pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
TPHCM: Trẻ em lang thang phun lửa xin tiền gây nguy hiểm cho người đi đường
Đêm. Tại khu vực Hồ Con Rùa, quận 3.
4, 5 đứa trẻ tranh nhau ngậm dầu phun lửa để gây sự chú ý rồi xin tiền khách. Các em cũng lùng sục vào các khu vực ăn uống ở quận 4, các công viên trên địa bàn quận 1, xin tiền không sót một quán, một khách nào. "Hình ảnh không hay. Chúng gây khó chịu đến những người khách đang ăn, uống làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của chúng tôi", anh Phan Ngọc Duy, chủ quán ăn uống trên đường Nguyễn Trường Tộ, quận 4 bức xúc.
Tình trạng trẻ phun lửa xin tiền có độ tuổi nhỏ hơn trước đây, chỉ từ 11 đến 13. Không chỉ quán nhậu, số trẻ này xin ở tất cả các quán ăn uống; cả đêm lẫn ngày. "Con phải làm vậy để có tiền trả tiền nhà và mua sữa cho em", Nguyễn Hoàng V. cho biết.
Khi được hỏi ngậm dầu phun lửa không sợ bị bệnh à, em Trần Văn. T. không ngần ngại: "Người ta nói con làm nhiều sẽ ung thư phổi nhưng…"
Theo giới y khoa, việc ngâm dầu phun lửa rất nguy hại đến sức khỏe. Khi ngậm dầu phun mà không súc miệng, một lượng dầu bám trong họng sẽ trôi xuống dạ dày dễ gây rối loạn tiêu hóa, về lâu dài dẫn đến ngộ độc mạn tính. Không chỉ tổn thương lớn đến bộ phận tiêu hóa mà còn cả tai, mũi, họng.
Dầu là chất lỏng dễ bốc hơi, lại ở môi trường nhiệt độ cao khi phun lửa nên dễ dàng xâm nhập vào phổi, lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh về phổi, tổn thương hệ thần kinh và đặc biệt có thể gây sốc dẫn đến tử vong. "Cực kỳ nguy hiểm là đang phun thì có thể bị hít sặc bất cứ lúc nào. Khi đó có thể gây ra ngưng tim, ngưng thở, ngưng tuần hoàn ngay lập tức, dễ dẫn đến tử vong", bác sĩ Hoàng Văn Thế, Trưởng Khoa bệnh Nghề nghiệp (Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh Nghề nghiệp TPHCM), cảnh báo.
Không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, việc kiếm tiền bằng công việc độc hại quá sớm còn ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của trẻ khi lớn lên. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ Trẻ em.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM, bày tỏ: "Tôi không đồng tình với những cha mẹ để con em mình làm việc này. Khi ngành chức năng vào cuộc, có người bảo lãnh con mình về nhưng sau đó lại tái phạm. Trường hợp tái phạm sẽ phải đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định chứ không thể để lang thang ngoài xã hội như thế này".
Hầu hết các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mồ côi cha hoặc cả cha lẫn mẹ. Có em nhiễm HIV nên cần quản lý chặt. Cơ quan bảo vệ trẻ em nhấn mạnh, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng, nếu cố tình để các em lang thang phun lửa xin tiền có thể bị truy tố tội "bóc lột, sử dụng sức lao động trẻ em".