pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trải nghiệm kinh hoàng sau những lời quảng cáo "việc nhẹ lương cao"
Người Indonesia được đưa về nước từ Campuchia sau khi bị lừa đảo. Ảnh: ABC News.
Cuộc sống ở nơi tối tăm, bao quanh bởi những hàng rào dây thép gai
Trong tháng 8, ước tính 241 người từ Indonesia đã được đưa về nước từ Campuchia sau khi bị những kẻ buôn người đưa sang Campuchia để thực hiện lừa đảo trực tuyến.
Fachri là một trong số đó. Chàng trai 19 tuổi đã bị lừa đến thị trấn Sihanoukville với hứa hẹn một công việc marketing hấp dẫn tại một công ty đầu tư, với mức lương khoảng 2.200 đô mỗi tháng.
Công việc đầu tiên của Fachri là tạo các tài khoản giả trên nhiều mạng xã hội, sử dụng hình ảnh những cô gái có vẻ ngoài hấp dẫn. Thông qua các tài khoản này, anh được yêu cầu phải kiếm bạn trên mạng xã hội và thường xuyên trò chuyện với họ, trước khi thuyết phục những người này bỏ tiền đầu tư hay đánh bạc trực tuyến.
Khối lượng công việc sau đó không ngừng tăng, và Fachri bị yêu cầu phải làm việc tới 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, và phải đạt mục tiêu kiếm được 55.000 đô la mỗi tháng.
Fachri sau đó quyết định báo cáo nhà chức trách khi nhìn 3 đồng nghiệp của mình bị bắt giữ, và lo rằng bản thân sẽ rơi vào tình huống tương tự.
"Khi công ty phát hiện việc chúng tôi báo cáo với cơ quan chức năng, 10 người bị gọi lên và đe doạ phải nói rằng họ đều ổn, hoặc nếu không sẽ bị điều chuyển đến công ty khác", anh nói.
Fachri nói rằng sau đó từng người một trong số họ bị đuổi ra đường. "Tôi bị yêu cầu phải rời khỏi chỗ ở vào 10h tối một mình, hộ chiếu bị xé, điện thoại bị xóa thông tin". Cuối cùng, anh thấy một cảnh sát địa phương và nhờ họ gọi cho Đại sứ quán Indonesia.
Tương tự như Fachri, Nguyễn Thiên Kai quyết định sang Campuchia sau khi được hứa hẹn một mức lương cao cho công việc dạy chơi game trực tuyến. Nhưng khi vượt sang bên kia biên giới, cô bé 19 tuổi bị nhốt trong một tầng hầm. Lúc này, Kai nhận ra mình đã bị lừa.
"Tôi cố gắng giấu điện thoại và nhắn tin cho gia đình để nói cho họ biết những gì đã xảy ra. Nhưng ông chủ của tôi đã phát hiện và lấy nó đi. Ông ta đọc những tin nhắn tôi gửi đi, sau đó đánh tôi và gửi tôi đến một nơi khác", Kai kể lại.
Fachri và Kai là 2 trong số hàng nghìn nạn nhân trên khắp châu Á nằm trong đường dây buôn người sang Campuchia và buộc phải tham gia vào các hoạt động lừa đảo trên mạng.
Nhiều nạn nhân đã bị ép phải ở ngay trong casino, hay những nơi tối tăm, ẩm thấp bao quanh bởi những hàng rào dây thép gai.
Người nhà của Kai phải nộp một khoản tiền chuộc 3.500 đô, số tiền vượt quá khả năng tài chính, để cô có thể về nhà vào tháng 7 vừa qua. Nỗi kinh hoàng của Kai kéo dài 10 ngày, nhưng với người khác có thể là hàng tháng, bị bán đi nhiều lần và hành hạ một cách dã man.
"Đó là những trải nghiệm kinh hoàng, tôi muốn mọi người biết điều đó, để đừng bị đánh lừa bởi những lời dụ dỗ về lương cao, hay cuộc sống tốt hơn", cô nói.
Hệ lụy từ đại dịch
Các báo cáo cho thấy mạng lưới tội phạm này đã tìm kiếm những "con mồi" từ Đài Loan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan hay Myanmar.
"Đại dịch Covid-19 đã tạo ra làn sóng mất việc làm quy mô lớn trên toàn thế giới, kể cả ở những nước khá phát triển, qua đó tạo cơ hội cho những kẻ buôn người thiết lập cơ sở ở Campuchia nhằm lợi dụng tình hình bi đát của các nạn nhân", Jacob Sims, giám đốc quốc gia Phái đoàn Tư pháp Quốc tế tại Campuchia, nói.
Năm ngoái, khi Sydney còn đang bị phong toả, Vanessa quyết định đi học tiếng Trung Quốc và tham gia một ứng dụng dạy ngoại ngữ.
Tại đây cô đã gặp kẻ lừa đảo, tự nhận là từ Hong Kong và hỏi cô số điện thoại trên WhatsApp. Họ nói chuyện thường xuyên trong vòng 3 tuần, chia sẻ các bức ảnh về cuộc sống và công việc, rồi kẻ kia nói về các khoản đầu tư tiền ảo.
Cô không biết người bên kia là một kẻ lừa đảo tại Campuchia. Thông thường, những kẻ này thường đi theo một kịch bản phức tạp nhằm tạo lòng tin từ con mồi, và sau đó khuyến khích họ tải xuống một phần mềm đầu tư giả mạo.
Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu (GASO) mô tả đây là cách để kẻ lừa đảo gây dựng lòng tin, và quan trọng là chúng không bao giờ hỏi về tiền bạc một cách trực tiếp.
Vanessa, hiện là một tình nguyện viên của GASO, cho biết kẻ lửa đảo khuyến khích cô đầu tư vào phần mềm tiền ảo trên, và chỉ trong 3 ngày cô đã thấy lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình. Nhưng sau đó cô bắt đầu thấy nghi ngờ. Cô đi tìm hình ảnh do kẻ lừa đảo gửi và thấy rằng đó thực chất là của một người mẫu và xuất hiện trên nhiều website.
Trường hợp của Vanessa là khá hiếm khi cô không bị mất tiền, nhưng cho biết thêm nhiều người Úc khác đã mất hàng trăm nghìn đô la.
Ước tính, người dân Úc mất khoảng 2 tỷ đô la do lừa đảo trong năm 2021, trong đó bao gồm 701 triệu đô la từ các khoản đầu tư giả mạo và 142 triệu đô từ những mối quan hệ tình cảm lừa đảo.
Trong 5 tháng đầu năm, ước tính con số lừa đảo đã lên tới 113 triệu đô từ các khoản đầu tư vào tiền ảo.
Ngô Minh Hiếu, hacker nổi tiếng từng bị bỏ tù ở Mỹ, hiện làm việc cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam, cho biết cuộc sống của những nạn nhân của các vụ lừa đảo này còn tệ hơn nhà tù, bị đánh đập hàng ngày.
Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về phòng chống buôn người Bun Eng của Campuchia nói rằng đây là một "hoạt động phạm tội nguy hiểm mới" và các nước trong khu vực cần chung tay để đối phó.