Trả hồ sơ vụ nữ giám đốc ngân hàng lấy chục tỷ đồng chi xài cá nhân

15/10/2019 - 19:30
Khi bị phát giác, nữ giám đốc ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - GPBank, chi nhánh TPHCM, Lê Thị Minh Hiền cầu cứu Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.1 mang tài khoản của Ban này thế chấp vay giúp hơn 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, 15/10, nhiều tình tiết khác phát sinh khiến HĐXX trả hồ sơ.

Sáng nay, 15/10, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Lê Thị Minh Hiền, 42 tuổi, nguyên Giám đốc ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu chi nhánh TPHCM; Nghiêm Tiến Sỹ, nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank TPHCM cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Lê Quốc Cường, 59 tuổi, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.1 về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 10/2009 đến ngày 15/7/2010, nữ giám đốc Lê Thị Minh Hiền đã nhiều lần chỉ đạo cấp dưới lấy tiền quỹ cho mình tạm ứng cá nhân. Thời gian đầu, bà này trả lại tiền vào quỹ đầy đủ nhưng về sau, việc bù quỹ thưa dần. Đến ngày kiểm quỹ, ngân hàng phát hiện số tiền thâm hụt đã lên tới gần 10,5 tỷ đồng. Bà giám đốc nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục đầy đủ. Đúng thời gian này, Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1 đã mở nhiều tài khoản tiền gửi tại GP Bank chi nhánh TPHCM để thực hiện đền bù giải tỏa cho các tổ chức, cá nhân. Trong đó có 4 tài khoản tiền gửi, có tổng số dư hơn 10,7 tỷ đồng.

 

Bị cáo Lê Quốc Cường (giữa)

 

Có mối quan hệ quen biết trước đó nên Lê Thị Minh Hiền đã nhờ Lê Quốc Cường đứng ra vay 10,5 tỷ đồng tại GP Bank Chi nhánh TPHCM giúp trong vòng 7 ngày. Ngày 20/7/2010, Hiền đã đến ngân hàng Agribank Chợ Lớn nhờ giải quyết cho công ty TNHH Cường Nguyễn do Nguyễn Quốc Cường, bạn của Hiền, làm giám đốc vay 10,5 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn lưu động, tài sản đảm bảo là 10,5 tỷ đồng tại tài khoản tiền gửi của ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1 mở tại ngân hàng Agribank Chợ Lớn, số tiền đảm bảo này sẽ được chuyển từ 4 tài khoản của Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1 tại GP Bank TPHCM. Sau khi Lê Quốc Cường gửi giấy đề nghị chuyển tiền, Ban giám đốc GP Bank đã cho rút từ 4 tài khoản của ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1 là trên 10,7 tỷ đồng, để chuyển qua Agribank Chợ Lớn, nhưng thực chất chỉ thao tác trên chứng từ và chỉ có 279,7 triệu đồng tiền mặt được chuyển đến Agribank Chợ Lớn.

Phía Agribank Chợ Lớn có làm thủ tục nhận trên giấy tờ số tiền 10,5 tỷ này và giải ngân cho Công ty Cường Nguyễn số tiền 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thao tác trên giấy tờ, thực tế không có đồng tiền mặt nào được giao dịch. Điều này đồng nghĩa, 4 tài khoản của ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1 tại GP Bank chi nhánh TPHCM đã được tất toán bằng 0. Sau 7 ngày ký giấy tất toán 4 tài khoản của Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1, Lê Quốc Cường nhận được thông báo của GP Bank chi nhánh TPHCM đã được tất toán bằng 0 và thông báo của Ngân hàng Agribank Chợ Lớn về việc thu hồi khoản bảo lãnh vay nợ thay cho Công ty Nguyễn Quốc Cường. Lúc đó, Lê Quốc Cường đã nhiều lần đề nghị Hiền trả lại 10,5 tỷ đồng cho Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng, nhưng bà này đã hết khả năng thành toán, buộc Cường phải móc tiền túi hơn 5 tỷ đồng nộp vào số tiền đã bị thâm hụt.

Tháng 5/2015, Lê Quốc Cường đã bị TAND TPHCM đưa ra xét xử trong 1 vụ án khác khi chỉ đạo Huỳnh Thị Cúc 49 tuổi, nguyên Thủ quỹ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1, chi số tiền lãi phát sinh của Ban không đúng mục đích. Ra tòa, bất ngờ Cường “tố” hành vi lừa đảo của Lê Thị Minh Hiền nên Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa, đề nghị làm rõ vai trò của Hiền.

 

Hàng đầu, từ trái qua, các bị cáo: Hiền, Sỹ, Cường, Cúc tại phiên tòa sáng 15/10/2019. Ảnh: T.N.N

 

Đến năm 2016, Hiền bị bắt và khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án đã 3 lần được đưa ra xét xử nhưng đều phải trả hồ sơ điều tra bổ sung do bị cáo do có hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ. Tiến hành điều tra lại, cơ quan điều tra nhận thấy hành vi của Nghiêm Tiến Sỹ, nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank TPHCM, có yếu tố đồng phạm với bị cáo Hiền nên đã khởi tố bị cáo này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại các phiên tòa trước, bị cáo Lê Quốc Cường đều khai rằng muốn giúp Hiền mượn 10,5 tỷ đồng và tin tưởng nữ giám đốc này sẽ thu xếp trả ngân hàng đúng hạn. Cường cũng khẳng định không có việc Hiền dùng các thủ đoạn gian dối để lấy 10,5 tỷ của Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1. Bị cáo Cường cho rằng tất cả là do các ngân hàng làm trái pháp luật nên phải hoàn trả cho Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng.

Đại diện Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1 là nguyên đơn dân sự trong vụ án này cho rằng họ không yêu cầu nữ giám đốc ngân hàng trả tiền mà yêu cầu GPBank TPHCM chính là pháp nhân phải trả tiền cho họ. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Cường lại cho rằng Hiền có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Q.1. Bị cáo Hiền sáng nay cho rằng, thực chất số tiền 10,5 tỷ đồng là vay dùm của Cường để đưa cho bà Đoàn Minh Hà, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Minh Quang. Người nhận tiền thay cho bà Hà là ông Lương Tiến Thành, nhân viên công ty Minh Quang. Bị cáo Hiền cho rằng, giữa bà Hà và ông Cường có mối quan hệ liên quan đến dự án tại số 15 -17 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, của công ty Minh Quang. Cường cũng chính là người soạn thảo các văn bản, phụ trách việc xin chủ trương lập dự án cho công ty Minh Quang.

Từ các lời khai này, sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ lời khai của các bị cáo và nhân vật liên quan.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm