TPHCM: Xuất hiện ngành học mới phù hợp với sinh viên nữ

28/04/2018 - 16:50
Năm 2018 là năm đầu tiên Khoa Lao động & Công đoàn (trường ĐH Tôn Đức Thắng, TPHCM) tuyển sinh khóa đầu tiên chuyên ngành Hành vi tổ chức.

Hành vi tổ chức là chuyên ngành của Quan hệ lao động, sinh viên trúng tuyển vào ngành sẽ được đào tạo theo chương trình của các trường top 100 thế giới về chuyên ngành Hành vi tổ chức như Đại học Cornell, Đại học MC Gill, Đại học Northwestern…

Chương trình cung cấp cho sinh viên kiến thức về hành vi tổ chức, quản lý nhân sự, tạo động lực làm việc, quản trị sự thay đổi, đổi mới và sáng tạo, văn hóa tổ chức, phát triển tổ chức.

a3.jpg
inh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) được sử dụng thư viện hiện đại 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn hoặc các tổ chức nghiên cứu về thái độ và hành vi của nhân viên; Đảm nhận thiết kế những chính sách quản lý nhân sự, nhằm thúc đẩy những hành vi tích cực của nhân viên tại nơi làm việc đạt hiệu quả và hiệu suất.  

Đặc biệt, chuyên ngành khá phù hợp với học viên nữ, bởi lẽ môi trường làm việc chủ yếu là văn phòng, không đòi hỏi mức độ lao động chân tay nặng nhọc. Ngoài ra, nữ giới có những ưu thế về tính cách mềm mỏng, ôn hòa, phù hợp để giải quyết các mối quan hệ giữa người với người, là “cầu nối” giữa nhân viên và lãnh đạo

TS. Nguyễn Đình Hòa, Trưởng khoa Lao động & Công đoàn (trường ĐH Tôn Đức Thắng, TPHCM), cho biết: “Hiện nay, ở TPHCM chưa có chuyên ngành riêng biệt về Hành vi tổ chức nhưng các sinh viên đã được học các môn học về hành vi tổ chức, thường được dạy trong các chương trình về quản trị kinh doanh. Trên thế giới, ngành học này khá phổ biến và quen thuộc, được dạy ở nhiều trường đại học nổi tiếng. Các em ra trường có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như: Cán bộ công đoàn, các cơ quản lý nhà nước về lao động, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn chuyên trách hoặc bán chuyên trách, truyền thông nội bộ…”.

sv.jpg
Sinh viên trường Đh Tôn Đức Thắng ôn bài tại thư viện
 
 

Th.S Hà Thị Là, Phó Khoa Lao động & Công đoàn (trường ĐH Tôn Đức Thắng, TPHCM), cho biết thêm: Hành vi tổ chức là ngành học mới tại Việt Nam nên mức độ thu hút học viên sẽ không bằng so với các ngành truyền thống. Đó làm một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, ngành học này lại chiếm ưu thế cao về đầu ra cho sinh viên. “Ngành này khác đặc biệt là có ưu thế hệ thống công đoàn trải dọc, với hệ thống quản lý nhà nước về lao động. Các doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều cần phòng nhân sự. Vì thế, cơ hội việc làm sau khi ra trường cho sinh viên là rất lớn. Bên cạnh đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho nhiệm vụ đào tạo cán bộ công đoàn các tỉnh phía Nam từ tỉnh Bình Định trở vào. Vì thế, khoa chúng tôi hằng năm đều cử giảng viên trực tiếp đến các địa phương để giảng dạy, nâng cao môn nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn. Từ đó, giảng viên tập hợp kinh nghiệm thực tiễn và truyền lại cho sinh viên chính quy. Các em sẽ được trang bị những kiến thức thực tế để sau này ra trường đi làm không bỡ ngỡ. Khi các sinh viên của khoa đi thực tập, kiến tập thì khoa sẽ gửi tới các cơ quan đã đến giảng dạy để các em làm quen với công việc, tìm cơ hội cho mình”, cô Hà Thị Là chia sẻ.

Clip giới thiệu về chuyên ngành Hành vi tổ chức:

TS. Daniel Helman, giảng viên và nghiên cứu Khoa Lao động & Công đoàn, cho biết: “Hành vi tổ chức đòi hỏi sự tương tác giữa con người với con người rất cao, sinh viên học ngành này phải có kỹ năng làm việc theo đội, nhóm thật tốt. Tôi nhận thấy rằng các bạn sinh viên Việt Nam làm khá tốt điều này. Trải qua môi trường đào tạo chuyên nghiệp, tôi tin rằng các bạn sẽ làm tốt công việc sau khi ra trường”.

Là cựu sinh viên của khoa, chị Phạm Thị Thật cho rằng: Với những ngành học mới, đa phần học sinh và phụ huynh sẽ cảm thấy khá lo lắng về vấn đề việc làm về sau. Tuy nhiên, có lẽ để đưa ra ngành mới thì nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ về nhu cầu thị trường trong tương lai và đầu ra việc làm. “Bản thân tôi lúc trước cũng rơi vào tâm lý lo lắng khi đăng ký vào ngành quan hệ lao động, lúc đó cũng là ngành mới. Nhưng bây giờ tôi đã có công việc khá ổn định và phù hợp với năng lực. Các bạn cùng khóa với tôi cũng tìm được cho mình những công việc lương cao, đúng chuyên ngành. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh sắp tới là không nên chạy đua theo những ngành thời thượng, theo xu hướng, phong trào mà phải hiểu được mình đam mê lĩnh vực nào, tính cách có phù hợp với công việc đó không, nắm chắc được nhu cầu thị trường đang cần”, chị Phạm Thị Thật bộc bạch.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) là nơi đầu tiên đào tạo ngành Quan hệ lao động. Khoa Lao động & Công đoàn của trường đã đào tạo 8 khóa với gần 1.000 sinh viên theo học, tỷ lệ có việc làm 99,2%.

Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí tại bộ phận nhân sự ở các doanh nghiệp, các vị trí tại các ban chuyên đề thuộc hệ thống công đoàn hoặc các vị trí ở các cơ quan quản lý nhà nước về lao động. 

Hành vi tổ chức  là chuyên ngành của Quan hệ lao động. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 90 sinh viên, theo 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm