Ngày 17/9, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2035”.
Theo thống kê năm 2019, dân số thành phố có 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch. Mật độ dân số trung bình gấp 14,7 lần mật độ cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người.
Tuy nhiên, hiện nhiều hộ gia đình vẫn chưa có nhà ở, hoặc nhà thiếu kiên cố, đơn sơ, diện tích nhà bình quân dưới mức tối thiểu. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, việc giải quyết nhà ở cho người thu nhập trung bình, thấp, đặc biệt là cho giới trẻ là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể. Hiện những người có thu nhập trung bình, thấp cần loại căn hộ nhỏ, có 1-2 phòng ngủ có giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Thế nhưng, hiện nay, những căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng đang dần “vắng bóng”. Số liệu thống kê của HoREA cho thấy, năm 2017, trên địa bàn thành phố có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với gần 43.000 căn. Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 25,5%; phân khúc trung cấp chiếm 45,5%; phân khúc bình dân chiếm 29,1%.
Đến năm 2018, có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 28.300 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017; phân khúc trung cấp chiếm 45,3% và phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% giảm 4,4% so với năm 2017.
Trong những tháng đầu năm 2019, nguồn cung căn hộ bình dân tiếp tục khan hiếm, không có dự án mới được đưa ra thị trường. Từ số liệu cho thấy thị trường bất động sản thành phố chưa phát triển bền vững. Bởi lẽ, thị trường bất động sản chỉ phát triển bền vững khi đạt được cơ cấu sản phẩm hợp lý. Trong đó, phân khúc nhà ở bình dân chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc trung cấp và nhỏ nhất là phân khúc cao cấp.
Theo ông Châu, hiện nay, việc vấn đề thiếu nguồn cung căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng là do thiếu quỹ đất với mức giá hợp lý để phát triển dự án. “Khu vực nội thành giá đất rất cao, các quận huyện vùng ven cũng cao. Cho nên chỉ có một phương hướng tốt nhất là phát triển những khu đô thị vệ tinh, khu dân cư có quy mô trên 50ha, được kết nối giao thông thuận tiện, có đầy đủ các tiện ích kèm theo. Có như vậy thì mới phát triển được các dự án có căn hộ giá phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp, giới trẻ”, ông Châu cho hay.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, để làm được như vậy thì dứt khoát TPHCM phải phát triển theo khuynh hướng đa trung tâm, tức là phát triển các đô thị vệ tinh không chỉ trong ranh giới Thành phố mà bao gồm cả các tỉnh giáp ranh. Tiếp đến là phải có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người mua nhà và hoãn thiện chính sách nhà ở xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho rằng, cần có một quy trình riêng đối với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đối với một dự án nhà ở xã hội hiện nay phải mất trung bình 3 năm để hoàn thành pháp lý, 2 năm xây dựng. Như vậy là thời gian quá dài. “Làm sao để rút ngắn thời gian pháp lý xuống 1 năm thôi và xây dựng 2 năm. Như vậy là chỉ mất khoảng 3 năm đã có nhà cho người dân”, ông Nghĩa nói.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay trên thế giới, nhiều nước đang tập trung vào mô hình nhà ở cộng đồng dành cho người có thu nhập thấp và trung bình. Việc phát triển nhà ở cần phải phù hợp nguồn thu nhập của người dân, không chỉ ưu tiên vị trí, mà còn cần cả sự đa dạng các loại hình.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, phát triển nhà ở phải gắn với phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và của vùng. Xây dựng, hình thành nên hệ thống giao thông kết nối.
Theo ông Hoan, việc phát triển nhà ở phải chú ý nhiều hơn nữa đến đối tượng thu nhập thấp. Lâu nay, các doanh nghiệp chỉ mới chú ý đến việc phát triển nhà ở thương mại. Những người có thu nhập thấp, trung bình có nhu cầu nhà ở, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, cần phát triển nhà ở theo chiều cao hơn là chiều rộng, phấn đấu có nhiều hơn nữa nhà chung cư cao tầng để tạo ra một không gian rộng, thoáng, có đầy đủ các dịch vụ.
Ngoài ra, cần phát triển nhà ở có nhiều tiện ích, nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng cuộc sống phải cao. Tức là phải gắn với đô thị thông minh, các tiện ích hỗ trợ, để người dân có thể yên tâm mua những căn hộ dành cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng tốt.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, để phát triển được các mô hình phát triển nhà ở, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp thì trong vấn đề quy hoạch, Nhà nước phải làm sao để hình thành được những khu vực để phát triển nhà ở. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc bố trí đất để xây dựng nên nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp.
“Sau đó thì kêu gọi doanh nghiệp thực hiện. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tập trung hơn nữa trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư; tiếp tục cái cách thủ tục hành chính và hỗ trợ cho người mua nhà”, ông Hoan nói.