pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trả hết khoản nợ 700 triệu đồng trong 18 tháng nhờ không mua hàng online
Emer Farrell
Nợ nần do chi tiêu thiếu kiểm soát
Emer Farrell ở Ireland cùng người bạn đời Damien thường xuyên quyết định mua sắm dựa trên các quảng cáo trên MXH, dần dần trở thành thói quen chi tiêu bốc đồng. Điều này khiến cô phải gánh những khoản nợ lớn trong thẻ tín dụng, cùng với khoản vay cá nhân và khoản vay mua ô tô, đến năm 2019, Emer Farrell nợ ngân hàng 27.759 € (hơn 700 triệu đồng).
Trong nhiều năm, Emer nghĩ rằng thói quen chi tiêu của bản thân là bình thường. Đồng thời, không suy nghĩ quá nhiều về việc cô đã nợ nần chồng chất hay đã sa ngã như thế nào trước quảng cáo trên mạng xã hội. “Nếu tôi muốn ăn mừng kỳ nghỉ lễ lớn và không có tiền, tôi sẽ ngay lập tức sử dụng thẻ tín dụng. Nếu nhìn thấy một chiếc túi xách mới và thấy thích nó, tôi không chờ đợi để tiết kiệm mà mua nó. Tôi không cảm thấy mình làm điều gì sai lầm".
Cô chia sẻ thêm: “Tôi tin chắc rằng mọi thứ những người tôi theo dõi trên mạng xã hội giới thiệu đều là thứ tôi sẽ cần. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nếu đã có 5, 6 chiếc quần jeans, tôi sẽ không cần 1 cái mới nữa”.
Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2019, Emer buộc phải đánh giá lại số nợ mà cô mắc phải sau khi đón nhận cú sốc rằng bản thân sẽ không thể nghỉ hưu trong 29 năm nữa nếu tiếp tục chi tiêu phung phí. Emer đã phân tích cẩn thận thói quen chi tiêu của mình và nhanh chóng phát hiện ra rằng cùng với việc mua sắm trực tuyến, một phần lớn thu nhập của cô đã được chi cho cửa hàng tạp hóa, 850 euro (21,5 triệu đồng) được chi cho cửa hàng thực phẩm hàng tháng cho hai người. “Việc đầu tiên tôi làm là in sao kê ngân hàng 3 tháng trước. Đây là cách tốt nhất để tôi biết bản thân đã chi tiêu vào những khoản mục nào”.
Emer đã buộc bản thân phải cắt giảm từ 850 euro hàng tạp hóa xuống còn 300 euro một tháng. Bên cạnh đó, Emer đã quyết tâm phá vỡ thói quen chi tiêu của mình và chia chi phí hàng tháng thành 2 loại, nhu cầu và mong muốn. Cô quyết định giữ nguyên các khoản chi tiêu trong “nhu cầu" nhưng vẫn xem xét coi bản thân đang nhận được dịch vụ hay sản phẩm tốt nhất so với giá tiền hay không.
Cô quyết định đã cắt bỏ hóa đơn truyền hình trị giá 57 euro một tháng, giúp họ tiết kiệm 684 euro một năm. Emer tiết kiệm thêm 600 euro bằng cách chuyển đổi nhà cung cấp điện thoại di động của mình. Bên cạnh đó, cô gần như cắt toàn bộ chi tiêu mua hàng online đặc biệt là qua quảng cáo trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, Emer cho biết cô không quá khắt khe với bản thân trong quá trình này và đảm bảo rằng luôn có một phần ngân sách dành cho giải trí, đi ra ngoài ăn uống và những "mong muốn" khác mỗi tháng. Trong quá trình này, Emer nhận thấy rằng khi theo dõi sát sao tiền của mình sẽ đi đâu, cô sẽ đánh giá cao hơn những thứ bản thân đang có.
Trong suốt 18 tháng, Emer dần dần trả được nợ và đến tháng 4 năm 2021, cô chính thức không còn nợ. “Tôi đã trả hết cho họ theo thứ tự lãi suất cao nhất. Vì vậy, thẻ tín dụng được trả đầu tiên, khoản vay cá nhân tiếp theo và khoản vay mua ô tô là khoản cuối cùng".
Với tất cả các khoản nợ đã được trả hết, Emer và Damien hiện đang hy vọng biến giấc mơ nghỉ hưu sớm ở tuổi 50 thành hiện thực, cũng như tiếp tục tiết kiệm để mua một chiếc xe cắm trại mơ ước.
Bốn lời khuyên hàng đầu của Emer để trả hết nợ:
1. Tìm hiểu tiền của bạn đã đi đâu
Đây là điều quan trọng nhất để bắt đầu quản lý chi tiêu. Bởi vì sau đó bạn có thể biết mình đang tiêu tiền vào việc gì và bạn chuẩn bị cắt giảm khoản nào để bắt đầu trả hết nợ.
2. Bỏ theo dõi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội
Emer đã tạm thời hủy theo dõi rất nhiều người trên mạng xã hội, những người đã tác động khiến cô mua những thứ mà bản thân không cần. Nó giúp ngừng chi tiêu vào những sản phẩm hay dịch không cần thiết.
3. Trân trọng những gì bản thân đang sở hữu
Emer nói rằng nếu bạn biết ơn những gì bản thân đã có, bạn sẽ ít bị cám dỗ để mua thêm. Tương tự như vậy, khi bạn làm việc chăm chỉ để tiết kiệm cho những thứ mình muốn, chẳng hạn như một kỳ nghỉ hoặc một chiếc ô tô, điều này sẽ khiến bạn trân trọng những đồng tiền bản thân đã kiếm ra.
4. Tạo thói quen tốt khi nhận lương
Hàng tháng, Emer lập ngân sách và tuân thủ ngân sách đó. Vào ngày lãnh lương, cô ấy có một thói quen là chia nhỏ các khoản vào tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm... Điều này giúp dễ dàng kiểm soát tiền sẽ đi đâu.