Trải qua cay đắng, Xuân Quỳnh có thơ để gửi gắm tâm tình

25/04/2017 - 17:27
Là bạn gái thân của nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có rất nhiều kỷ niệm cũng như nắm giữ nhiều bí mật về nữ thi sĩ tài sắc vừa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
quynh-1.jpg
 Cố thi sĩ Xuân Quỳnh

Mang quần áo đến giặt ở cơ quan

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi chưa gặp Xuân Quỳnh, tôi đã đọc thơ của chị trong tập Chồi biếc in cùng nhà thơ Cẩm Lai và rất yêu thơ của chị. Tốt nghiệp khoa Báo chí trường Tuyên giáo Trung ương, về làm việc tại báo Thủ Đô (nay là báo Hà Nội mới), lần đầu tiên tôi gặp Xuân Quỳnh - đang là phóng viên báo Văn nghệ - chúng tôi lập tức thân thiết và gắn bó, dù cả hai lúc đó chưa hề có tiếng tăm gì trong làng thơ, làng báo.

Lúc đó, Xuân Quỳnh đã lấy chồng, là anh Tuấn, người kéo violon trong dàn nhạc mà Xuân Quỳnh là diễn viên múa. Hai người đã có con trai, cháu Tuấn Anh. Dạo đó, cái gì cũng thiếu. Nước máy không có, Xuân Quỳnh thường mang quần áo của cả nhà đến cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam ở số 65 Nguyễn Du giặt, phơi rồi chiều lại mang về. Nhiều người cũng kêu nàng "lợi dụng cơ quan", "suốt ngày chỉ lo việc gia đình"... Nàng có khi sang khóc với tôi: "Nhục lắm mày ạ. Nhưng các vị lãnh đạo thì thông cảm, không ai nói gì, nên tao cũng kệ. Nhưng giờ tao chỉ giặt thôi, không phơi nữa kẻo rách việc lắm!"... Ôi - một thời gian lao, thiếu thốn đủ mọi bề. Ấy thế mà, hễ có chút nhuận bút là hai đứa lại rủ nhau đi ăn kem, ăn chè đậu đen, có khi là ốc luộc, củ khoai... rồi than thở với nhau đủ chuyện.

tho.jpg
Thư Xuân Quỳnh viết gửi Phan Thị Thanh Nhàn từ Quảng Bình - nơi Xuân Quỳnh đi thực tế sáng tác năm 1969  

Sửa thơ dự thi cho bạn thân

Tôi còn nhớ, năm 1969, báo Văn nghệ mở cuộc thi thơ, Quỳnh trong Ban sơ khảo. Tôi hồi đó cũng đã có vài bài được đăng báo, nhiều người khen, nên cũng lẳng lặng gửi 5 bài dự thi, chỉ bàn với ông xã mà không nói gì với ai. Mấy hôm sau, Quỳnh hớn hở chạy sang gặp tôi: "Mấy bài mày gửi được lắm, nhưng bài Hương thầm tao thấy là được nhất. Tuy nhiên, tao muốn mày sửa 2 chữ, chỉ một chút thôi, mày chịu không?'". Tôi ngần ngại: "2 chữ nào?". Xuân Quỳnh cười tươi: "Mày viết Cô gái như chùm hoa nhỏ bé/Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu. Tao muốn mày sửa 2 chữ nhỏ bé thành lặng lẽ - chịu không?". Thấy tôi chưa nói gì, nàng lại thuyết phục: "Lặng lẽ có chiều sâu, còn nhỏ bé chỉ là tả bên ngoài thôi. Mà lặng lẽ còn hợp với tính cách của mày nữa cơ!". Tôi vẫn e dè: "Bài gửi đi rồi, làm sao sửa đây?". "Ôi trời, tao ở trong Ban sơ khảo, là người đầu tiên nhận và đọc các bài gửi đến. Mày vào chép lại ngay rồi đưa đây, tao về thay cho bài mày đã gửi là xong mà!".

