pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
TPHCM sẽ hỗ trợ người bán vé số đợt 2 với mức 750.000 đồng/người
Theo bà Nguyễn Thành Phụng, qua tổng hợp danh sách từ 24 quận huyện, đợt 2 (tính từ ngày 16/4) có 18.707 người bán vé số dạo cần được hỗ trợ (thường trú: 8.727 người; tạm trú: 9.980 người), tăng hơn 6.700 người so với thống kê đợt 1 (công bố trong cuộc họp báo ngày 7/4). Thời gian đề nghị hỗ trợ từ ngày 16/4 đến 30/4 và mức hỗ trợ cho đợt 2 này tương đương đợt 1 là 750.000 đồng/người.
Bà Nguyễn Thành Phụng nói rõ: "Thành phố sẽ phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 để chi hỗ trợ cho bà con". Ủy ban MTTQVN TPHCM cho biết, đợt 1, thành phố đã hỗ trợ số người này với tổng số tiền 14 tỷ 30 triệu đồng. "Ngoài mức 750.000 đồng/người, tất cả các quận, huyện đều vận hỗ trợ thêm. Có nơi trị giá quà, tiền còn cao hơn nhiều so với mức thành phố hỗ trợ", ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM, khẳng định.
Đợt 2 dù phải chờ phê duyệt nhưng các đoàn thể quận, huyện cũng đã phát huy tinh thần "đùm bọc sẻ chia" như lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN TPHCM, kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục giang tay, bảo bọc người bán vé số, không để ai bị đói, bị rủi ro về sức khỏe.
Quận 8 là nơi có nhiều người bán vé số nhất thành phố với 1.500 người. Tuy nhiên, kể từ ngày 16/4 đến nay, Ban tôn giáo, Hội chữ thập đỏ quận, Hội LHPN quận 8 cùng các tổ chức tôn giáo, các đơn vị sản xuất, các cá nhân giàu tình người chung tay góp vật chất giúp người bán vé số. "Chúng tôi đã giúp mỗi người bán vé số gạo, thực phẩm thiết yếu, tiền mặt, tổng trị giá từ 500.000 đến 800.000đồng/người. Trong khi đợi UBND thành phố giải quyết thì với những nỗ lực từ phía quận, tôi nghĩ người bán vé số vẫn đủ ấm lòng, đợi ngày hành nghề trở lại", ông Nguyễn Phúc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 8, cho hay.
Còn Thượng tọa Thích Chơn Thịnh cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này vì họ chẳng biết nhờ cậy vào ai nên sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ họ thêm càng nhiều càng quý".
Ở trong khu "ổ chuột" bên dòng kênh Đôi vắt ngang đen ngòm, bà Phạm Thị Lạ đã hơn 80 tuổi không có con, cháu. Những ngày còn bán vé số, bà ở trọ với giá 300.000 đồng/tháng. Khi công việc bị dừng, bà không còn khả năng cho các khoản chi phí ăn, ở. May thay, bà được vợ chồng ông Triệu Hồng Mến (phường 12) nhận về cho trú ngụ trong nhà của gia đình họ. "Vợ chồng tôi cũng phải kiếm từng đồng để sống nhưng không vì vậy mà so đo 300.000 hay 400.000 đồng là nhiều hay ít. Coi cụ như cha mẹ chúng tôi thôi!", ông Triệu Hồng Mến chia sẻ.
Lấy thực phẩm từ trong bọc mới vừa nhận ra để chuẩn bị bữa ăn trưa, không chỉ có gạo, dầu ăn, nước tương mà còn cả chả thịt đông và cá đóng hộp ăn liền, bà Lạ không khỏi xúc động: "Trước khi có dịch, tôi cũng chưa chắc đủ tiền để được ăn những thứ như thế này".