TP.HCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

10/04/2019 - 21:16
Ngày 10/4, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, hiện nay Quốc Cường Gia Lai có 12 dự án đang ách tắc, tổng diện tích trên 150ha. Đây là diện tích đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã tự đền bù giải phóng mặt bằng, không phải là đất công.
 
Trong 150ha này, bà Loan bày tỏ sự bức xúc về một dự án đất ở có diện tích 3.000m2, khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố.
 
Cũng theo bà Loan,  dự án 3.000m2 đất này đã được chấp nhận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2017. Tháng 10/2018 dự án đã duyệt xong 1/500, tất cả hồ sơ đầy đủ, không sai bất cứ một dấu phẩy. Tuy nhiên, đến khi trình UBND TP.HCM để xin chấp thuận đầu tư thì chuyên viên UBND Thành phố trả về vì văn bản Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành" mà không khẳng định "hoàn thành".
 
“Chỉ vì câu chữ mà kể từ đó, dự án bị ách tắc. Bây giờ yêu cầu doanh nghiệp phải quay lại từ đầu duyệt 1/2.000 trong lúc chúng tôi đã được duyệt 1/500. Coi như là quay lại từ đầu 100%”, bà Loan nói. 
 
Theo Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, hiện nay có nhiều chuyên viên các sở ban ngành rất hoang mang, sợ sai nên không dám trình cho lãnh đạo ký để trình lên ủy ban. “Có nhiều lúc, nếu không phải vì cổ đông, nợ ngân hàng, 3.000 nhân viên công ty thì đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để Nhà nước làm sao có cách nào tháo gỡ”, bà Loan cho hay.
 
 
bi-thu-nguyen-thien-nhan.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản.

 

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Nam Long cho biết, các chính sách hiện nay, từ luật, nghị định đến thông tư hướng dẫn còn có sự chống chéo, thiếu thực tiễn. Dẫn đến việc có nhiều cuộc thanh tra, kiếm toán kéo dài nhưng không đưa ra được kết luận, gây ra những nỗi bất an.
 
Theo ông Quang, thành phố cần có giải pháp, tác động ở mức độ cao hơn thì mới hiệu quả. Hiện các dự án bất động sản đang bị ngưng trệ, nguồn cung thiếu so với nhu cầu khiến cho giá bất động sản tăng cao. Nếu chủ đầu tư nào có dự án nào đưa ra vào thời điểm này thì sẽ có rất nhiều khách hàng ủng hộ.
 
Luật sự Trương Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay có hai vướng mắc chính đối với bất động sản là vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính. Theo luật sư Hòa, những vướng mắc mà địa phương giải quyết được thì cần sớm giải quyết. Sự phát triển bền vững của bất động sản sẽ tác động đến các mặt khác của xã hội. Đây là trách nhiệm chung và các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến vấn đề này. 
 
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vừa qua, Trung ương và TP.HCM đã tiến hành rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện. Hiệp hội kiến nghị UBND TP.HCM cho công bố danh mục 124 dự án này nhằm giúp các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đồng thời giúp cho người mua nhà yên tâm.
 
 
bat-dong-san.jpg
Các doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc - Ảnh minh họa.

 

 
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra bới quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp với chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các Sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất…
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản. Thành phố rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản phải chịu đựng hiện nay.
 
Theo ông Tuyến, UBND TP.HCM cũng đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và quan điểm là sai ở đâu thì xử lý ở đó, phải xử lý từ gốc.
 
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chưa lúc nào thời cơ kinh doanh bất động sản lớn như bây giờ. Thu nhập người dân thành phố cũng tăng cùng với dân số tăng là nhu cầu nhà ở vô cùng lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp bất động sản đồng hành với chính quyền trong xây dựng phát triển thành phố, đòi hỏi một cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp.
 
Bí thư Thành uỷ TPHCM giao UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu các Sở phải xây dựng và công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ; đồng thời nghiên cứu phát triển các loại dịch vụ đa dạng trong sản phẩm bất động sản khu vực nội thành, tăng mảng xanh, chiếu sáng để không ảnh hưởng nhiều đến xây dựng mới. Từ đó xây dựng thành phố đẹp hơn, văn minh và đáng sống hơn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm