pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ đối với xã hội, thi ca
![Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ đối với xã hội, thi ca](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/12/van-nghe-2-17393693097201718639405-189-58-950-1275-crop-1739369330447221864348.jpg)
Biểu diễn văn nghệ trong Đêm thơ "Tổ quốc bay lên" tại Ninh Bình tối 12/2/2025
Ngày 12/2, trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2025, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ. PNVN xin được trích dẫn một số ý kiến phát biểu tại tọa đàm.
![Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh trống khai mạc đêm thơ "Tổ quốc bay lên" trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2025 tại TP Hoa Lư Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh trống khai mạc đêm thơ "Tổ quốc bay lên" trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2025 tại TP Hoa Lư](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/12/ngay-tho-viet-nam-17393687647191550096082.jpg)
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - đánh trống khai mạc đêm thơ "Tổ quốc bay lên" trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2025 tại TP Hoa Lư tối 12/2
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương: Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới
Tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhấn mạnh: Thơ ca có giá trị đối với đời sống ở chỗ, con người biết vịn vào sự tử tế do thơ ca mang đến. Thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhìn ra những vẻ đẹp của cuộc sống và ca tụng vẻ đẹp đó, mà từ đó còn chưng cất lên một vẻ đẹp khác cao hơn mang tính lý tưởng, biến lý tưởng thành khát vọng và đưa con người hướng tới lý tưởng đó. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ.
![Nhà thơ Nguyễn Bình Phương Nhà thơ Nguyễn Bình Phương](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/12/nguyen-binh-phuong-1739368765637517948646.jpg)
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cũng đặt câu hỏi: Liệu người nghệ sĩ đã làm được đầy đủ trách nhiệm đó hay chưa, có đối diện với những vấn đề gai góc của đời sống không, hay chọn cách đi vòng qua, tránh né bằng sự phù phiếm?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Trách nhiệm và khát vọng là những đòi hỏi tích cực của cuộc đời đối với thi nhân
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trách nhiệm và khát vọng, về định tính, chúng như nhau, đều là những đòi hỏi tích cực của cuộc đời mà mỗi chúng ta nên hoàn thiện, cần hoàn thiện, phải hoàn thiện. Nhưng về định lượng thì có khác nhau. Trách nhiệm có tính cách bắt buộc, như bổn phận, không hoàn thành là thiếu sót, nhưng cái đích ngắn hơn, cụ thể hơn, nhiều khi như việc của thường ngày. Khát vọng thì không bắt buộc ai cũng phải có, phải trưng ra, cái đích đến của khát vọng cũng cao hơn, cũng xa hơn, nhiều khi là cả đời người.
![Nhà thơ Vũ Quần Phương Nhà thơ Vũ Quần Phương](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/12/vu-quan-phuong-17393687645051648754606.jpg)
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Nhà thơ Vũ Quần Phương lấy ví dụ cụ thể từ trường hợp của Nguyễn Đình Thi - một cách ứng xử gắn với trách nhiệm của nhà văn khi đất nước lâm nguy nhưng thấp thoáng sau những việc hàng ngày ấy lại là một thực thi khát vọng:
"Vào cuối năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc có cuộc nhận xét thơ Nguyễn Đình Thi. Thơ anh bị chê là khó hiểu, không tiếp nhận được. Công chúng thơ lúc đó chủ yếu là bà con nông dân, công nhân và bộ đội. Cuộc họp giữa những nhà thơ nhà văn hàng đầu của giới sáng tác. Không đông người dự nhưng là những ý kiến thiết thực, phản ánh một yêu cầu của bạn đọc cũng là một trách nhiệm lớn của người cầm bút. Cũng có ý kiến cực đoan muốn phủ nhận sạch trơn loại thơ này. Nguyễn Đình Thi ngồi dự và tiếp nhẫn và sửa chữa nghiêm chỉnh. Sau đó, ông đã dùng thể lục bát viết một truyện thơ về cải cách ruộng đất Mẹ con đồng chí Chanh, có nhiều đoạn cảm động, cốt truyện dễ nắm bắt. Mấy năm sau nữa, ông hoàn thành trường ca Bài thơ Hắc Hải, dễ đọc đễ hiểu được coi là một thành tựu của nền thơ.
Về những bài thơ cụ thể được cuộc họp dẫn ra phê phán, ông đã sửa chữa công phu như đúc hai bài thơ khó hiểu Sáng mát trong như sáng năm xưa và Đêm mit tinh thành bài Đất nước được coi là bài thơ thành tựu của kháng chiến chống Pháp, được giảng trong bậc trung học liên tục hơn nửa thế kỷ nay và thành đề văn cho nhiều khóa thi tú tài. Tôi chắc Nguyễn Đình Thi đã lao động nghiêm cẩn, tâm phục khẩu phục, trong việc sửa chữa ấy nên mới có có kết quả tốt đẹp như vậy. Đây chính là phần ông thực thi trách nhiệm nhà văn trước đòi hỏi của cuộc đời.
Nhưng khi in tuyển tập thơ, vào năm 1998, khi đất nước đã qua hơn 10 năm đổi mới, có nhiều biến động trong quan điểm văn chương và mọi mặt cuộc sống, Nguyễn Đình Thi đã cho in lại các bài thơ, cả bản đã sửa và cả các bài tiền thân của nó. Tôi hiểu là ông "trình làng" lại khát vọng cách tân thơ của ông từ nửa thế kỷ trước. Khát vọng ấy chưa đủ chín trong thực hiện, trong kết quả nhưng nó không hề tắt trong lòng ông. Chính vì vậy mà thơ ông sau này không còn khó hiểu mà vẫn đạt được những tiêu chí ông mong ước như ý thơ kín đáo hàm súc, tiết kiệm lời, tiết kiệm chất liệu thơ, tác giả không đuổi theo vần nhưng bạn đọc vẫn nhận ra nhịp điệu, một thứ nhịp bên trong, rất nội tâm, cất lên từ sự chân thật của tấm lòng".
Nhà thơ trẻ Nguyễn Như: Khát vọng bắc cầu tới những tâm hồn đẹp
"Tôi luôn mong muốn thơ ca nước nhà được lan tỏa, đồng cảm và đón nhận rộng rãi. Nhưng suy cho cùng thì mỗi tác giả đều có khát vọng của riêng mình khi viết. Tâm thức sáng tạo của họ cũng gửi gắm vào thơ tùy điều kiện, tâm thế mà họ có. Vì vậy, có những khát vọng vượt khỏi ranh giới nội biên; có khát vọng khai sáng một thời đại, vùng đất, văn hóa, con người; hay chỉ đơn giản là giải tỏa những u uẩn, muộn phiền cá nhân…
Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ theo thơ cùng một khát vọng, đó là khát vọng bắc cầu tới những tâm hồn đẹp, những người, những trí tuệ đẹp. Ngoài ra, tôi mong muốn tìm được một sự kết dính kỳ lạ để kéo gần lại những bờ sông, những khe núi, những biên giới, không gian xa lạ! Có lẽ để hoàn thành giấc mơ này, tôi cần truy vấn tận cùng tinh thần, tận cùng cái tôi của mình. Mặc dù, mơ khát này cảm tưởng cực khó nhưng tôi tin rằng sẽ làm được khi tôi có một tình yêu chung thủy đối với thơ, một khao khát được sống, một ước mơ đất nước, con người luôn tươi đẹp!"
Nhà thơ Đặng Huy Giang: Sáng tạo và nghiêm túc trong hành xử với thi ca
Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ là không cùng. Ai cũng muốn làm thơ hay, nói theo cách quen thuộc là "ai cũng muốn để lại cho đời những bài thơ hay, những câu thơ hay", nhưng đâu có dễ! Theo nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thì "những câu thơ hay là những câu thơ bắt được hoặc trời cho".
Trước khi có những câu thơ hay, chúng ta hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thực sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca. Phấn đấu làm sao để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó".
![Nhà thơ Đặng Huy Giang Nhà thơ Đặng Huy Giang](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/12/dang-huy-giang-1739368766360582295262.jpg)
Nhà thơ Đặng Huy Giang
Nhà thơ Hà Phạm Phú: Muốn thực hiện trách nhiệm và khát vọng, trước hết thơ phải hay
"Thơ có thể làm gì để xây dựng một xã hội chân- thiện- mỹ? Hiển nhiên thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thực sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế. Đặc biệt hiện nay, Internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Đặc điểm văn phong của thơ quyết định nó có thể điều phối sự chú ý của công chúng, dùng ngôn từ thích hợp để diễn đạt những chủ đề phức tạp, truyền tải năng lượng mới, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội…
Nói như vậy để thấy trách nhiệm xã hội của thơ có nền tảng rộng rãi. Và như thế, trách nhiệm xã hội của nhà thơ là rất lớn.
Các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, là những con người sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của nhà thơ là như thế nào? Thơ có thể phàn nàn về các vấn đề chính trị, phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người. Thơ có thể trau dồi gu thẩm mỹ của con người và trau dồi tư cách đạo đức của họ. Nó cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi tiên phong và dự báo nó.
Muốn vậy thì tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải hay".