày 14/3/2020, các khu phố có người mới bị phát hiện nhiễm Covid 19, vắng lặng lạ thường. Xa hơn một chút, nếu có người ra đường thì hầu hết đều mang khẩu trang. Ngay cả người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ mưu sinh trên vỉa hè cũng không rời chiếc khẩu trang.
Chúng tôi đến một tiệm bán thuốc Tây trên đường Cách Mạng Tháng 8, hỏi khẩu trang, chỉ nhận lấy cái lắc đầu thay cho lời nói hết hàng của người bán.
Quanh khu vực này, kể cả đoạn đường Cách Mạng Tháng 8 vốn là một trong những nơi kinh doanh sầm uất nhất ở quận 10 và Tân Bình, nhiều điểm dịch vụ đóng cửa im ỉm. Nhiều hàng quán treo bảng "tạm thời đóng cửa". Còn điểm nào mở thì thỉnh thoảng mới có người tới. Ngay cả các điểm dịch vụ giải trí như bi – a, karaoke, chẳng có bóng nào.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, chủ một tiệm bún mọc mặt tiền đường Bành Văn Trân (phường 7, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) than thở: "Trước đây, mỗi ngày tôi bán được 15 kg bún. Nhưng kể từ này có dịch, 5 kg bán cũng không trôi. Còn ngày hôm nay, chỉ lèo tèo vài ba người".
"Tình trạng này kéo dài, chắc chúng tôi đóng cửa vì không thể trả tiền thuê mặt bằng hơn 10 triệu đồng/tháng ".
Ông Đặng Minh Thuận, chủ một tiệm ăn trên đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Làm việc cho một công ty cung cấp sản phẩm có liên quan đến các hoạt động giải trí trên địa bàn quận 1, chị Trương Thị Trúc Ngân cho hay, 1 tháng qua, lượng hợp đồng sụt giảm đáng kể. "Nay lại thêm quyết định đóng cửa các điểm dịch vụ giải trí, chúng tôi chỉ biết cắn răng chấp hành, mong dịch sớm qua chứ không biết phải nói sao". – Chị Ngân nén thở dài buông lời như vậy.
Cũng tại quận 1, công việc của chị Lê Thị Yến là giao dịch nên thường xuyên ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người. Hôm qua, chị đến một cao ốc gặp gỡ đối tác. Ngay tại sảnh, chị được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt. Kết quả là 37,9 độ C. Mọi người nghi ngờ, yêu cầu chị cách ly tạm thời để theo dõi. Nhưng sau đó, nhiệt độ trở lại bình thường. Lý do tăng là do thay đổi môi trường từ phòng có máy lạnh ra ngoài trời nắng. "Nhưng như thế đã mất hết một buổi sáng. Công việc bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên tôi buộc phải chấp hành thôi. Covid - 19 đặc biệt nguy hiểm và khó lường. Bản thân tôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt vì cuộc chiến chung". Chị Yến chia sẻ.
Thế nhưng vẫn còn có người lại tỏ ra hết sức chủ quan. Anh Phạm Quốc Dương một người hành nghề xe ôm, hàng ngày tiếp xúc với nhiều người. Anh kể: "Dịch tới sát nơi mình ở rồi nhưng nhiều người còn chủ quan lắm. Có người còn nói, nhiệt độ khoảng 7 – 8 độ C là con virus đó chết. Còn mình ở xứ nóng, việc gì phải sợ."
"Không nên hoang mang, lo lắng thái quá nhưng việc lơ là, chủ quan phòng dịch là rất nguy hiểm. Một khi dịch bệnh lây lan rộng là rất khó kiểm soát", ông Trần Thành, một người làm bảo vệ cho công ty thời trang tại phường 7 không đồng tình với những người coi thường dịch đã nói như vậy.