Các bạn ơi - người ta cứ bảo con gái là hay chành chọe, nói xấu nhau, dìm nhau, cãi nhau... Nhưng với Xuân Quỳnh, tôi chỉ xin kể một chi tiết nhỏ như vậy để các bạn thấy là chúng tôi thương mến nhau biết bao nhiêu. Ít lâu sau, Xuân Quỳnh lại hớn hở chạy sang cơ quan tôi: "Nhàn ơi, mày có thể được giải Nhì đấy. Giải Nhất là một chàng bộ đội đang ở chiến trường. Thơ hay, độc đáo lắm". Tôi hơi e dè:"Chưa quyết định à? Mày nói trước thế này, lỡ tao không được thì"... "Ban chung khảo sẽ quyết định sau, nhưng Ban sơ khảo của tao thì nhất trí hoàn toàn rồi. Tao vui quá, phải chạy sang báo cho mày mừng đã".

Các bạn ơi - hôm ấy, hai đứa tôi đã lang thang với nhau trên những con đường Hà Nội rợp bóng cây phía Hồ Tây. Nào Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, đê Yên Phụ... Một ngày Hà Nội có nắng vàng rực rỡ và không hề bị giật mình vì những tiếng còi báo động.

lop.jpg
 Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và Xuân Quỳnh (2 người phụ nữ đứng giữa) ở Học viện Gorky - Liên Xô (cũ)

“Ai cũng bảo cô Quỳnh đanh đá”

Nhưng không chỉ có bài thơ dự thi, mà trước đó, khi tôi làm thơ và đọc cho Quỳnh nghe, nàng cũng thường góp ý. Và tôi cũng thấy hợp lý, bèn sửa ngay. Ví dụ, trong bài thơ Xóm đê, tôi viết: “Nhưng chúng tôi, lớp trẻ vô tư/Cứ lớn lên rộn rã ước mơ/Có lúc không ngoái nhìn quá khứ”, Xuân Quỳnh nghe và nói tôi nên sửa lại “Có lúc quên ngoái nhìn quá khứ”. Nàng bảo chữ quên nhẹ hơn, đừng khẳng định bằng chữ không... Đại loại vậy.

Năm 1967, bạn thân của chúng tôi là nhà văn Dương Thị Xuân Quý vào chiến trường, để lại con gái nhỏ là bé Hương Ly mới 9 tháng tuổi. Tôi rất xúc động, đã viết bài thơ Nhớ bạn tặng Dương Thị Xuân Quý và đọc cho Quỳnh nghe: “Phố Hàng Bông mày ở/Với tao, giờ vắng không/Dẫu hàng kem góc phố/Thiếu chúng mình vẫn đông.../Tao vẫn mơ thấy mày/Lạ thế, không hề gầy/Vẫn tròn như hạt mít/Vẫn hấp ta hấp tấp/Hay nói và hay cười/Bộ áo quần chiến sĩ/Trông mày gọn mà tươi…/Mảnh trăng nghiêng chân trời/Đã bao đêm mày thức/Ước cùng nhau Hương ơi/Xuyên rừng đi công tác” (Vào chiến trường, Dương Thị Xuân Quý lấy bút danh là Dương Hương Ly).

Xuân Quỳnh nghe xong, mắt rưng rưng: “Mày yêu cái Xuân Quý quá. Bài thơ hay lắm. Nhưng mày chưa bao giờ làm tặng tao một câu thơ nào”(!). Mấy hôm sau, vẫn ngồi trên chiếc ghế đá bên Hồ Gươm, trước của cơ quan báo Hà Nội mới, tôi thú thật: “Tao có làm thơ tặng mày. Cả một bài dài cơ. Nhưng tao ngại mày... không thích, nên chưa dám đọc” . Xuân Quỳnh ngồi nghiêm lại, nói nhỏ: “Đọc đi. Tao nghe đây”. Và tôi khe khẽ đọc bài thơ viết tặng Nàng:

Mới gặp mày chẳng mấy ai ưa

Cái miệng xinh mà lời nói ác

Đôi mắt đẹp, cái nhìn quá sắc

Như vạch trần người ta

 

Tiếng dữ về Quỳnh đồn xa

Ai cũng bảo cô Quỳnh đanh đá

Nghe tiếng của mày đã nhiều người sợ

“Con gái mà như đàn ông” (!)...” (theo Trồng cây táo hóa cây bạch đàn, thơ Xuân Sách viết về Xuân Quỳnh)


Ai biết đâu số mày vất vả (?)

Ôi - nếu thực người ta có số

Thì Xuân Quỳnh sao mà long đong

Quỳnh thường đi xa vào những ngày đông

Gió se lạnh - trời thường trở rét

Chiếc ba lô - bộ quần áo xám

Chẳng có ai mà viết thư


Cơn mưa mát lòng cũng của người ta

Cỏ mặt trời lăn đi không ở lại

Những mối tình đã thành xa ngái

Chỉ Gió Lào cát trắng với Quỳnh thôi… (Xuân Quỳnh có tập thơ Gió Lào cát trắng)


Đọc thư Quỳnh nước mắt bỗng rơi

Mày thì chẳng khi nào khóc lóc

Câu đùa vui hay lời nói sốc

Che tâm hồn yếu đuối cô đơn

Nhưng tất cả rồi qua - sẽ còn lại đời thường

Quỳnh sống mãi với vần thơ xa xót

Với trong sáng của tâm hồn tha thiết

Của tấm lòng tròn vẹn tuổi thanh xuân…

Bài thơ dài, rất chân thành và đằm thắm - giờ tôi không nhớ hết , và có thể chép sai một vài câu. Nhưng hôm ấy, Xuân Quỳnh ngồi nghe, nắm chặt tay tôi. Tôi đọc xong, nàng rưng rưng nước mắt: “Cảm ơn Nhàn”...

nhan-2.jpg
 Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Bị đồn là… ác miệng!

Dạo đó, Hội Nhà văn có lời đồn là Quỳnh… ác miệng (!). Ví dụ, gặp nhau là Quỳnh làm bạn bè phá ra cười, khi nàng miêu tả các nhà văn: Ông này mặt như quả thị rụng; Ông kia nửa đêm qua đường cũng giơ tay xin rẽ phải; Văn bà này có mùi dầu cù là; Thơ bà kia vè gọi bằng cụ

Chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau mọi điều. Khi Quỳnh yêu một chàng và than với tôi là Quỳnh vừa có chiếc áo mưa mới tặng chàng - hồi đó, áo mưa rất hiếm - thì sáng hôm sau gặp vợ chàng mặc đúng chiếc áo mưa đó đi chợ (!). Quỳnh than với tôi mà mắt rưng rưng. Tôi an ủi: “Có phải nó đưa cho vợ nó mặc đâu mà mày buồn. Mày tặng, bố bảo nó cũng không dám nói, coi như mới mua ở cơ quan về, treo lên mắc áo. Trời mưa, vợ nó đi chợ, thấy áo mưa treo đó thì mặc, có gì mà mày phải đau lòng”. Miệng Xuân Quỳnh đã hơi cười: “Ừ, mày nói cũng có lý”. Tôi nói thêm: “Mà tao thấy cái kiểu mày cứ gọi là không ổn đâu!”. Xuân Quỳnh lại cười: “Tao không cần anh, tao cần bạn” (!)...

Sau này, khi nàng đã bỏ chồng mà chàng ta không chịu bỏ vợ, Xuân Quỳnh đã có lúc muốn từ bỏ mọi loại đàn ông trên đời, thì Lưu Quang Vũ đã mang đến cho nàng một tình yêu đắm say, đã tặng nàng một bé trai kháu khỉnh - bé Quỳnh Thơ - Và một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng rồi số phận trớ trêu đã cướp đi tất cả.

Tôi kể mọi chuyên linh tinh để các bạn thấy là chúng tôi có thể chia sẻ mọi điều. Và tôi luôn an ủi, xoa dịu những tức tối, bực bội của nàng, chia sẻ với nàng những chuyện riêng tư. Mọi điều đã trải qua của cuộc đời Quỳnh mang nhiều uẩn ức, cay đắng. Nhưng rất may là Nàng Thơ để gửi gắm tâm tình. Và chúng ta đã có những bài thơ được phổ nhạc mang dấu ấn Xuân Quỳnh sẽ xuyên suốt thời gian. Những bài thơ sâu lắng, sáng trong và thấm đẫm tình yêu. Đó là những bài hát quen thuộc: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu... cùng những bài thơ mang tâm tình người phụ nữ: Hoa cỏ may, Mẹ của anh, Tự hát...

Và cuối cùng, những cố gắng sáng tạo và tài năng của Xuân Quỳnh đã mang lại cho Nàng một phần thưởng xứng đáng: Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ được trao tặng nay mai.

Tính đến nay, Xuân Quỳnh là nữ tác giả thứ 2 được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - lĩnh vực văn học. Trước đó, nhà thơ Vương Kiều Ân (nữ sĩ Anh Thơ) với tập thơ Bức Tranh Quê (1941), tập hồi ký Từ Bến Sông Thương (2002) là tác giả nữ đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 3 - năm 2007).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm