pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Trạm Ôm một cái" - Nơi chấp bút cho những lá thư tay
Những lá thư được viết tại “Trạm Ôm một cái”
Từ những chênh vênh sau mùa dịch…
Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh quê gốc ở Long An. Mỹ Hạnh lựa chọn TPHCM là nơi học tập và lập nghiệp. Có lẽ, được sinh vào thời điểm giao thoa giữa thế hệ Y và thế hệ Z nên cô gái sinh năm 1994 này có thể hiểu được và kết nối cả 2 thế hệ, vừa linh hoạt ứng dụng công nghệ, vừa có chút hướng nội và hoài cổ. Mỹ Hạnh cho biết, trước đây, cô đã trải qua nhiều công việc văn phòng, kinh doanh, gần nhất là khởi nghiệp với mô hình thời trang cho thuê. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã khiến công việc kinh doanh của cô gặp khó khăn. "Đợt dịch đã làm mình vỡ ra nhiều điều, mất tự tin và luôn nhận lỗi về mình, tự trách bản thân", Mỹ Hạnh nhớ lại.
Sau khoảng thời gian đó, Mỹ Hạnh từ từ bắt nhịp trở lại với cuộc sống. Thế nhưng, cô vẫn có cảm giác chênh vênh, nhiều tâm sự muốn được giải bày, mong muốn có ai đó để tâm sự. Mỹ Hạnh cho hay: "Khi qua đại dịch, mình cảm nhận được bản thân đang không ổn và mong muốn có người lắng nghe, có thể đó là một người không hề quen biết. Mình đã từng trò chuyện, tìm bạn qua app chat trên điện thoại nhưng không cảm thấy vui, nói chuyện vài câu và thấy không hợp. Mình ước gì có một nơi để trò chuyện, không cần biết người nghe là ai, chỉ biết là mình tâm sự có người nghe. Vậy là ý tưởng về việc viết thư tay gửi cho người bạn lạ đã ra đời. Ý tưởng mỗi ngày một lớn và "Trạm Ôm một cái" chính thức triển khai vào tháng 10/2023.
Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh, chủ nhân của “Trạm Ôm một cái”
… đến những chia sẻ qua cánh thư
"Trạm Ôm một cái" là nơi đưa những người đến với Trạm trở về ký ức, được trải nghiệm cảm giác viết thư tay. Không gian hoài cổ của nơi đây cho phép mỗi người sống chậm lại, trải lòng mình giữa cuộc sống xô bồ. Hay đơn giản, đây là nơi mà mọi người tìm đến để cùng nhau thưởng thức một ly cà phê, tìm bạn tâm thư hoặc viết để chia sẻ nỗi lòng. Mọi người đến Trạm đều có thể viết thư hồi âm cho bất kì thư nào đã đọc, có thể mang thư về hoặc Trạm sẽ gửi cho người mà khách hàng muốn.
Mỹ Hạnh cho biết thêm, các cánh thư sẽ được dùng hệ thống CRM để quản lý. Mặc dù việc viết thư bằng tay nhưng cách quản lý sẽ ứng dụng công nghệ. Mỗi bức có mã riêng để xác định thời gian và người gửi. Khi có thư phản hồi, hệ thống tự động gửi tin nhắn cho người nhận. Vì thế, Trạm đóng vai trò như một "bưu điện" thu nhỏ, các cánh thư được trao đổi qua lại và có tin nhắn thông báo cụ thể. Ngoài ra, Trạm còn có sổ tay để ghi lại tâm sự và cho phép mọi người cùng đọc.
"Khi đến Bưu điện TPHCM, mình thấy người nước ngoài viết thư tay và gửi đi rất nhiều nhưng người Việt Nam rất ít. Vậy tại sao mình không lưu giữ những nét đẹp đó, không lựa chọn trao gửi cảm xúc qua những cánh thư?", Mỹ Hạnh bộc bạch.
"Trạm Ôm một cái" của Mỹ Hạnh còn được ví như một nơi "sơ cứu cảm xúc". Những bạn trẻ mất phương hướng trong cuộc sống, gặp nhiều áp lực, muốn chia sẻ, giải bày có thể tìm đến để viết vào những trang thư, cảm giác giống như được ai đó an ủi, được ôm ấp để động viên. Mỹ Hạnh chia sẻ: "Có nhiều bạn nhìn bề ngoài rất rắn rỏi nhưng khi viết thư lại khóc hoặc đọc thư cũng khóc. Đến Trạm, họ có những giây phút được sống thật với cảm xúc, được giải tỏa hoặc chia sẻ những niềm vui qua từng dòng chữ. Và khi bước ra khỏi Trạm, các bạn tự cân bằng và quay về với cuộc sống hiện tại. Ở Trạm, mọi người sẽ có cảm giác thoải mái mà không sợ ai đánh giá, chê cười".
Chia sẻ về những khó khăn khi "Trạm Ôm một cái" đang ở giai đoạn đặt những "viên gạch" đầu tiên, Mỹ Hạnh cho biết, đây là mô hình hoàn toàn mới nên cô phải vừa đi vừa "dò đường", vì chưa có ai từng làm trước đó nên không thể rút kinh nghiệm.
Một thách thức khác là cô phải học cách cân bằng giữa kinh doanh và cảm xúc. "Trạm Ôm một cái" chủ yếu là cung cấp dịch vụ viết thư, bên cạnh đó là kinh doanh thức uống, đồ lưu niệm để có nguồn thu trang trải tiền thuê mặt bằng, nhân viên. "Ban đầu, mình chỉ nghĩ tới việc bán xe hoa nhỏ nhỏ cộng với việc viết thư, rồi mình chia sẻ mặt bằng mở "Trạm Ôm một cái". Hiện tại, Trạm chỉ mở vào thứ 7, chủ nhật. Mình dự kiến sẽ thuê mặt bằng mới, cách địa chỉ cũ 2 căn và xây dựng "Trạm Ôm một cái" theo mô hình của bưu điện. Mình sẽ liên kết với các công ty du lịch, công ty vận chuyển đưa khách đến cùng trải nghiệm. Con đường phía trước còn nhiều chông gai, nếu mình không đi hoặc không dám bước đi thì sẽ không bao giờ đến. Mình nghĩ rằng, cứ đi từng bước và học hỏi thêm để hoàn thiện hơn", Mỹ Hạnh trải lòng.