Tuyến buýt đường sông đầu tiên này do Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư, có điểm xuất phát tại bến đầu là Bạch Đằng (quận 1), bến cuối là Linh Đông (Thủ Đức và sẽ đón khách ở 3 bến dọc đường là Bình An (quận 2), Thanh Đa (Bình Thạnh) và Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức). Giờ chạy tàu sẽ bắt đầu từ 6h sáng đến 19h30. Tùy thời tiết và lượng khách mà tàu sẽ điều chỉnh lộ trình phù hợp.
Giá vé cho toàn tuyến là 15.000 đồng/người. Hành khách có thể lên tàu ở Bến Bạch Đằng (quận 1) để chạy thẳng ra Linh Đông (quận Thủ Đức) trong thời gian 45 phút. Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện các bến khác thuộc lộ trình 1 là Thủ Thiêm, Saigon Pearl, Tân Cảng, Thảo Điền, Tầm Vu, Bình Triệu và Trường Thọ.
Ngành GTVT TPHCM hy vọng loại hình buýt đường sông này sẽ giúp người dân có thêm phương tiện di chuyển, đặc biệt kết nối các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1, 2 và sau đó sẽ là quận 4, 5, 7 và huyện Nhà Bè (tuyến số 2).
Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM cũng vừa trình văn bản lên UBND thành phố đề xuất cho thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh kết nối với các bến tàu buýt đường sông đến một số địa điểm trên địa bàn thành phố. Trước mắt kết nối từ tuyến buýt đường sông số 1 đến các khách sạn, địa điểm du lịch nổi tiếng như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyên Huệ, Bảo tàng TPHCM và các khu dân cư dọc tuyến.
Loại phương tiện sử dụng là xe từ 8 tới 14 chỗ, với 10 xe, hoạt động từ 5 giờ- 22 giờ mỗi ngày. Điểm đậu xe cũng được tính toán sẽ bố trí tại Bến thủy Vườn Kiểng, Bến thủy Bình An và Bến thủy Thảo Điền.
Sở GTVT TPHCM đánh giá, việc thí điểm xe điện 4 bánh trong phạm vi phù hợp và hạn chế là cần thiết để phục vụ người dân đi lại và tham quan du lịch. Đồng thời, cũng phát huy hiệu quả của tuyến buýt đường sông chuẩn bị đưa vào khai thác.